Chúng tôi kính cẩn đặt tập thơ vừa được xuất bản: Thơ Bình Định thế kỷ 20 (Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định và NXB Văn học phát hành) và Hương nguồn thơ đường luật ở Bình Định từ thế kỷ thứ 17 (NXB Đà Nẵng), trên bàn thờ hương linh nhà thơ lão thành Nguyễn Hoài Văn. Hai tập thơ rất dày dặn và trang nhã. Chúng tôi vừa mừng hai tập thơ tuyển tầm cỡ, vừa buồn bởi nhà thơ Nguyễn Hoài Văn đã qua đời hôm 29-12-2003, chưa kịp thấy hai tác phẩm văn học xuất sắc của quê hương.
Không chỉ anh chị em làm thơ quê nhà biết tiếng Nguyễn Hoài Văn, mà còn nhiều tác giả trong Nam ngoài Bắc biết cụ. Nguyễn Hoài Văn biệt hiệu Mai Đình, là tác giả các tập thơ: Giọt nắng thu (1970), Nhánh đêm gầy (1973), Vườn mộng (1989), Vân Sơn bán mộng (tập thơ chữ Hán - 2000); và còn các tập chưa xuất bản là: Hoa lá vườn xưa, Mảnh hồn xanh, Bóng thuyền trong cơn gió, Những câu đối ở Bình Định...
Học giả Nguyễn Hiến Lê khi đọc tập thơ Nhánh đêm gầy có nhận xét về Nguyễn Hoài Văn rằng: "Ông có hồn thơ, có lẽ vì ông có tâm sự nhiều. Thơ ông có nhạc, ông lại chịu khó tìm hình ảnh. Tôi thích như bài Nhánh đêm gầy, nhất là sáu câu cuối:
Mộng về chưa biết triền hương
Chưa xanh tóc cỏ chưa hường hoa môi
Mây bay bèo giạt chân cầu
Nghe trong da thịt rợn sầu tương lai
Giờ đây trên bước thu dài
Nhánh đêm gầy với nhánh đời hoang vu.
Trong lời giới thiệu tập thơ Vườn mộng, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn viết: "Đặt tên cho đứa con thứ ba của mình là Vườn mộng, có lẽ tác giả có ý tự khuyên con mình là nhà "thơ vườn"... Ở bài Chiếc lá hồn xanh cái vườn mộng của anh được đặc tả rõ nét:
Người về từ cõi xa xăm
Nơi đây vườn rộng con tằm ươm tơ
Nơi đây là ước là mơ
Là trăm tiếng hát là thơ đi về.
Vũ Ngọc Liễn còn tán thêm: "Như vậy đối với tác giả, màu xanh của lá dâu là linh hồn của cây dâu, các loài cây cỏ khác cũng thế, người đời đừng thấy nó lặng lẽ phát triển hoặc lặng lẽ tàn lụi mà lầm tưởng rằng nói chỉ là vật vô tri".
Còn về tập thơ chữ Hán Vân Sơn bán mộng của Nguyễn Hoài Văn do nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch biên dịch, trong lời nói đầu ông Đặng Quý Địch viết: "Ai đã từng đọc qua các tập thơ "quốc ngữ" của Nguyễn Hoài Văn, sau khi đọc xong tập Vân Sơn bán mộng này tất sẽ nhận thấy ở tác giả một hồn thơ đôn hậu, trang nhã và nhạy cảm, một ngôn ngữ thơ trôi chảy, nhẹ nhàng và dễ hiểu. Tôi có thể nói mà không sợ lầm rằng: Tâm hồn và tài năng của Nguyễn Hoài Văn phần lớn nằm trong tập thơ chữ Hán này".
Nguyễn Hoài Văn lấy cái mốc 40 năm, từ 1946 đến 1986, để chọn ra 87 bài ngữ ngôn tuyệt tác, thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú. Cuối cùng là bài tứ tuyệt Bát thập dư thi và tác giả tự dịch:
Tám chục bài thơ ngọn bút gieo
Núi mây nửa giấc bức tranh treo
Xa trông bốn bể nhiều quân tử
Cười tớ thuyền con một mái chèo
Tạng người Nguyễn Hoài Văn nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàng và khiêm tốn như thế đấy.
Tập Thơ Bình Định thế kỷ 20 không in thơ quốc ngữ của Nguyễn Hoài Văn, mà in bài thơ chữ Hán Định vị niên trú tại Quy Nhơn thành Xuân Cảm, trong đó có cặp luận:
Thời sự tần phiền nhân sự kế
Sầu hồn cách nhiễu mộng hồn thi
Lộc Xuyên dịch:
Sự thế thân phiền người chạy vạy
Mộng hồn càng vương ý buồn lâu
Người dịch đã cố gắng dịch thoát ý, nhưng đọc lại 2 câu chữ Hán vẫn thích hơn về kỹ thuật tuyệt vời của Nguyễn Hoài Văn, mà cụ viết từ năm 1967 khi chiến tranh ác liệt ở quê hương, nỗi buồn bã của thi sĩ ngay giữa phố phường bên cửa biển.
Chúng tôi càng buồn hơn khi được biết trong những ngày cuối cùng, cụ Nguyễn Hoài Văn không nói được. Mấy ngón tay gầy guộc của cụ vẫn ve vuốt mấy tập thơ. 87 tuổi đời, bao nhiêu tuổi lương y, bấy nhiêu tuổi thơ ca và vẫn bấy nhiêu tuổi nghèo. Có lẽ nhà thơ Nguyễn Hoài Văn còn trăn trở không biết mấy tập bản thảo có được chào đời hay không!
Chúng tôi nhớ trong Lời bạt tập thơ Vườn mộng của Nguyễn Hoài Văn đã mở đầu: "Khi người ta đã vượt qua đỉnh thất thập cổ lai hy" thì hay dọn chỗ nằm tức là mồ yên mả đẹp, chứ hơi đâu lo chỗ đứng trong xã hội nữa. Riêng cụ Nguyễn Hoài Văn thì mong có chỗ ngồi giữa những người thân thương, nên gom góp tiền in tập thơ với ước mơ cùng con cháu và bè bạn chuyện trò trong Vườn mộng. Một người trước cuộc sống thắt lưng buộc bụng và bên cánh cửa cuối cùng, đã không chọn bản vẽ ngôi mộ mà đi in sách tặng là điều hiếm có, và việc làm văn hóa cao...".
Hơn thế, theo chúng tôi, con người của cụ Nguyễn Hoài Văn có cuộc đời thơ mầu nhiệm và lãng mạn, con người có cuộc sống rất mô phạm, thật xứng đáng là bậc lão thực!
. Hà Giao |