Có một Thánh Gióng của người Bana Kriêm
17:5', 23/2/ 2004 (GMT+7)

Đã từ lâu, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhất là ở các vùng dân tộc vùng cao, đã ra đời và âm ỉ tồn tại như là một sự bất tử những bản trường ca giàu huyền thoại, thể hiện được sức mạnh vô địch của những người con dân tộc và truyền thống của giống nòi. Ở tộc người Bana Kriêm cũng đã có một bản trường ca rất đáng để tự hào như vậy. Đó là Trường ca Đăm Pen (Hà Giao sưu tầm - biên dịch, NXB Kim Đồng, 2003).

Và nó đã trở thành một trong những cuốn sách được Nhà nước tài trợ cho thiếu nhi các trường tiểu học miền núi, vùng sâu, vùng xa - một trong những lý do để giải thích cho số lượng in lên tới 34.640 bản của lần xuất bản đầu tiên Trường ca Đăm Pen.

Nhân vật Đăm Pen là một chú bé Bana kỳ lạ. Mới ba tuổi Đăm Pen đã biết đi biết nói. Mặt mày chú sáng sủa, thân hình như tuổi lên mười.

Theo nhà sưu tầm Hà Giao, tác giả cuốn sách, tuy chưa phải thần tình như Thánh Gióng trong truyền thuyết người Việt, nhưng nhân vật Đăm Pen trong trường ca của đồng bàn Bana Kriêm cũng có sức mạnh và tài năng rất khác lạ so với người thường.

Nếu vũ khí của cậu bé làng Gióng trong truyện Thánh Gióng là con ngựa sắt với bụi tre đằng ngà thì vũ khí của Đăm Pen là cái khiên của ông cha để lại. Đối thủ của Thánh Gióng là giặc Ân, còn đối thủ của Đăm Pen là lão Bok Grơă, một con thú đội lốt người, là điển hình cho cái ác, vì hắn dám ăn cả thịt người. Đây là những dòng trong Trường ca Đăm Pen nói về kẻ ác độc Bok Grơă:

Mặc tiếng người chửi rủa khóc than

Vợ chồng lão lớp ăn tươi nuốt sống

Lớp căng lên giàn bếp làm khô

Người nào đẹp làm con mồi để nhử

Biết mấy chàng trai biết bao cô gái

Nên hàng ngày chồng chất mấy tầng xương.

Đó cũng là những lời kết tội kẻ phi nghĩa nhằm nói lên hành động chính nghĩa của Đăm Pen sau này khi cậu ra tay trừ bỏ hắn, loại hắn ra khỏi cộng đồng nhằm đem lại cuộc sống yên vui cho mọi người. Để rồi chàng thiếu niên tuổi trẻ tài cao Đăm Pen trở thành người anh hùng, người cứu nhân độ thế của tộc người Bana.

Cũng vì thế mà những dòng trường ca miêu tả cuộc chiến đấu giữa Đăm Pen với vợ chồng tên bạo tàn Bok Grơă cũng là những câu hào hùng nhất:

Đăm Pen lẹ làng chỉ một phóc

Vụt lớn lên như cổ thụ giữa rừng

Xách cổ vợ chồng lão khỏi bãi cỏ xanh

Rồi ném nhanh lên giữa không gian

Hai ánh chớp nối liền hai tiếng sấm

Vợ chồng Bok Grơă nổ tung

Kẻ độc ác chết nhanh đến lạ lùng.

Đó là những lời ca làm nên cái hùng, chất hùng cần phải có trong Trường ca Đăm Pen.

Đăm Pen, người con của dân tộc Bana Kriêm, là sức trẻ và sức mạnh chính nghĩa của núi rừng người Bana đã hiện lên thật rực rỡ và chói lọi nhưng cũng vô cùng gần gũi với mọi người, với cuộc sống. Dù sức khỏe và tài trí hơn người nhưng cuối cùng thì Đăm Pen, sau khi đã lập nên những chiến công lớn, trước sau vẫn mãi mãi là một người con của đồng bào Bana. Nếu Thánh Gióng sau khi dẹp tan giặc nhà Ân, cưỡi ngựa sắt bay về trời trong vầng hào quang chói lọi của người trời, thì Đăm Pen ở lại mãi với lũ làng, với những cánh rừng đại ngàn của người Bana. Và đó cũng là một trong những ý nghĩa tư tưởng lớn từ Trường ca Đăm Pen.

. Hà Tùng Sơn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ nhà thơ Nguyễn Hoài Văn  (22/02/2004)
Khoảng trời thơ Bình Định  (19/02/2004)
Có một miền đất tên gọi Krông Bung  (18/02/2004)
Bàn về giọng điệu trong thơ trữ tình  (17/02/2004)
Nguyễn Thanh Mừng - ngàn xưa lục bát hát đến ngàn sau  (16/02/2004)
Nhà thơ Hữu Loan và mối tình mang "màu tím hoa sim"   (15/02/2004)
Chuyện nhà của chị   (13/02/2004)
Về bài hát "Ba Vì mờ cao" của nhà thơ Quang Dũng   (12/02/2004)
Phương Thảo: giọng Bắc hát tuồng Nam  (11/02/2004)
Mai Thìn, từ "Cổ tích tình yêu" đến "Đồng quê"  (10/02/2004)
Đêm Nguyên tiêu còn lại   (09/02/2004)
Những biểu tượng đẹp trong ca dao Bình Định  (08/02/2004)
Ngày hội thơ trên đồi Thi Nhân   (07/02/2004)
Ngày thơ Việt Nam ở xứ sở Bình Định   (06/02/2004)
Nhớ thuở tóc chừa miếng vá  (05/02/2004)