|
Nghệ sĩ Phương Thảo |
Hệt như một tình yêu, nghệ thuật tuồng chiếm lĩnh NSƯT Phương Thảo ngay từ những vai diễn đầu tiên. Và có lẽ, chính tình yêu nghệ thuật không phai nhạt theo thời gian ấy là điểm tựa, để Phương Thảo vượt qua không ít khó khăn, thật sự gắn bó với nghề.
Vốn không phải là con nhà nòi của nghệ thuật tuồng. Sinh ra tại đất Hoài Đức - Hà Tây, đất chèo, mảnh đất này đã ươm mầm cho tình yêu của chị với nghệ thuật kịch hát dân tộc. Phương Thảo đến với nghệ thuật tuồng với hai bàn tay trắng nhưng lại rất nhiều đam mê ấy.
Theo học lớp trung cấp tuồng tại Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam từ năm 1972, Phương Thảo may mắn được thọ giáo các nghệ sĩ bậc thầy của tuồng Liên khu V như các NSND Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, NSƯT Đinh Quả, NSƯT Kim Cúc… Bốn năm sau, năm 1976, Phương Thảo đã tiến bộ nhanh chóng, tốt nghiệp với thứ hạng cao và trở thành một giọng hát có triển vọng, được phân về Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Giọng Bắc hát tuồng Nam, với Phương Thảo thật sự là một cuộc vật lộn. "Lúc đầu, mới lên sàn diễn, dù rất cố gắng, nhưng bạn diễn cứ chê là mình phát âm vẫn ra giọng bắc. Vậy là vừa nghe cách phát âm thổ ngữ, vừa tập nói tiếng Bình Định với đồng nghiệp vào bất kỳ lúc nào, dần dần rồi cũng vượt qua được và nay mình hát đã đúng giọng Bình Định" - chị tâm sự.
Khiêm tốn, ham học hỏi, nhất là tình yêu nghề và tinh thần cầu thị trong nghệ thuật là bí quyết của chị. Trên đất tuồng Bình Định này, Phương Thảo tiếp tục được các nghệ sĩ như NSND Võ sĩ Thừa, NSND Đình Bôi, NSƯT Dương Long Căn… truyền nghề; lại được làm việc với các đạo diễn như NSƯT Xuân Huyền, Quang Vinh, Hoàng Ngọc Đình... và các bạn diễn tài năng khác của Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Sàn diễn của Nhà hát thật sự là một trường đào tạo thực tiễn, giúp chị tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Tiếng hát Phương Thảo dần trưởng thành từ những vai diễn và định vị như một trong những diễn viên chính của Nhà hát. Hãy xem bản thành tích của chị: Năm 1982, giải A Hội thi tiếng hát tuồng toàn quốc với vai Đào Tam Xuân trong Trảm Trịnh Ân; huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 với vai Trịnh Nương trong Sao Khuê trời Việt; huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 trong vai vợ tên phản bội vở Sáng mãi niềm tin; năm 1992 huy chương vàng Hội thi tiếng hát hay tuồng, chèo toàn quốc với Ông già cõng vợ đi hội; năm 1993 đoạt giải diễn viên xuất sắc trong năm của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; huy chương vàng Liên hoan các trích đoạn tuồng hay năm 1994 với vai Chung Vô Diệm trong vở tuồng cùng tên; năm 1995 huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc trong vai Bùi Thị Xuân vở Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc; năm 1999, huy chương bạc vai Hoàng thái hậu trong Trời Nam. Đặc biệt, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú mà chị được phong tặng năm 1993 chính là sự ghi nhận cho những cống hiến nghệ thuật đó.
Phương Thảo cũng đã nhiều lần đi biểu diễn tại nhiều nước Đông và Tây Âu như Anh, Pháp, Đức, Liên Xô, Tiệp Khắc, Campuchia... Bằng tiếng hát của mình, chị đã góp phần giới thiệu vốn quý của một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc này với thế giới.
Có được thành công đó, bên cạnh thế mạnh của một chất giọng cao, sáng và truyền cảm; cộng thêm vóc dáng cân đối, vũ đạo nhuần nhuyễn và khuôn mặt rất ăn với sân khấu; là những nỗ lực không ngừng học hỏi và tự hoàn thiện ở từng vai diễn của chị. "Nhờ nghề mà tôi khôn lớn. Bởi thế, tình yêu nghề không bao giờ là ngưng nghỉ trong tôi. Có lẽ, chính vì tình yêu đó mà tôi vượt qua được những khó khăn để thêm gắn bó với nghề" - chị nói.
Cá tính mạnh mẽ, biết đào sâu tâm lý từng vai diễn, khai thác tính cách nhân vật là bí quyết của chị. Phương Thảo diễn rất vào các vai đào chiến, đào điên và đào lẳng. Mỗi vai diễn của chị là một sự sáng tạo, là một cá tính không trùng lắp, để rồi từ đó hiện hình và đọng lại trên sân khấu và đi vào lòng người xem. Bản thân chất giọng, dáng vóc của chị cũng rất hợp với những tính cách này.
Ở đào chiến, Phương Thảo liên tục gặt hái thành công, ngoài các vai đoạt giải cao còn là Đào Tam Xuân (Trảm Trịnh Ân), Liễu Nguyệt Tiêm (Đào Phi Phụng), Trưng Trắc, Hồ Nguyệt Cô (Hồ Nguyệt Cô hóa cáo)… đầy ấn tượng. Phương Thảo cũng thật xuất sắc trong các vai đào lẳng như Bà huyện, Thị Hến (Nghêu Sò Ốc Hến); cả các vai có tính cách hai mặt như Đắc Kỷ, Ái Nương, Thứ phi (Quyền uy và tội ác)… Chị cũng nổi danh với Phương Cơ giả điên và hàng loạt các vai diễn phụ khác như vợ Nguyễn Nhạc (Mặt trời đêm thế kỷ), Hồng Điệp (Vua cướp giết con); Trầm Hương (Hồn tuồng); mụ Quốc Thái (Giang Tả cầu hôn); Đổng Mẫu (Sơn Hậu)…
Và hẳn khán giả cũng không thể quên một Ông già cõng vợ đi hội, vai diễn mà Phương Thảo được NSND Đàm Liên truyền thụ. Vai diễn này là mảnh đất để Phương Thảo có thể vận dụng chất giọng khỏe của bát độ, vừa nói giọng trầm đục của ông già và sau đó là giọng thanh cao của thiếu nữ; thêm vào đó là đôi chân đứng trụ khi diễn. Đây cũng là vai diễn đánh dấu sự trưởng thành trong nghề nghiệp, cũng là khẳng định kết quả của một chặng đường tìm tòi và học hỏi của chị.
Ngoài công việc của một diễn viên, NSƯT Phương Thảo còn là một cô giáo tích cực cho lớp đồng ấu của Nhà hát và Câu lạc bộ sân khấu truyền thống tại Trường THCS Quang Trung, góp phần ươm mầm thế hệ tiếp nối của Nhà hát; rồi làm giảng viên tại Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Đồng thời chị còn tham gia các hoạt động nghệ thuật của Nhà hát và hàng loạt các công việc sự vụ khác. Nhưng trên hết, chị vẫn là một diễn viên tâm huyết với nghề, luôn biết kiếm tìm và khiêm tốn học hỏi, say mê rèn luyện và không từ bất cứ một vai diễn nào, dù là vai chính hay vai phụ.
Chắc chắn, người nghệ sĩ ưu tú đã có hơn 26 năm tuổi nghề này sẽ có thêm nhiều cống hiến cho nghệ thuật tuồng của dân tộc.
. Lê Viết Thọ |