Nguồn cội
16:21', 27/2/ 2004 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Phan Cao Toại

Cuối cùng, ông Tiềm cũng đã về lại nơi chôn rau cắt rốn của mình sau ba mươi năm trôi dạt xứ người: Làng Ngò. Ngồi trong xe với ông Thức, em ruột mình, mắt ông cứ dán vào cửa xe. Chiều đông loang loáng nắng. Lúa trên đồng đã lên xanh. Con đường từ sân bay về quê ông cả trăm cây số mà chiếc taxi chỉ chạy hơn một tiếng đồng hồ đã chạm vào màu lam của dãy núi xa mờ thân thuộc: Núi Sụn. Suốt chặng đường ấy, ông như một cậu bé ngụp lặn trong dòng sông ký ức. Phải, đã ba mươi năm rồi… Cái ngày ông cởi áo lính rằn ri, chạy bán sống bán chết lên một con tàu của hải quân ngụy thua trận để ra đi, ông không kịp về quê thắp một nén nhang tạ từ tổ tiên, tạ từ quê nghèo với những mái rạ đơn sơ, với con đường làng rợp bóng tre xanh, vương vãi phân trâu và rơm mục… Ông sống ba mươi năm xứ người, thỉnh thoảng có thư về. Cũng có khi ông nhờ người chuyển giúp cho người em ít tiền để giỗ chạp. Ba mươi năm… Giờ đây ông như một người khách lạ. Mọi vật đã đổi khác. Nhà cửa, đường sá ở làng Ngò bây giờ chẳng khác gì thị trấn. Trường học, bệnh xá khang trang, mái ngói cửa gương lấp loáng. Con đường sống trâu vào làng ngày trước được thay bằng con đường lát xi măng có cả đèn cao áp… Nhà ai cũng tường xây, mái ngói đỏ au. Mãi khi chiếc taxi đỗ lại trước một ngôi nhà mới xây trong khuôn viên đầy cây trái, ông Tiềm giật mình nghe ông Thức vừa cười vừa nói:

- Về tới nhà mình rồi, anh ạ…

Ông Tiềm nửa say nửa tỉnh, ngỡ ngàng trước cảnh vật như lạ như quen. Nhưng rồi ông cũng nhận ra đó là nhà mình nhờ cái giếng trước sân dưới gốc cây khế ngọt mà thuở nhỏ ông vẫn thường trèo hái suốt ngày. Hình như chỉ hai thứ đó là cũ, còn lại ông Thức đã xây lại tất cả. Xưa, chỉ có ngôi nhà tranh vách trát bằng phân trâu lụp xụp bên cạnh chuồng trâu. Còn bây giờ, ngôi nhà chính ba gian nối với một dãy nhà ngang tạo thành chữ L cân xứng. Chuồng trâu cũng lợp ngói mãi tít cuối vườn và một cây rơm vàng óng bên cạnh sân gạch như mách bảo với ông Tiềm rằng vụ mùa vừa qua là một vụ bội thu.

Tay bắt mặt mừng trong buổi đoàn viên. Ông Thức dẫn anh đi xem cơ ngơi nhà mình. Phòng cho thằng con trai sắp cưới vợ. Phòng cho con bé út sắp gả chồng. Phòng vợ chồng ông. Phòng nào cũng tươm tất cả. Đặc biệt, ông Thức dành hẳn một phòng tiện nghi đầy đủ để phòng khi có ông anh từ nước ngoài về: giường mô đéc trải nệm, tủ ba buồng, toa lét có tắm nóng lạnh. Ông nói với ông Tiềm:

- Đây là phòng của anh. Mùa này mát trời nên em chưa bắc điều hòa. Còn nếu anh về vào mùa hè, phòng ngủ của anh cũng như trong khách sạn…

Trong bữa cơm chiều có mời họ hàng tới dự, ông Thức sau một tuần rượu đã nói bóng gió với anh mình:

- Sống ở quê người sung sướng, tưởng anh quên quê hương…

Ông Tiềm nhìn mọi người, lặng đi, không biết trả lời thế nào trước câu nói nửa đùa nửa thật của người em. Ông uống liên tục hai ba ly rượu như nuốt vào lòng cái nghẹn ngào, cái khó nói của chuỗi ngày phải sống xa quê. Nhục thì nhiều, vinh thì ít. Ông cũng không thể nào lý giải cho em ông và bà con thân thích biết một cách rành rẽ vì sao hôm nay ông mới trở về. Hiểu tâm trạng ấy, một cụ già chìa chén rượu về phía ông, nói:

- Chú về được là quý rồi. Lá rụng về cội cả thôi, chú ạ…

Buổi tối, ông Thức trải chăn đệm cho anh nằm nghỉ sớm. Mùi nước hoa thoang thoảng. Ánh đèn mờ của chiếc đèn ngủ ở góc tường. Chiếc tivi màn hình phẳng mới mua… Tất cả những tiện nghi ấy ông Thức cố sắm sửa để anh mình khỏi hụt hững. Nhưng ông Tiềm lại không sao chợp mắt. Ông nhớ về mái nhà xưa. Mái tranh vách trát bằng phân trâu mà thời gian đã làm nhạt đi mùi hăng, tạo thành một mùi thơm dịu nhẹ đầy quyến rũ. Đêm đêm, con trâu bên chuồng sát chiếc giường tre ọp oẹp của ông nằm nhai cỏ thỉnh thoảng lại vặc lên một tiếng. Mùi khai nồng của nước tiểu và phân trâu quyện vào không gian tù hãm của mái nhà tranh đã thấm vào hơi thở của ông suốt mười mấy năm tuổi nhỏ. Và mỗi buổi sáng đánh trâu ra bãi, những chú trâu vô tình bậy ra cả đường khiến cho đường làng bốc lên một mùi ngai ngái. Nó trở thành gần gũi, thành một mùi đặc trưng cho miền quê thân thuộc… Bây giờ, trong căn phòng sang trọng ấy lại sực lên mùi nước hoa đắt tiền…

Trằn trọc với những ký ức tuổi thơ, ông Tiềm không sao chợp mắt. Ông mở cửa đi ra ngoài. Trời se lạnh. Đêm mùa xuân với ánh trăng nhàn nhạt đủ để ông nhìn ngắm cảnh vật còn thiếp ngủ. Gốc khế bên giếng nước. Đụn rơm cuối sân. Tiếng dế râm ran từ trong nội cỏ… Lần theo con đường lát gạch trong vườn, ông đi ra phía chuồng trâu.

Hai chú trâu mộng trong chuồng lim dim ngủ. Bên cạnh chuồng trâu là gian chứa rơm. Gió từ phía ấy mang theo mùi nước tiểu, mùi phân trâu lẫn vào hơi thở của ông. Tim rộn lên, ông Tiềm bước nhanh về phía có mùi quen thuộc ấy.

Ông ngả lưng xuống đống rơm cạnh chuồng trâu. Rơm mới thơm thơm ôm lấy ông. Hơi ấm dịu dàng tỏa từ những cọng rơm khẳng khiu. Phân trâu còn mới hăng nồng mùi cỏ. Một ngọn gió lành lạnh từ trong núi bay ra. Những hương vị ấy tạo nên một cảm giác lạ lùng, kéo ông vào giấc ngủ…

Đang mơ màng thì bên tai ông văng vẳng tiếng người. Đó là tiếng ông Thức nói với người con trai:

- Quái, cổng khóa thế kia thì bác ấy ra ngoài thế nào được…?

- Chắc bác ấy trèo tường bố ạ. Con đã bảo thuê khách sạn trên thị xã cho bác ấy thì bố không nghe. Ở nhà quê bác ấy ngủ thế nào được…

Ông Tiềm tỉnh hẳn, nghe rõ mẩu đối thoại ấy của hai cha con người em. Ông thấy mắt mình cay cay, ngồi bật hẳn dậy, giọng trầm buồn:

- Anh đây, chú ạ…

Cha con ông Thức đều ngạc nhiên:

- Chết, sao anh lại ra đây…?

Ông Tiềm:

- Ra đây, tôi mới chợp mắt được một lát chú ạ. Cái mùi phân trâu quen thuộc quá, ba mươi năm sống ở xứ người tôi không sao tìm được…

Nha Trang đầu năm Thân

. P.C.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mấy ý kiến về Tuyển tập thơ Bình Định thế kỷ XX  (26/02/2004)
Nguyễn Nhược Pháp và xuất xứ bài thơ Chùa Hương  (25/02/2004)
Cách cảm mới qua "Hát với Thị Mầu"của Đoàn Thị Lam Luyến  (24/02/2004)
Có một Thánh Gióng của người Bana Kriêm  (23/02/2004)
Nhớ nhà thơ Nguyễn Hoài Văn  (22/02/2004)
Khoảng trời thơ Bình Định  (19/02/2004)
Có một miền đất tên gọi Krông Bung  (18/02/2004)
Bàn về giọng điệu trong thơ trữ tình  (17/02/2004)
Nguyễn Thanh Mừng - ngàn xưa lục bát hát đến ngàn sau  (16/02/2004)
Nhà thơ Hữu Loan và mối tình mang "màu tím hoa sim"   (15/02/2004)
Chuyện nhà của chị   (13/02/2004)
Về bài hát "Ba Vì mờ cao" của nhà thơ Quang Dũng   (12/02/2004)
Phương Thảo: giọng Bắc hát tuồng Nam  (11/02/2004)
Mai Thìn, từ "Cổ tích tình yêu" đến "Đồng quê"  (10/02/2004)
Đêm Nguyên tiêu còn lại   (09/02/2004)