Ý kiến
Đêm Nguyên tiêu còn lại
16:57', 9/2/ 2004 (GMT+7)

Trong hình dung của riêng tôi, đêm thơ Nguyên tiêu có một cái gì đó rất đỗi thiêng thiêng, chứa đầy chất mộng ảo. Ở đó, mọi người được phép đọc thơ, bình thơ, nói chuyện thơ và thả thơ nữa - một thú chơi chữ thanh tao của bậc hiền tài ngày xưa. Đêm thơ Nguyên tiêu - đêm tôn vinh thơ Việt Nam lần thứ hai đón bao bước chân háo hức của người yêu thơ. Đồi Thi Nhân vốn yên bình và thơ mộng cách xa nơi sầm uất của thành phố biển nay như nhộn nhịp hơn bởi bước chân người viễn xứ.

Gần 3 tiếng đồng hồ với hơn 20 tiết mục thơ và nhạc phổ thơ của các tác giả Bình Định đã đưa người nghe đến những giây phút thư giãn của tinh thần. Có rất đông những gương mặt tôi từng gặp đôi lần và cũng không ít người còn rất lạ, chắc hẳn thể nào trong số họ cũng kết hợp đi thăm đồi Thi Nhân một lần cho biết và sau đó là thăm "Túi thơ" của Bình Định. Bầu rượu đã sẵn, một ché rượu cần còn vàng rực lớp trấu ủ bên trên, du khách chỉ việc vít cần thưởng thức. Còn túi thơ, có lẽ phải theo cảm nhận của mỗi người thôi.

Đêm nay trăng của trời không tãi vàng mặt đất như trăng của thi sĩ họ Hàn hơn 50 năm về trước, nhưng thơ thì vẫn là thơ của Nguyên tiêu đấy thôi. Và tôi bỗng như thấy có một điều gì đó còn thiếu thiếu, rằng đến với đêm thơ này ta chỉ biết có bấy nhiêu thôi sao, phần nhiều là biểu diễn thơ dưới dạng đọc và ngâm, còn phần bình thì dường như thưa vắng, ngoại trừ có một bài bình luận quá dài của nhà giáo Trương Tham về tập thơ Bình Định thế kỷ 20 vừa xuất bản. Tôi bỗng có một ao ước, giá như mọi người - cả người yêu thơ và người làm thơ có thể giao lưu trực tiếp với nhau, nói chuyện với nhau về một bài thơ cụ thể nào đó thì hay hơn, và người trình bày không nhất thiết phải cứ chăm chăm nhìn vào tờ giấy soạn sẵn nội dung mình sẽ nói, mà hãy để cho đây là một cuộc trao đổi thoải mái, có ý kiến phát biểu. Còn người biểu diễn thì không biết vì quá cảm động bởi sự nhiệt tình của người nghe hay vì điều gì khác mà hầu như bài thơ nào cũng cầm những mảnh giấy con con làm bùa hộ mệnh phòng khi quên mất chữ. Vậy mà họ vẫn ngâm, vẫn đọc tác phẩm rất tình cảm, còn mức độ biểu diễn thành công như thế nào chắc mỗi chúng ta đều biết bởi thơ chỉ được biểu diễn hay khi nó đi vào trái tim người nghệ sĩ diễn ngâm, họ học thuộc, cảm bài thơ rồi sau đó mới chuyển tải đến người nghe bằng độ rung của thanh quản, sự tròn vành rõ chữ và tình cảm của người mộ thơ. Có những giọng ngâm thơ mà lẽ ra họ đọc thì hay hơn.

Nhưng thôi, đó không phải là lỗi của Ban tổ chức, họ đã có một đêm thơ rất đầy đặn và thành công như đánh giá rồi và mỗi người khi bước chân lên đồi Thi Nhân hôm ấy đều có một kỷ niệm riêng của mình. Ít nhất là được nghe xâu chuỗi các bài thơ hay của thời đại, từ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan đến những thế hệ nhà thơ chống Mỹ và sau này như Lệ Thu, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Mai Thìn...

Tạm biệt ngày thơ Việt Nam, tạm biệt những vòng múa sạp nhộn nhịp của những chàng trai cô gái vùng cao, trở về với đời thường, lại đọc những vần thơ của ngày mai, và lại đếm từng vòng của tờ lịch mới mong hẹn lại ngày thơ năm sau. Trong đó luôn có cả một niềm mong mỏi rằng: Ngày ấy thơ sẽ được tổ chức phong phú hơn, đến đó ta sẽ không chỉ được nghe đọc thơ mà còn được chơi thơ.

. Kim Nhật

(Phòng Văn nghệ, Đài PTTH Bình Định)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những biểu tượng đẹp trong ca dao Bình Định  (08/02/2004)
Ngày hội thơ trên đồi Thi Nhân   (07/02/2004)
Ngày thơ Việt Nam ở xứ sở Bình Định   (06/02/2004)
Nhớ thuở tóc chừa miếng vá  (05/02/2004)
Việc nhỏ ở nhà  (05/02/2004)
Ngày thơ Việt Nam năm nay có gì mới?  (04/02/2004)
Vĩnh biệt nhà văn Lê Hữu Thuấn   (03/02/2004)
Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân  (02/02/2004)
Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân  (01/02/2004)
Kẻ mạnh  (30/01/2004)
Đào Tấn - thơ và từ  (29/01/2004)
Thơ xuân  (28/01/2004)
Đảng đã cho ta một mùa xuân  (26/01/2004)
Vườn gọi   (24/01/2004)
Trên đỉnh rừng thần  (21/01/2004)