Tôi quen chị trong một đợt tập huấn ngắn hạn. Chị tươi mát ở độ tuổi bốn mươi nhưng tôi chỉ chú tâm vào mấy cô cùng trang lứa hay nhỏ tuổi hơn. Đôi khi tôi thoáng nhận nét buồn phảng phất trên gương mặt khá long lanh của chị nhưng cứ nghĩ là do phụ nữ quê chị có nét như vậy. Lớp học lại được tổ chức ở Huế nên tôi cũng nghĩ là chị buồn theo cái nhịp điệu xứ này.
Giữa kỳ học, đơn vị đăng cai tổ chức một bữa "nhậu" giao lưu. Được vài tuần bia, ông lớp trưởng bỗng hứng chí tuyên bố: "Chúng ta đến từ nhiều tỉnh, nhiều vùng văn hóa khác nhau. Bây giờ anh em phải chiêu đãi đặc sản quê mình, tức là phải hát dân ca địa phương! Người này hát xong thì chỉ người kế tiếp. Không được ai từ chối! Tui xin hát trước". Đúng là men ngà ngà chỉ có hát là nhất trần đời, mà lại là dân ca do chính chất giọng bản địa trình diễn thì chỉ có "tuyệt cú mèo"! Nào là vọng cổ sáu câu, nào là ví dặm Nghệ-Tĩnh, nào là quan họ Bắc Ninh, ca Huế… Còn riêng tôi thì chơi bài chòi quê mình. Tôi hát không hay lắm nhưng được cái siêng hát. Thế là lấy hết sức… duyên dáng, tôi ca bản "Trách phận" của một ông nhạc sĩ xứ Nẫu viết theo điệu bài chòi Xuân Nữ. Bài hát là tâm sự thảm thương của một gã bị vợ bỏ. Xong phần trách nhiệm, tôi ngồi xuống trong tiếng vỗ tay rào rào, lại còn được vỗ tay nhiều hơn mấy tiết mục khác. Chợt nghĩ cái điệu bài chòi "Trách phận" hình như có chút "lạ tai" đối với mọi người nên mới được tán thưởng như vậy?
Chợt tôi nhìn sang chị thì thấy một nét thất thần rất lạ. Rồi chị chủ động cầm ly sang chỗ tôi ngồi. Giọng chị tự dưng âm trầm như nói một mình: "Đàn ông bị vợ bỏ, buồn thế sao em?". Bất ngờ bị hỏi khó kiểu này, tôi lúng búng: "À, chị nói trong bài Trách phận? Bài này, ở quê em có mấy ông uống rượu say, hát nghe đã lắm". Như đang nghĩ chuyện gì mung lắm, chị nhờ tôi nhắc lại lời bài hát, rồi nhâm nhẩm cho thuộc. Đại loại, tôi thấy chị rất ấn tượng mấy câu như: "Bởi thân tui cực khổ eo nghèo nên vợ tui nó không ở nữa mà nó theo nẫu rầu. Em ơi, chớ bây giờ kìa em ở nơi đâu để cho anh trông đứng trông ngầu rầu canh phia", "Chớ bây giờ em không ngỡ em không ngàng, bỏ chồng nghèo nó cực khổ mà gian nan cơ hàn", "Chớ hầu nào trái chuối chín cũng cắn làm ba, trái cam tư cũng cắn làm bốn, nửa trái cà cũng cắn làm năm, chớ bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm, em bỏ qua hiu quạnh mà năm canh qua một mình" hay như: "Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tu qua, nó lẻ đâu nó lẻ bạn, ôi chú cha ôi là buồn"…
Thế rồi giữa cuộc "nhậu ca" om xòm, chị tóm lấy thằng tôi mà trút bầu tâm sự: "Chị đã tự nhủ sau đợt đi học này về là chị... bỏ chồng". Trời ơi, sao lại nói với một thằng chưa vợ là tôi những chuyện "động trời" thế này?! Lại nữa: "Em à, chị đâu có đòi hỏi gì cao xa, dưng mà anh ấy như bị nghề nghiệp nó ám nên lúc nào cũng lạnh lùng với vợ con". Lại còn: "Em ơi, thà chị sống một mình!". Tôi gục gặc đầu tỏ ra "thông cảm", chứ thằng trai tân như tôi mà biết khỉ gì chuyện hôn nhân - gia đình? Rồi tôi tự trách mình: "Ai bảo chưa vợ mà đi hát Trách phận chi cho nó vận vào thế này". Đúng là chả phải chị ấn tượng vì "chất giọng" của tôi mà đích thị là vì cái buồn chân chất của lời bài hát! Vốn trẻ trung ham vui, ham uống, tôi an ủi chị qua loa vài câu rồi tìm cách lủi sang bàn của mấy đứa con gái đang cười nói toe toét. Hát, uống, tán tỉnh vung xí mẹt rồi về ngủ để lấy sức ngày mai học tiếp.
Dứt kỳ tập huấn, mạnh ai nấy về với không gian quê mình, với bao công chuyện thường nhật. Tôi cũng vậy, nếu có liên hệ điện đàm thì chủ yếu với mấy em gái và mấy tay bợm nhậu. Chợt một hôm điện thoại tôi bíp bíp tin nhắn, tôi bấm máy: "Cảm ơn bài hát Trách phận quê em".
Cái tin nhắn của chị đã làm tôi bần thần non buổi.
. Đào Đức Tuấn |