Nguyễn Thanh Mừng - ngàn xưa lục bát hát đến ngàn sau
17:5', 16/2/ 2004 (GMT+7)

Hiện nay, trong khi nhiều nhà thơ trẻ đang cổ vũ hết mình cho thơ tân hình thức hay thể thơ không vần, thì kỳ lạ thay, thơ lục bát vẫn giữ nguyên giá trị, sức sống của nó. Cố nhiên, giá trị, sức sống đó phải vượt qua rất nhiều thử thách, sàng lọc. Và, tôi biết, trong lúc này đây, có nhiều người bỗng "thèm" thơ lục bát ghê gớm, như thèm được trở về cúi mặt hớp những ngụm nước giếng ngọt mát ở một vườn quê. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một cây truyện ngắn sắc sảo, cũng là người ghiền thơ lục bát vô cùng. Ông đã từng viết một bài rất hay về thơ lục bát của Đồng Đức Bốn: Trở về với mẹ ta thôi. Cái nguyên lý trở về đó thật ra là một nguyên lý mở. Mở ra đến vô cùng để được là chính mình, để nhận được sự giao cảm với mọi người, đó chính là điều mà các nhà thơ luôn muốn đạt đến. Nguyễn Thanh Mừng cũng là một nhà thơ luôn ôm ấp trong mình những khát khao như vậy.

Sinh năm 1960 tại Hoài Ân, Bình Định, Nguyễn Thanh Mừng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Ủy viên BCH Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Ủy viên Ban Liên lạc các nhà văn miền Trung; Ủy viên BCH Hội Nhà báo Bình Định; Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam và là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Định. Tuy kiêm nhiệm nhiều việc "nhà quan" như vậy, kỳ thực Nguyễn Thanh Mừng là người luôn giành cho thơ tất cả thời gian của mình. Nhờ luôn đắm mình trong thế giới phức điệu như vậy mà thơ của Nguyễn Thanh Mừng như là những phiên bản ánh sáng từ những mảnh tâm linh mầu nhiệm. Trong bài Cố hương, Nguyễn Thanh Mừng viết: Nhiều khi trong giấc chiêm bao - Tôi về núi cũ trăng hao bóng gầy - Lối mòn khuất khuất khói mây - Tiếng chim nhỏ nhỏ tàn cây buồn buồn… Với khả năng phục hồi những vùng sống, cộng cái nhìn tinh tế, ẩn sâu, Nguyễn Thanh Mừng đã viết nên những câu thơ tài hoa: Trót vay dáng dấp cội nguồn - Tấm thân lau cỏ linh hồn trúc tre - Hỏi thăm cò hạc suối khe - Có còn nhận mặt bạn bè thơ ngây" (Cố hương).

Nhiều người đọc thơ Nguyễn Thanh Mừng đều có chung nhận xét, anh là một người hoài cổ. Nhưng Nguyễn Thanh Mừng hoài cổ mà không nệ cổ, không cực đoan, khư khư, khuôn mẫu, nếp lề. Thơ lục bát của Nguyễn Thanh Mừng như mượn cái không khí liêu trai của ngàn xưa để nói về cái hôm nay hay phác họa khúc hát cho ngàn sau (!) Trong bài thơ Vũ nữ Chăm Pa, Nguyễn Thanh Mừng viết: Nghìn năm sương khói bời bời - Cuốn ta vào một cuộc chơi thần sầu - Bá quan văn võ đi đâu - Mình nàng đứng trước sân chầu đợi ta - Vượt qua mê lộ phù hoa - Nàng là vĩnh cửu, ta là hư không…

Được đánh giá như một nhà thơ mới kế thừa xứng đáng thơ Bình Định với các nhà thơ lớn Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử … Nguyễn Thanh Mừng ngay từ khi xuất hiện đã thể hiện một giọng thơ rất riêng, rất lạ. Cái riêng cái lạ trong thơ lục bát của Nguyễn Thanh Mừng chính là cái duyên dáng của tâm hồn, cái uyên thâm của trí tuệ được nâng niu và phát động không ngừng. Thế nhưng trong cuộc sống đời thường, Nguyễn Thanh Mừng là người hết mực khiêm tốn. Thoạt trông, anh có dáng vẻ hiền lành, thanh thoát của một anh giáo làng. Nhưng khi tiếp cận, ta lập tức bị mê hoặc bởi sự tinh tế và khoáng đạt của một tâm hồn nghệ sĩ. Nguyễn Thanh Mừng cho biết, anh vốn sinh ra ở một miền sơn cước nhưng tuổi trưởng thành lập thân tại phố biển Quy Nhơn, cho nên trong con người anh như có sự cộng hưởng giữa núi và biển. Thơ anh, do đó cũng có cái trầm tịch của núi và sự du dương của biển.

Viết không nhiều, tính đến nay Nguyễn Thanh Mừng chỉ mới ra mắt bạn đọc hai tập thơ riêng, đó là tập Rượu đắng (NXB Trẻ 1991)và tập Ngàn xưa (NXB Hội Nhà văn 1998). Thế nhưng thơ Nguyễn Thanh Mừng lại có mặt hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Hơn thế, anh có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu thơ. Về giải thưởng, Nguyễn Thanh Mừng từng đoạt giải A giải thưởng Xuân Diệu-Đào Tấn 1990-1995, giải Nhì Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam 1998, giải A giải thưởng Xuân Diệu-Đào Tấn 1996-2000, giải thơ hay tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn quý I năm 2003. Với vai trò là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Định hiện nay, công việc của Nguyễn Thanh Mừng trở nên bận rộn hơn. Có những công việc ngoài thơ, thế nhưng Nguyễn Thanh Mừng vẫn phải "gồng mình" để lo lắng cho đời sống VHNT, cho văn nghệ sĩ tỉnh Bình Định. Tin rằng với một "ông chủ tịch" có tâm tài như Nguyễn Thanh Mừng, đời sống văn nghệ ở Bình Định ngày càng khởi sắc hơn.

. Trần Nhã Thụy

(Hội Nhà văn TPHCM)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà thơ Hữu Loan và mối tình mang "màu tím hoa sim"   (15/02/2004)
Chuyện nhà của chị   (13/02/2004)
Về bài hát "Ba Vì mờ cao" của nhà thơ Quang Dũng   (12/02/2004)
Phương Thảo: giọng Bắc hát tuồng Nam  (11/02/2004)
Mai Thìn, từ "Cổ tích tình yêu" đến "Đồng quê"  (10/02/2004)
Đêm Nguyên tiêu còn lại   (09/02/2004)
Những biểu tượng đẹp trong ca dao Bình Định  (08/02/2004)
Ngày hội thơ trên đồi Thi Nhân   (07/02/2004)
Ngày thơ Việt Nam ở xứ sở Bình Định   (06/02/2004)
Nhớ thuở tóc chừa miếng vá  (05/02/2004)
Việc nhỏ ở nhà  (05/02/2004)
Ngày thơ Việt Nam năm nay có gì mới?  (04/02/2004)
Vĩnh biệt nhà văn Lê Hữu Thuấn   (03/02/2004)
Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân  (02/02/2004)
Khởi hành cùng ba mươi chín mùa xuân  (01/02/2004)