Cách cảm mới qua "Hát với Thị Mầu"của Đoàn Thị Lam Luyến
16:48', 24/2/ 2004 (GMT+7)

Thị Mầu và Thị Kính là hai nhân vật dân gian có sức sống khá đặc biệt. Có lẽ, bởi vì đây không chỉ là hai nhân vật trung tâm của một câu chuyện có nhiều tình tiết gay cấn, mà quan trọng hơn, đây là hai nhân vật phản ánh đầy đủ nhất khát khao cháy bỏng của những người phụ nữ vốn bị trói buộc bởi những lễ nghi phong kiến.

Mỗi người có một cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Song hầu hết số đông người đều dành phần ưu ái cho Thị Kính và dành phần chê trách cho cô Thị Mầu vốn xinh đẹp mà "chẳng nết na".Vậy nhưng, thượng đế vốn dĩ công bằng. Trong số ít người, có một người phụ nữ lại dành mọi sự cảm thông để sẻ chia cùng Thị Mầu. Đó là nữ thi sĩ Đoàn Thị Lam Luyến.

Có lẽ cũng như mọi người phụ nữ khác, Đoàn Thị Lam Luyến mang trong mình trái tim vốn nhạy cảm, dễ rung động và biết sớt chia. Thương Thị Kính nhưng không vì thế mà oán trách Thị Mầu. Cuộc đời thi sĩ cũng đã qua những đa đoan, những khát khao yêu đương và những lần đổ vỡ nên thi sĩ hiểu nỗi niềm Thị Mầu.

Bài thơ không đơn thuần là sự cảm thông, mà thực sự là một cách nhìn mới mẻ về con người. Qua đó giúp ta thấu hiểu cái sâu xa trong câu chuyện, cái phần "ý tại ngôn ngoại" mà người đời xưa chưa dám nói.

"Hát Với Thị Mầu" là bài thơ trữ tình nhập vai. Đoàn Thị Lam Luyến hóa thân mình trong cô Thị Mầu ngày xưa để bộc bạch:

Cha thường mắng em dại dột

Có bao cột nhà cũng đem đi

Lời thơ bình dị như lời nói buông ra từ cửa miệng. Không có dấu vết của sự trau chuốt ngôn từ, nhưng ở đó với cái "hồn" trong câu ca dao xưa:

Trai khôn đem của về nhà

Gái dại vác cả cột nhà đem đi

Thi sĩ gợi lên trong người đọc những dòng nghĩ suy. Và rồi cái chặc lưỡi của người mẹ - một người phụ nữ chắc không ít trầm luân:

Thương con mẹ thường xa xót

Số nó chồng con chẳng ra gì

Đó là lời thương cảm, cũng là lời thông cảm của nhà thơ. Để rồi theo mạch cảm xúc ấy, Thị Mầu có cơ hội nhìn lại đời mình, nhìn lại nguyên nhân cái bi kịch mà mình gây ra cho Thị Kính:

Ai bảo mẹ sinh em đẹp

Ai xui cha muốn con giàu

Cưới con thách trăm đun thóc

Cưới con thách chục buồng cau

Trong từng câu chữ, ta nghe nỗi niềm "ấm ức" của kẻ vốn bị coi là "tội phạm". Hóa ra, tội lỗi mà người đời dễ thấy, khó quên đối với Thị Mầu lại không bắt nguồn từ chính bản thân cô. Có chăng cái bắt nguồn trực tiếp từ Thị Mầu, đó là khát khao được yêu đương của một người con gái mới lớn, khát vọng muốn vượt ra ngoài mọi ràng buộc của lễ nghi, của những "khuôn vàng thước ngọc" mà chế độ phong kiến hà khắc đã sẵn đúc để bắt con người ta phải phục tùng. Trong cái xã hội ấy, "hồng nhan đa truân" - là hiện tượng đã trở nên phổ biến. Vậy, "Ai bảo mẹ sinh em đẹp", dù đang nói đến "nhan sắc" nhưng ở đó không có sự hãnh diện, chỉ là lời than trách. Đó là lời than trách nhẹ nhàng nhưng có nỗi niềm sâu lắng. Để rồi theo mạch ngầm, cái cảm xúc ấy lại trào dâng: "Ai xui cha muốn con giàu".

Vì cha mẹ mà có một Thị Mầu dám vượt qua luân thường đạo lý, đem lòng yêu say đắm một đối tượng mà bản thân mình biết rằng không nên:

Thầy như táo rụng sân đình

Em như gái dở đi rình của chua

Điều đặc biệt của "Hát với Thị Mầu" là ở đó không còn bóng dáng của sự táo bạo ấy nữa, dù đó là cái táo bạo thật sự đáng phải nghĩ suy. Chỉ còn lại lời tự trách mình nghe chát đắng:

Em phải vu oan Thị Kính

Em phải lẳng lơ Thị Mầu

Bây giờ mỗi lần con hỏi

Biết chàng Nô ở nơi đâu?

Dòng tâm sự dừng lại ở một cái kết đột ngột và bỏ ngỏ. Có lẽ đó là tâm trạng mong muốn kiếm tìm của thi sĩ, của Thị Mầu về sự cảm thông và chia sẻ gửi đến người đời.

. Thi An

(Đại học Quy Nhơn)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Có một Thánh Gióng của người Bana Kriêm  (23/02/2004)
Nhớ nhà thơ Nguyễn Hoài Văn  (22/02/2004)
Khoảng trời thơ Bình Định  (19/02/2004)
Có một miền đất tên gọi Krông Bung  (18/02/2004)
Bàn về giọng điệu trong thơ trữ tình  (17/02/2004)
Nguyễn Thanh Mừng - ngàn xưa lục bát hát đến ngàn sau  (16/02/2004)
Nhà thơ Hữu Loan và mối tình mang "màu tím hoa sim"   (15/02/2004)
Chuyện nhà của chị   (13/02/2004)
Về bài hát "Ba Vì mờ cao" của nhà thơ Quang Dũng   (12/02/2004)
Phương Thảo: giọng Bắc hát tuồng Nam  (11/02/2004)
Mai Thìn, từ "Cổ tích tình yêu" đến "Đồng quê"  (10/02/2004)
Đêm Nguyên tiêu còn lại   (09/02/2004)
Những biểu tượng đẹp trong ca dao Bình Định  (08/02/2004)
Ngày hội thơ trên đồi Thi Nhân   (07/02/2004)
Ngày thơ Việt Nam ở xứ sở Bình Định   (06/02/2004)