Ông già làng Mực
17:48', 3/3/ 2004 (GMT+7)

. Ký của Trần Đăng

Nhà văn Nguyễn Chí Trung tại "xó bếp" của nhà thơ Thanh Thảo

Tôi không rõ các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng từng có thời là trại viên của Trại sáng tháng Quân khu V lúc mới giải phóng (1975) như Thanh Thảo, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Ngô Thế Oanh cùng nhà thơ kiêm đạo diễn Đoàn Huy Giao (Đài Truyền hình Đà Nẵng) cứ gọi ông là "ông Trung khùng" với hàm nghĩa gì? Dù tôi biết, các nhà văn này đã dành cho ông một tình cảm yêu mến khá đặc biệt mỗi khi nhắc đến ông. Tôi không có tẹo ký ức nào về ông, chỉ đọc một lần "Bức thư làng Mực" - bức thư mà tuổi của nó gần bằng tuổi của tôi - từ thời tôi còn là cậu học trò mặc quần đùi đi học. Bởi vậy nên tôi chỉ dám gọi ông là "ông già làng Mực" chứ không dám tếu táo điều gì như các bậc đàn anh kể trên, dù ông cho phép tôi xóa đi ranh giới tuổi tác hơn 30 năm giữa hai người sau gần 1 tuần tôi hầu ông đi về nhiều vùng quê ở Quảng Ngãi - những nơi mà ông đã gửi một phần tuổi trẻ của mình trong những năm đất nước bước vào giai đoạn gian khó nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ông là nhà văn Nguyễn Chí Trung, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, từng làm trợ lý cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu. Tôi đi hầu ông, đơn thuần chỉ vì tôi yêu mến ông chứ không có "âm mưu" để viết gì về ông. Song, sau mỗi một chuyến đi, tôi đem chuyện ông trở lại vùng đất đã từng gắn bó suốt thời trai trẻ, chuyện về những người dân vùng kháng chiến đã đón ông như thế nào, kể lại với mấy anh em văn nghệ ở Quảng Ngãi, ai cũng bảo với tôi rằng "viết đi, viết những chuyện ấy đi!". Và tôi viết.

Chỉ sau vài chuyến đi với ông, tôi bỗng hiểu vì sao các nhà văn đàn em, đàn cháu về tuổi tác so với ông, gọi ông là "Trung khùng". Với tôi, đó là một người "khùng" thật đáng yêu biết bao! Không "khùng" sao được khi chỉ cần thoáng đọc một câu thơ trong di cảo của người bạn quá cố - nhà thơ Thu Bồn: "Về đi em chợ chiều đã vãn/Hãy gửi cho anh một gói nhân tình" - là lập tức ông nghĩ ngay đến một "bảo tàng" về các hiện vật liên quan đến tác giả "Bài ca chim chơ rao" ở khắp ba miền đất nước. Chưa có một nhà thơ nào trên đất nước mình mà đồ tùy táng "gói-nhân-tình" lại phong phú và độc đáo như trường hợp của Thu Bồn. Không "khùng" sao được khi mà đang lúc bao nhiêu người ở trời Tây, trời Mỹ cũng phải bay về quê nhà để sum họp với gia đình, để được đón giao thừa với con cháu, để được thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên thì ông lại ra đi. Rất nhiều năm rồi, ông bắt đầu bằng những chuyến đi như thế. Đúng lúc giao thừa và chỉ đi về một hướng: Nơi ông từng lăn lộn với người dân vùng kháng chiến.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung tại nghĩa trang liệt sĩ Tịnh Minh

Tôi nhớ cách đây 6 năm, mùng một Tết của năm 1998, lúc còn đương kiêm Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông đột ngột xuất hiện tại nhà nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi. Ông ghé thăm nhà của nhà thơ này chỉ là "phần phụ", phần chính là nhờ anh Thanh Thảo chỉ đường để ông về xóm Mù U thuộc xã Đức Minh huyện Mộ Đức. Sau khi nắm được sơ đồ về xóm Mù U, ông đón xe ôm thẳng đường vào Mộ Đức, cách thị xã Quảng Ngãi chừng 20 cây số. Hay tin có đồng chí Trợ lý Tổng Bí thư về Quảng Ngãi, các vị lãnh đạo tỉnh cho hẳn một xe ô tô để… đuổi theo. Thế là, phía sau chiếc xe ôm "kỳ bí" này có một chiếc xe ô tô túc tắc đi theo. Tôi hỏi: "Sao bác không lên ô tô mà đi cho an toàn, đi xe ôm làm gì cho cực?". Ông dứt khoát như lính: "Ồi, phiền lắm, tôi có bao giờ muốn làm phiền ai đâu? Mình đi là việc của mình ấy chứ, cớ chi bắt người ta phải đón rước mình?".

Cái xóm Mù U ở nơi tận cùng giáp biển của huyện Mộ Đức ấy, từng cưu mang ông, từng để lại trong ông một mảnh đời gian khó và bi hùng trong chiến tranh. Một xóm chỉ vỏn vẹn 60 gia đình nhưng có đến 52 gia đình liệt sĩ và có công với nước, có 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cái xóm ấy đã bất ngờ trỗi dậy trong ký ức của ông đúng đêm giao thừa. Và ông đã trở lại. Tôi lẽo đẽo theo ông trong chuyến đi vừa rồi với hy vọng để được nghe ông kể về cái xóm kỳ lạ đó. Nhưng ông vốn là người kiệm lời, chỉ kể có một chuyện.

"Hồi ấy mình chuẩn bị phá khu dồn. Tôi là phái viên của Quân khu về xóm Mù U, chuẩn bị phá rào vi, giải phóng dân trong khu dồn. Ở cạnh xóm Mù U có đồi ông Đọ, là khu dồn của ngụy. Tôi muốn vào xem thử là bên trong đồn có những gì, bọn ngụy bố trí súng ống ra sao (?). Tôi nhờ một anh xã đội trưởng du kích dẫn đường nhưng nghe nói phải vào đồn, anh này chạy mất dép luôn. Tôi tóm được anh xã đội phó. May quá, anh này đồng ý mò vào đồn cùng tôi. Anh ta run lập cập, tôi phải trấn an liên tục. Tôi chọn phương án, hễ nghe chỗ nào có mùi phân người còn tươi là đi theo! Trong chiến tranh, thần chết luôn rình rập bên mình, buộc anh phải chọn lựa. Và chúng tôi đã chọn cái cách đạp phân mà đi! Vì dân trong khu dồn buổi tối hay ra ngoài"ị" , nơi nào có người "ị", chỗ ấy chắc chắn sẽ không bị vướng mìn của lính ngụy!". Những người lính đặc công chắc chắn là sẽ "ngả mũ" khi nghe ông nói về cách tiếp cận đồn địch như thế! Tôi hỏi: "Đi trong mùi phân tươi, làm sao chịu nổi, bác?". Ông thủ thỉ bằng cái giọng Quảng Nam đặc sệt: "Đi như rứa mình có thể đạp "mìn" của dân chứ không giẫm mìn của ngụy. Cũng may là "mìn" của dân nên không thối lắm!".

Gặp lại người dân vùng kháng chiến

Tết năm ngoái, ông vào tận cực Nam Trung bộ, nơi ấy có người bạn cùng chiến hào, một nhà thơ nổi tiếng, đã hy sinh cách đây hơn nửa thế kỷ. Đó là nhà thơ Trần Mai Ninh - tác giả của hai bài thơ bất tử: Nhớ máuTình sông núi. Ông đến đúng cái nơi mà Pháp đã sát hại Trần Mai Ninh, chỉ để rắc một nắm hoa xuống ghềnh đá sát mép biển mà tưởng nhớ bạn. Truyện ngắn "Xương trắng màu vôi" của ông đã ra đời sau lần đi ấy. Năm nay, bất chấp cái tuổi 75 lọ mọ, ông lại về Quảng Ngãi. Cũng đúng giao thừa. Đón tết tại nhà "Thắng cụt". Anh thương binh Nguyễn Toàn Thắng ở thị trấn Sơn Tịnh, trong một hội nghị về gương điển hình sản xuất giỏi toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội hồi giữa năm ngoái, đã chinh phục ông bằng câu nói ngang ngang như dân Quảng Nam: "Tôi muốn gặp ông Phiêu - Lê Khả Phiêu!". Ông hỏi anh Thắng: "Anh đã gặp gỡ và chụp ảnh lưu niệm với tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước rồi kia mà?". Anh Thắng vẫn kiên quyết: "Nhưng mà tôi muốn gặp ông Phiêu, tôi quý bác ấy!". Thế là ông tạo điều kiện để anh Thắng đạt được nguyện vọng. "Cái thằng cha ni cũng lạ, hỉ? Rứa mới là lính chớ. Tôi phải vào tận quê hắn, xem thử hắn sống ra răng. Rứa là tôi đi". Ông thanh minh với tôi vì sao ông lại xa Hà Nội ngay trong cái đêm giao thừa của năm con Khỉ vừa rồi. Và ông đã thức cạn đêm với người thương binh đã để lại cả đôi chân mình nơi đất nước Chùa Tháp cách đây hơn 20 năm.

"Đời tôi đã từng nghe đủ thứ âm thanh nhưng chưa bao giờ phải nghe một thứ tiếng nhói buốt được phát ra từ hai thanh gỗ mà Thắng dùng làm "chân" để đi lại trong nhà. Qua giao thừa rồi, hắn bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Tiếng vang của hai thanh gỗ được kẹp dưới bàn tay của Thắng như xuyên qua người nghe. Tôi như thấy có hàng ngàn thanh niên giống Thắng, từng măng tơ tuổi hai mươi như Thắng ngày nào, giờ cũng gõ vang tiếng "guốc" thay đôi chân xuống mặt đất ngay trong đêm giao thừa. Tiếng của những thanh gỗ ấy sẽ còn nhói mãi trong chúng ta chứ chưa thể nguôi đâu, anh bạn trẻ ạ". Ông kể về tiếng vang từ đôi chân gỗ của người thương binh mà như tóm tắt một cái truyện ngắn ông sắp viết vậy. Mới đây, tôi có gặp một người bạn từng là sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn từ thời còn đánh nhau với Pol Pot, anh ta có nhắc đến "ông Trung". Anh bạn nói rằng, hồi "bên ấy" ông hay về dưới tận tiểu đội để "chơi" với lính. Hèn gì, ông xót cho "Thắng cụt" cũng là chuyện dễ hiểu thôi.

Trong một bữa cơm thân mật (do tôi trả tiền, nhiều lần trước đó thì ông trả hoặc tôi ăn chực do người khác trả), ông khen con cá bống sông Trà sao mà ngon quá! Tôi bắt đầu cà khịa: "Vì nó ăn sạch đó bác!". Ông lườm tôi với ánh mắt thật nghiêm khắc. Rồi bất ngờ ông hỏi: "Chứ cậu quê đâu, hè?". "Dạ Sơn Tịnh". "Ừ rứa là nằm cạnh sông Trà, rứa là biết cá bống, rứa là gần Ba Gia rồi. Có đi Tịnh Minh, Ba Gia với mình không? Nếu đi thì sáng mai hỉ? Bảy giờ hỉ?". Ông "chơi" một tràng dài "rứa là" với "hỉ", để rồi cù rủ tôi đi cùng ông. Ngay trong những ngày sau Tết, công việc lại lấp tôi. Nhưng nghe ông rủ đi Ba Gia, đi Tịnh Minh là tôi dẹp hết mọi chuyện để lên đường. Bởi từ lâu, tôi đã nghe những giai thoại về ông tại vùng quê đã đi vào nhiều trang sách lịch sử thời chống Mỹ này. Ông đã trôi trong ký ức của mình khi ngọn núi Tròn xuất hiện trước mặt chúng tôi. "Tháng 4-1964, viết xong "Bức thư làng Mực" là tôi băng rừng từ Quảng Nam về Tịnh Minh này. Đúng mùa đông mưa lũ. Năm đó là năm Giáp Thìn (1964), trận lụt nhớ đời đối với dân miền Trung mình". Ông bắt đầu một chấm nhỏ của ký ức sau "Bức thư làng Mực" như thế. Và cũng chỉ có thế thôi. Tôi không dám hỏi gì thêm, sợ khuấy động sự tĩnh lặng trong ông khi ông đang trôi trong kỷ niệm.

Thay vì đi về phía xóm, nơi có những người dân từng nuôi ông năm ấy, ông lại bảo tôi chở thẳng vào nghĩa trang liệt sĩ xã. Ông cầm nguyên cả bó hương còn nghi ngút khói rồi đi dọc theo hàng hàng bia mộ và nhẩm tên từng người. Nào Chèo, nào Nên, nào Dũng, nào Cường… ông nhớ như vừa mới chia tay các anh hôm qua vậy. Ông nói: "Những người chết thì trẻ mãi, chỉ có chúng ta là già thôi". Năm ấy ông ba mươi lăm tuổi, bốn mươi năm sau trở lại mảnh đất này, ông đã là cụ già vượt ngưỡng cổ lai hy. Chúng tôi vừa bước ra khỏi nghĩa trang liệt sĩ, thoáng nhìn thấy ông, có người đã ngờ ngợ. Và rồi họ nhận ra ông. Ông Bốn Đường, người đã cùng ông chèo ghe cứu dân trong trận lụt năm ấy, vừa thấy ông xuất hiện đầu làng, đã quăng cuốc, bỏ cày chạy lại ôm chầm lấy ông. Rồi cả làng Tịnh Minh bỏ dở tất cả công việc đang làm để đón ông "Trung lụt". Tôi hỏi ông Bốn Đường: "Sao lại gọi là "Trung lụt" hả bác?". Ông Bốn Đường lại cho tôi một phần đời của nhà văn Nguyễn Chí Trung: "Trận lụt năm Thìn (1964) ấy, không có ông Trung là chết cả làng! Nước ngập đến ngày thứ 3 rồi, dân chỉ còn bám trên các nóc nhà để chờ chết vì đói. Biết ở xóm trên có một phú ông đang sở hữu mấy tấn lúa, ông Trung nhờ tôi chèo ghe lên đó để "vận động". Ông Trung đã dùng đến biện pháp rắn để "buộc" phú ông nọ phải xuất kho thóc mà cứu dân làng. Buổi chiều hôm đó, sau khi đã xuất kho thóc, bà con vùng chưa ngập lụt xúm nhau xay giã rồi nấu cơm. Ông Trung tự tay vắt cơm, trưng dụng tất cả các ghe trong làng để mang từng nắm cơm vắt đến cho người dân". Bất ngờ ông Bốn Đường hỏi nhà văn: "Anh có còn nhớ vợ thằng Mẹo không, anh Trung?". Nhà văn trả lời ngay: "Nhớ chứ! Vợ nó lúc ấy vừa sinh con, tôi đề nghị bà con cho vợ nó một vắt cơm nhưng dân làng ai cũng phản đối. Họ cho rằng vợ thằng ác ôn thì cho cơm làm gì! Tôi có nói với bà con rằng ác ôn là thằng chồng, còn vợ nó vừa mới sinh thì có tội tình gì!". Rồi ông quay sang tôi: "Mình cứ ngỡ bằng nắm cơm ấy sẽ kéo được thằng chồng ra khỏi tội ác, không ngờ nó phản động cho tới ngày giải phóng!".

Một cuộc tìm về sau 40 năm mà dân làng vẫn còn nhớ đến ông, hỏi có nhà văn nào hạnh phúc như ông? Trên đường về, tôi lại thỏ thẻ: "Hình như bác là người không thua đủ với văn chương, nếu gặp một ông nhà văn khác thì cả một ký ức về trận lụt nhớ đời ấy cộng với trận đánh Ba Gia lịch sử sẽ là cái nền cho một quyển tiểu thuyết đồ sộ rồi?". Ông e hèm: "Tôi thực thi nhiệm vụ của người lính trước đã, văn chương sẽ vô nghĩa biết bao nếu không cứu được người dân?". Tôi im lặng suốt đường về với cái triết lý ấy của ông. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng, trong cuộc tìm về lần này của ông tại những vùng đất mà ông từng để lại một mảng đời trai trẻ, không chỉ là những cuộc viếng thăm đơn thuần. Ông đang lần tìm mạch ngầm để khơi nguồn cho một dòng chảy mà ông đã thai nghén từ lâu.

Ông luôn đem đến cho người khác những bất ngờ ít ai nghĩ tới. Từ chuyện ông mở Trại sáng tác Quân khu V hồi mới giải phóng - nơi đã thành chiếc máng cỏ sản sinh ra một lớp nhà văn tên tuổi cùng những tác phẩm nổi tiếng mà dư ba của nó sẽ còn vang vọng trong nhiều thập kỷ sau, đến chuyện "gói nhân tình" vừa rồi cùng bao giai thoại về ông trước đó; từ cái thời ông còn ở Camphuchia đến thời ông làm Trợ lý Tổng Bí thư. Ông là người luôn đứng bên cánh gà của chính trường và văn học. Vì vậy, "chừng nào ông còn có thể trở lại những nơi mà ông đã đi qua thì chừng ấy vẫn chưa khép lại bất cứ một điều gì". Một người bạn đã nói về ông như thế. Với riêng tôi, tôi chỉ biết chờ - chờ những dòng chữ từ quyển sách của ông sau những chuyến tìm về.

. T.Đ

(Quảng Ngãi, tháng 3.2004)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Rạp hát" bên đường kéo pháo Điện Biên   (02/03/2004)
Sách mới  (01/03/2004)
Câu hát "Trách phận"  (29/02/2004)
Nguồn cội   (27/02/2004)
Mấy ý kiến về Tuyển tập thơ Bình Định thế kỷ XX  (26/02/2004)
Nguyễn Nhược Pháp và xuất xứ bài thơ Chùa Hương  (25/02/2004)
Cách cảm mới qua "Hát với Thị Mầu"của Đoàn Thị Lam Luyến  (24/02/2004)
Có một Thánh Gióng của người Bana Kriêm  (23/02/2004)
Nhớ nhà thơ Nguyễn Hoài Văn  (22/02/2004)
Khoảng trời thơ Bình Định  (19/02/2004)
Có một miền đất tên gọi Krông Bung  (18/02/2004)
Bàn về giọng điệu trong thơ trữ tình  (17/02/2004)
Nguyễn Thanh Mừng - ngàn xưa lục bát hát đến ngàn sau  (16/02/2004)
Nhà thơ Hữu Loan và mối tình mang "màu tím hoa sim"   (15/02/2004)
Chuyện nhà của chị   (13/02/2004)