Mảng thơ viết về phụ nữ trong Ngục trung nhật ký
16:31', 11/3/ 2004 (GMT+7)

"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại". Ai đó tự ngàn xưa đã nói vậy, một ngày trong tù bằng ngàn thu bên ngoài. Ở tù là sự bị động, nhưng Bác đã dùng sự bị động đó như một cái gối tựa để nghiền ngẫm chuyện đời, để nhìn, để cảm mọi vấn đề của cõi nhân sinh, của dân tộc trầm luân trong 400 ngày tù ngục. Trên 100 bài thơ đã ra đời. Trong số 100 bài thơ ấy, có 6 bài Bác nhắc đến người phụ nữ: Người bạn tù thổi sáo, Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng, Gia quyến người bị bắt lính, Cháu bé trong ngục Tân Dương, Chiều tối.

Những bài thơ này nằm rải ra trong tập Ngục trung nhật ký, nhưng khi để lại gần nhau trong mảng thơ có bóng dáng người phụ nữ, bất chợt tôi có một liên hệ nhỏ, và cảm thấy có 4 kiểu người phụ nữ trong 6 bài thơ ấy: một người vợ có chồng đang ở tù, một người vợ phải bế con vào tù thay chồng đang trốn lính, một người góa bụa và một người tự do.

1- Về người vợ có chồng đang ở tù, Bác nhắc đến như thế nào?

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu

Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu

Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi

Lên lầu ai đó ngóng trông nhau

Có một người tù nhớ quê đã gửi lòng qua tiếng sáo. Trong khúc nhạc tình quê ấy da diết bao nhiêu buồn nhớ. Mấy chữ muôn dặm quan hà gợi lên một sự cách trở, chia biệt nghìn trùng. Đầu này của nghìn trùng là người tù đang chịu giam cầm. Đầu kia của nghìn trùng là quê hương xứ sở, là những người thân yêu, và trong đó hẳn có một người thân yêu nhất. Người ấy cũng đang nhớ đang trông. Tiếng sáo như vượt qua nghìn dặm, vọng về quê cũ. Có lẽ người vợ quê cũng mơ hồ nhận được nỗi nhớ đồng vọng từ cõi lòng người chồng xa cách. Nàng bước lên một tầng lầu, tưởng ánh mắt sẽ vượt được muôn dặm quan hà, tưởng sẽ không còn bị che khuất bởi núi cách sông ngăn. Nếu chồng đang trở về, nàng sẽ thấy được chồng từ xa, rất xa.

Nhiều người đã bình giảng, phân tích rất nhiều về cái hay của bài thơ này. Tôi không dám lạm bàn thêm. Chỉ biết rằng cho đến lúc ấy, hình ảnh vợ người bạn tù cũng chỉ hiện ra trong tưởng tượng của Bác, còn phảng phất dáng dấp của những phụ nữ quí phái trong thơ Đường, song chưa có một chân dung cụ thể.

Đến bài thứ hai thì khoảng cách về địa lý giữa người tù và vợ biến mất, chỉ còn khoảng cách thực tại của song sắt nhà tù:

Anh ở trong song sắt

Em ở ngoài song sắt

Gần nhau chỉ tấc gang

Mà cách nhau trời vực

Bài thơ nêu lên một tình thế oái oăm: Vợ chồng đã giáp mặt mà vẫn không được gần nhau. Đứng ngoài song sắt là em, người tự do. Đứng trong song sắt là anh, người bị cầm tù. Người tự do bên ngoài không thể nào bỏ sự giam cầm cho người tù bên trong. Có một bài cổ thi Trung Quốc cũng nói đến sự chia cách của những người yêu:

Quân tại Tương giang đầu

Thiếp tại Tương giang vĩ

Đồng sinh bất tương kiến

Đồng ẩm Tương giang thủy

Chàng ở đầu sông Tương. Thiếp ở cuối sông Tương. Cùng sống mà không thấy mặt nhau nên uống chung một ngụm tương tư đã đành. Đằng này trông thấy nhau trước mặt mà không được gần nhau; tức tưởi và đau đớn nào bằng!

Miệng chẳng nói lên lời

Chỉ còn nhờ khóe mắt

Chưa nói, lệ tuôn tràn

Hai người nhìn nhau, ánh mắt thay cho lời nói. Có một người thứ ba nhìn hai người, bất giác thốt lên:

Tình cảnh đáng thương thật!

Người thứ ba ấy là Bác, lúc bấy giờ đã bước qua chỗ đứng của một quan sát viên, bày tỏ tình cảm của mình. Tình tùy theo cảnh. Cảnh ở đây là cảnh huống, với yếu tố trung tâm là con người. Cảnh huống của bài thơ thứ nhất là cảnh huống tưởng tượng: Bác nghe tiếng sáo và hình dung nên cảnh người sương phụ ngóng chồng. Cảnh huống của bài thơ thứ hai là cảnh huống hiện thực: Bác tận mắt chứng kiến cảnh ngộ éo le của vợ chồng người bạn tù. Sự thông cảm ở bài thơ Người bạn tù thổi sáo sang đến bài Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng đã trở thành niềm thương cảm sâu sắc. Vợ người bạn tù đã có chân dung riêng. Nỗi buồn đau ngang trái tưởng như sờ thấy được. Nỗi thương cảm của tác giả cũng cụ thể, chứ không chung chung.

2- Trong những ngày tù đày, Bác phải chứng kiến bao nhiêu cảnh oái oăm; phân biệt đối đãi tù giàu, tù nghèo; con người bị coi rẻ còn hơn súc vật… Nhưng cảnh chồng trốn lính, vợ con bị bắt đi tù thay là điều khiến Bác bất ngờ nhất. Bài Gia quyến người bị bắt lính mở đầu bằng một hoàn cảnh đặc biệt:

Biền biệt anh đi không trở lại

Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu

 

Người chồng đã bỏ trốn để khỏi bị bắt lính, đương nhiên là người vợ lo lắng buồn bã. Tác giả gieo mấy chữ buồng the trơ trọi để làm gì? Người vợ có phải sầu vì chuyện buồng the đâu? Chuyện bắt lính can hệ đến sinh mạng người chồng và số phận cả gia đình nàng. Nhưng đâu đã xong. Cái gia cảnh ấy chỉ mới là "khởi đầu" của một thảm cảnh khác:

 

Quan trên xót nỗi em cô quạnh

Nên lại mời em tạm ở tù

Đến đây thì đã rõ vì sao Bác dùng chữ buồng the trên kia. Đến câu thứ ba chợt có một ông quan trên quét mắt vào chuyện nhà người ta. Thật ra không phải một vị quan, nguyên tác ghi là "đương cục", tức là nhà chức trách, tức là bộ máy chính quyền đương thời. Nhà đương cục mà không đảm đương nổi chuyện lấy quân, để người ta trốn mất, lại bắt vợ người ta thế tội. Thử hỏi luật pháp công minh ở chỗ nào? Chính vì bất minh nên mới đáng chê cười. Do đó mà bài thơ được Bác viết ra tưng tửng tựa hồ một câu nói chơi, nói chơi về một câu chuyện thật, chuyện thật mà như chuyện bịa. Bao nhiêu cái nghịch lý của hiện thực đã dẫn đến sự trào lộng mỉa mai trong bài thơ này. Đầy rẫy những bất công biến phận người thành con ong cái kiến, người phụ nữ lại càng bị giày xéo đáng thương hơn cả. Bác đã đứng về phía nạn nhân để cười khẩy vào cái "luật pháp" mà nhà đương cục Trung Hoa lúc bấy giờ điều hành.

Nhưng người phụ nữ ấy đến nhà lao đâu chỉ một mình:

Oa! Oa! Oaa…!

Cha trốn không đi lính nước nhà;

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,

Phải theo mẹ đến ở nhà pha.

Thế là thế nào? Một tiếng khóc trẻ con vô tội giữa nhà tù. Mấy chữ "nên nỗi… phải" nêu lên một tình thế miễn cưỡng, bị ép uổng. Lời thơ từ chỗ kinh ngạc đến chỗ nghẹn ngào. Ngoài nỗi xót xa vì đầu xanh vô tội câu thơ còn thấm đượm nỗi ái ngại hướng về người mẹ trẻ đầy hệ lụy: thân liễu yếu bước vào chốn lao tù thiếu thốn mọi phương tiện với đứa con ẵm ngửa trên tay. Bao nhiêu nỗi cám cảnh về thân phận người phụ nữ khổ sở trăm bề dưới chế độ bất công, bao nhiêu căm phẫn đối đối bọn quan lại thối nát bất tài dồn nén trong từng nhịp thở, từng con chữ.

3- Tiếng khóc của cháu bé trong nhà lao Tân Dương vang lên trong thơ Bác như lời tố cáo chế độ nhà tù thối nát và bất lực, nhưng nó không mang màu sắc bi thảm. Dù sao người vợ lính vào tù vẫn có con bên cạnh như một nguồn an ủi. Còn có một người vợ nào đó chồng vừa lìa đời tình cảm mới bi đát tột cùng. Tiếng khóc nửa đêm đầy ai oán đã vọng đến tai Bác và nhập vào cõi lòng nhân ái thành một nỗi xót xa ngầm:

Chàng ôi! ôi chàng ôi!

Cớ sao chàng vội lìa trần?

Từ nay thiếp còn biết tìm đâu cho thấy

Người bạn đời tâm đầu ý hợp mười phần?

Người khóc ở đâu không thấy hình, chỉ thấy tiếng. Tiếng khóc là những câu hỏi chới với, cô đơn. Toàn bài thơ chỉ có nỗi lòng của người góa phụ, thổn thức trên một nền đêm vắng bặt. Tác giả không xen vào một lời miêu tả nào, nhưng sự chia sẻ mới thật là sâu sắc; Người đang cảm nhận nỗi đau thân phận của người đàn bà bất hạnh kia bằng cả tâm cảm của mình.

4- Có một lần bị giải trên đường vào khoảnh khắc cuối ngày, đôi mắt của Bác tinh tế ghi lại cảnh chiều tối ở vùng sơn cước:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không;

Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết lò than đã rực hồng

Hai câu trên hiu hắt buồn. Đến hai câu sau, hình ảnh cô gái xóm núi xay ngô bên bếp than hồng làm sinh động hẳn khung cảnh vắng lặng uể oải. Người phụ nữ và bếp lửa là hình ảnh rất quen thuộc trong tâm thức nhân loại, đặc biệt là các dân tộc Á đông. Người phụ nữ tảo tần, chân phác, cùng với ngọn lửa mà Bác tình cờ trông thấy trên đường, ngẫu nhiên lại là biểu tượng của sức sống vĩnh hằng. Và Bác đã ghi lại khung cảnh ấm cúng ấy, như giữ lại một niềm hy vọng trên hành trình gian khổ.

Trong tập Ngục trung nhật ký, mảng thơ về phụ nữ của Bác thật ít ỏi. Thật ra, hình ảnh và số phận người phụ nữ không phải là đề tài chính mà Bác tập trung phản ánh qua các bài thơ ấy. Tuy vậy, một khi xuất hiện, mỗi người phụ nữ với cảnh ngộ riêng qua thơ Bác đều đại diện cho một số đông người. Nói đúng hơn, số phận của từng người phụ nữ mà Bác đề cập cũng chính là số phận chung của tầng lớp nhân dân bị áp bức đè nén. Bác đã dành cho họ sự thông cảm, trân trọng và cả niềm tin về sứ mệnh thiêng liêng của họ trong cuộc sống. Chính vì thấu hiểu sâu sắc về thân phận và sức mạnh tiềm ẩn của người phụ nữ trong chế độ cũ mà trong sự nghiệp cách mạng do Bác tiến hành, giải phóng phụ nữ đã trở thành một nội dung vô cùng quan trọng.

. Trần Thị Huyền Trang

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân Điện Biên năm ấy...   (10/03/2004)
Vài nét về bộ phim "Người hàng binh"   (10/03/2004)
Xuân Diệu và quê mẹ   (08/03/2004)
Sách cho thiếu nhi - Phong phú hơn  (07/03/2004)
Buổi chiều  (05/03/2004)
Một vài suy nghĩ về tập "Thơ Bình Định thế kỷ 20"   (05/03/2004)
Ông già làng Mực   (03/03/2004)
"Rạp hát" bên đường kéo pháo Điện Biên   (02/03/2004)
Sách mới  (01/03/2004)
Câu hát "Trách phận"  (29/02/2004)
Nguồn cội   (27/02/2004)
Mấy ý kiến về Tuyển tập thơ Bình Định thế kỷ XX  (26/02/2004)
Nguyễn Nhược Pháp và xuất xứ bài thơ Chùa Hương  (25/02/2004)
Cách cảm mới qua "Hát với Thị Mầu"của Đoàn Thị Lam Luyến  (24/02/2004)
Có một Thánh Gióng của người Bana Kriêm  (23/02/2004)