Thời còn là sinh viên ở tuổi 20, chàng trai Mai Thìn giàu suy tưởng hay mơ mộng đã sớm xây cho mình một "lầu cổ tích tình yêu" trong tập thơ "Cổ tích tình yêu" do Hội VHNT Đà Nẵng xuất bản 1990.
Cái lầu cổ tích của nhà thơ đang độ xuân thì không chỉ có tình yêu ban đầu với cô bạn gái cùng quê:
Tuổi thơ em kiêu hãnh mái đầu
Đôi mắt long lanh - một trời cổ tích
Tôi là hoàng tử có sức người cô địch
Cưỡi ngựa đem em về những buổi trường tan
(Cổ tích)
Mà còn là lời tâm sự với người em gái nhỏ về tình thương quá đỗi người mẹ nghèo những chiều ngồi nướng bồ kết sau lò để cho mái tóc em tỏa hương đồng nội. Trong xúc động, ông anh - thi sĩ đã thốt lên:
Mẹ ơi!
Con đâu dám nói chuyện đền ơn
Chỉ xin được rúc đầu vào áo mẹ
Xin được chải mái tóc dài như thuở bé
Tìm sợi tóc sâu
Trên tóc mẹ bạc màu
(Nhớ mẹ)
Lầu cổ tích của nhà thơ trẻ còn mở rộng cửa đón những kỷ niệm thời thơ ấu nơi thôn xóm ruộng đồng: bắt ốc đào cua, đón những cánh diều tím tái buổi hoàng hôn, những buổi chiều hun khói bãi trâu xưa và cả tiếng cười nắc nẻ khi cắn mía vàng tận lá gãy răng. Để rồi hồi tưởng:
Thuở ở nhà chăn trâu cuối bãi
Tôi thường nằm dài dõi mắt ngắm mây trôi
Để rồi tê tái nghĩ về "mái nhà xưa dăm liếp cải!"
Để rồi hối tiếc "bây giờ biết tìm đâu! Biết tìm đâu!"
Mở rộng dần theo năm tháng, lầu cổ tích của Mai Thìn còn đón thêm những kỷ niệm đó đây khi nhà thơ có dịp đặt chân tới những miền xa lạ.
Một chiều sông Hồng, lững thững giữa Long Biên:
Nghe nước động đỏ mình cá quẫy
Ngỡ rồng xưa dội sóng về thăm
(Chiều Sông Hồng)
Một chiều Túy Loan, trên dốc nắng xiên xiên, cả không gian nghệ thuật hiện về: làn mây, rừng cây, con đường, dòng sông, lá thuyền… lãng đãng trong nắng chiều giữa một miền quê.
Với phong cách tự sự - trữ tình, với những dòng thơ dịu như nắng chiều, ngọt như mía vườn, dễ thương dễ mến như mái tóc điểm sương của mẹ già, ngập ngừng muốn nói những điều chưa thể nói hết ở tuổi hai mươi về mẹ, về quê hương đất nước, và cả người bạn gái thuở thiếu thời, với giọng điệu buồn buồn nuối tiếc những kỷ niệm xưa, "Cổ tích tình yêu" của Mai Thìn như khúc nhạc chiều xa vắng gợi ta nhớ về quãng đời thơ ấu mà ai cũng đã đi qua.
Vẻ đẹp trong tập thơ "Cổ tích tình yêu"cũng chỉ mới là vẻ đẹp của những hoài niệm được dệt bằng thơ, vẻ đẹp của những lời thủ thỉ nuối tiếc những kỷ niệm thời thơ ấu. Nếu không kể tập thơ "Hai mảnh yêu thương" viết chung với một nhà thơ khác thì tám năm sau, khi bước vào tuổi ba mươi với độ chín của nhà thơ trước cuộc sống, tập thơ "Đồng quê" - Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản 1999 - đã đến với chúng ta. Với bề dày đáng quí, với hai mảng thơ "Đồng quê" và "Thao thức", nhà thơ trẻ Mai Thìn đã tiến thêm một bước dài trên đường vào làng thơ Việt Nam.
Ở "Đồng quê", bên cạnh cảm hứng thường thấy ở Mai Thìn về quê hương: cánh diều xưa, cánh chuồn tuổi thơ, hạt cỏ may trên cánh áo em, tiếng trống quặn lòng thinh không, tiếng đàn em buông, tiếng võng mẹ đưa sớm chiều cót két… ta còn thấy ở phần thứ hai (Thao thức), đề tài mở rộng tới nhiều vấn đề: số phận con người: Đằng sau nỗi buồn; trách nhiệm của người làm thơ đối với quê hương, tình yêu và chiến tranh: Ước mơ anh, Vũ trụ, Hoang dã, Khát, Trong đêm lễ hội; nhân tình thế thái: Bài thơ hai câu, Khi trái đất bằng hạt lúa, suy tưởng trước Hội An: Tâm sự phố cổ; hay tâm sự với mình: Lang thang và Cả tiếng gọi nhân ái năm 2000.
Cùng với cảm xúc đẹp trên nhiều bình diện cuộc sống, cùng với lối cấu tứ truyền thống của thơ ca dân tộc, lời thơ ở "Đồng quê" được trau chuốt hơn. Có lúc tưởng chừng như phảng phất hồn thơ Nguyễn Bính trong "Lỡ bước sang ngang":
Ngồi nhớ em suốt buổi chiều
Gửi theo ngọn gió cánh diều cầu hôn
Tưởng rằng đồng bãi xóm thôn
Vàng mơ cỏ rối xanh hồn thời gian
Ai ngờ dông bão kéo sang
Lời yêu tôi gửi hoa vàng giờ đâu
(Cánh diều)
Cũng có khi ta bắt gặp những dòng thơ bậc thang lạ lạ, hay hay:
Gió lạnh!
mây trời trôi mãi
trăng tròn tê tái
biển và thơ
(Lang thang)
Trong "Đồng quê" có nhiều bài thơ văn xuôi nhưng bài tôi thích nhất là "Tâm sự phố cổ". Có lẽ vì cảm xúc của nhà thơ trong toàn bài và từng đoạn thơ thật đẹp, thật sâu, lời thơ giàu nhạc điệu:
… Nước Thu Bồn chảy từ đâu mà bao đời sóng vỗ chịu nghìn trùng đau xoáy nông sâu. Cuội Chùa Cầu cuốn xuôi về cửa Đại - Giọt lệ rơi chảy mãi không ngừng …
… Là Kim Bồng âm vang tiếng gõ - tiếng chạm trái tim vào gỗ cứng để lại cho đời bao phiên bản hoành ca.
Tới "Đồng quê" thì đã rõ, nhà thơ Mai Thìn thích làm thơ văn xuôi và có khả năng làm thơ văn xuôi hay. Nếu gia công trau chuốt ngôn ngữ, nhạc điệu, nhà thơ sẽ có một mùa hoa trái xum xuê về thể loại này, và thơ văn xuôi của anh sẽ lôi cuốn người đọc, kể cả những ai khó tính về thẩm thơ.
Từ "Cổ tích tình yêu" đến "Đồng quê" qua chiếc cầu "Hai mảnh yêu thương", nhà thơ Mai Thìn đã từng bước khẳng định mình trong làng thơ Việt Nam.
Dẫu nhà thơ có đam mê nỗi buồn, có đi lang thang luẩn quẩn đơn côi, có bao nỗi khát dài theo năm tháng, có thấy màu hoang dã cứ run lên trên mảnh đất cằn; thì thơ Mai Thìn trước sau vẫn là tiếng lòng chân thực, vẫn là lời thỉnh cầu nhân ái yêu thương, vẫn là tiếng thơ dìu dịu, nhè nhẹ thủ thỉ với lòng ta bao nỗi niềm về quê hương, đất nước, và cả về cuộc đời không có nhiều may mắn của anh.
. Nguyễn Xuân Nhân
(Hội VHNT Bình Định) |