. Truyện ngắn của Lưu Cẩm Vân
Tôi hẹn với bạn bè là tôi sẽ trở về, một dịp nào đó, cái hẹn mơ hồ như một lời nói bâng quơ cho xong rồi không còn nhớ tới nữa. Không biết bạn tôi có ai tin lời hẹn đó không, còn tôi lúc ấy tôi không tin vào chính mình cho lắm. Cuộc sống ở nơi này vẫn cuồn cuộn diễn ra, cuốn tôi vào trong đó. Buổi sáng sớm tôi ra khỏi nhà khi sương mù còn đục mờ trong không gian, những ngọn đèn cao áp như hư như thực. Đôi mắt tôi còn cay cứng giấc ngủ, thật tình tôi chỉ muốn được vùi mình trong chăn ấm nệm êm để ngủ một giấc thỏa thuê. Nhưng thằng em tôi ở quê nhà mới gửi thư sang, nó nói căn nhà cũ đã mục nát lắm rồi, căn nhà là một kỷ niệm duy nhất mà mẹ tôi để lại. Ngồi trong tàu điện đang lao vun vút, trí nhớ của tôi thì đi ngược lại để nhìn thấy ngôi nhà cũ kỹ nằm trong một góc vườn dừa. Nơi ấy tuổi thơ của tôi đã sống những ngày tháng buồn tẻ, chúng tôi, những đứa con thiếu cha lớn lên bằng sự cần mẫn, cay cực của mẹ.
Những buổi chiều ở quê người cũng không có gì vui hơn, con đường tôi đi qua mỗi ngày chỉ thấy những ruộng lúa mì vàng rực, nắng cũng vàng, màu vàng ấm áp như nắng quê nhà. Lạ kì cho nỗi nhớ, nó cứ chờ chực đâu đó, có dịp lại bùng lên làm cho tôi quay quắt. Tôi ở nơi này mà tâm hồn tôi lại thuộc về chốn cũ, lúc nào cũng so sánh nhưng không dám nói thiệt hơn bởi vì không phải lúc nào tôi cũng bằng lòng với lựa chọn của mình.
Khi nhận lời làm vợ của Thông, tôi chỉ nghĩ đến phần sính lễ là tấm hộ chiếu của anh. Tôi không quan tâm đến khoảng cách của tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, bởi hồi môn của tôi cũng không có gì ngoài hai bàn tay trắng và tấm nhan sắc bình thường. Thật lòng mà nói, tôi cũng mong ước được một chỗ để nương tựa, để yêu thương và được yêu thương. Nhưng khi ra đến xứ người, sống giữa những đứa con chồng xấp xỉ tuổi mình tôi mới biết mình đã sai lầm. Họ đón tôi với những ánh mắt ghẻ lạnh, những thái độ đố kỵ làm như tôi là bà dì ghẻ đang chực chờ để dành giật của cải. Trong con mắt người đời, bà dì ghẻ nào cũng giống dì ghẻ của cô Tấm dù cho họ có trẻ đẹp hơn, hiện đại hơn. Thông không hề biết điều đó hoặc là anh đã ở vào giai đoạn không quan tâm gì khác, cuộc sống cứ dễ chịu, không đói nghèo là anh đã cảm thấy hài lòng.
Nhưng tôi thì không chịu được một cuộc sống giống như cái nồi áp suất sắp nổ tung vì quá tải. Tôi chủ động xin ly hôn, Thông có hiểu hay không cũng không sao, tôi không giải thích cũng không biện minh khi anh mắng tôi là kẻ cơ hội, bạc ác không có tình người. Tôi bỏ gia đình của mình, từ chối gia đình của chồng và trở thành kẻ vô gia cư. Tôi trôi nổi từ bang này đến bang khác, làm đủ thứ công việc, sống cùng nhiều người đủ mọi màu da, cuối cùng tôi may mắn gặp một người tốt và một công việc tương đối. Công việc của tôi là đính một cái "Mạc" lên cổ chiếc áo khoác vừa hoàn thành ở cuối một dây chuyền.
Ở cùng phòng với tôi là một cô gái Hàn Quốc, hai chúng tôi nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng Anh mà hai đứa học được hồi còn học ở Trung học, không ai được nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Cô Lee trẻ tuổi hơn tôi nhiều, cô đẹp hơn và cũng được học hành tới nơi tới chốn. Cô ra nước ngoài đi làm để tiếp tục học cao hơn chứ không chỉ để kiếm sống như tôi, Lee xem tôi như một người chị và giúp đỡ tôi nhiều thứ dù cô đến đây sau tôi. Nhờ vậy, tôi cũng ấm lòng khi nghĩ rằng cuộc sống của mình đã dễ chịu hơn nhiều.
Tôi làm thêm nhiều việc, một phần để có thêm tiền gửi về cho thằng em sửa lại mái nhà, một phần để lấp những khoảng trống cho lòng không cồn cào vì nhớ. Hồi còn trẻ, phải đi học xa nhà cả trăm cây số, nhưng cứ hễ được nghỉ vài ba hôm là tôi phải đi về nhà. Tôi thích được ra vào cùng mẹ trong căn bếp chật hẹp, luôn phải cay mắt vì khói. Về nhà, cũng có nghĩa là khỏi phải ăn cơm một mình, ngủ một mình, làm gì cũng thui thủi một mình. Hồi mẹ tôi mới qua đời, tôi rất hoang mang, không biết mình sẽ sống ra sao khi chỉ có một mình. Vậy mà tôi vẫn sống được, lại là chỗ dựa cho thằng em trai, nó đã có vợ rồi mà vẫn còn nhờ vả chị nhiều chuyện. Cũng không sao, nó còn phải nuôi vợ con, còn tôi, dẫu sao tôi cũng chỉ có một mình.
Thằng em tôi báo tin là nó đã xây lại được ngôi nhà, không phải bằng tất cả công sức của tôi gởi về mà phần lớn là nhờ tiền bồi thường giải tỏa đất. Ở quê tôi người ta đang qui hoạch lại đất đai, đô thị hóa những vùng quê thành phố. Một con đường mới đi qua khu vườn cũ, một phần lớn vườn dừa đã phải đốn bỏ, con đường mới đi ngang trước mặt nhà tôi. Thằng em tôi viết trong thư là nó không cần tiền dành dụm của tôi nữa, thay vì gởi về nó, tôi hãy để dành để về thăm nhà một chuyến.
Khi tôi nói với Lee là tôi phải về thăm quê, cô không có gì ngạc nhiên, chỉ nhắc tôi là kiếm thêm ít tiền để mua quà về cho cháu. Rồi tôi cũng chuẩn bị được tươm tất cho chuyến trở về sau nhiều năm tháng đi xa. Đêm cuối cùng ở lại với Lee thật cảm động, hai chị em ngồi trên sân nhà đã được trải thảm, chiếc thảm cũng đã sờn vì lâu lắm chưa được thay. Lee giúp tôi đóng gói những món quà mang về, tôi không biết ai sẽ thích món gì, cứ bắt chước mấy người về trước mua đủ thứ. Tôi ngồi xếp quần áo vào va li, tự nhiên tôi muốn nói với Lee nhiều chuyện. Tôi nhớ lại lời hứa với những người bạn thân khi chia tay năm nào. Tôi ít có bạn bè thân, chỉ dăm ba người, không biết bây giờ bọn họ ra sao. Tôi kể cho Lee nghe là hồi xưa tôi rất chăm học. Nhà tôi nghèo, tôi muốn làm được nhiều tiền để giúp mẹ nuôi em, nhưng mẹ tôi muốn tôi đi học, phải đi học thành tài rồi mới nghĩ đến chuyện đi làm giúp mẹ. Tôi nghe lời mẹ nhưng số tôi lận đận, lỡ thầy, lỡ thợ, bây giờ quá nửa đời người cuộc đời cũng chẳng ra làm sao, mẹ tôi nếu còn sống chắc bà buồn lắm.
Tôi đặt bước chân đầu tiên lên quê hương với tâm trạng bồi hồi khó tả. Chung quanh tôi không biết bao nhiêu là người, họ đang tay trong tay mừng mừng tủi tủi gặp nhau. Những người trở về, chắc cũng như tôi, lâu lắm mới được về thăm quê. Không có ai đón vì tôi không báo tin cho ai, tôi sợ phải khóc trước mặt người khác vì tôi là người dễ chảy nước mắt.
Việc trước tiên là tôi gọi điện thoại cho Ngân:
- A lô... Xin lỗi. Ôi! Hiền hả?
- Ngạc nhiên không?
- Về lúc nào? Sao không báo trước? Đồ quỉ! Bà vẫn như hồi nào, cứ thích làm người khác giật mình.
Ngân đón tôi niềm nở và cẩn thận, cô ấy là một trong ba người bạn thân nhất của tôi. Sau bữa cơm vui vẻ, chồng của Ngân lánh mặt để hai người phụ nữ ở lại với nhau. Ngân không đổi khác là mấy, vẫn đôi mắt sâu, đen láy vẫn mái tóc tém cắt sát ót nhưng người phụ nữ bây giờ nhanh nhẹn và hoạt bát hơn so với cô gái nhút nhát ngày nào. Ngân cũng nhìn tôi một lúc rồi bảo:
- Hiền đẹp và trẻ hơn tuổi của mình nhỉ?
- Có lẽ nhờ khí hậu ở xứ người ta tốt hơn ở mình.
Ngân cứ mải so sánh cô Ngân ngày cũ. Tôi cũng biết Ngân muốn hỏi chuyện mình nên cũng kể hết về những gì xảy ra với tôi ở những năm tháng xa nhà. So với những người bạn cũ, tôi như giàu có hơn, cái việc đánh giá bên ngoài lúc nào cũng vậy. Ngân hiểu như thế khi tôi nói rằng bạn bè ở lại vẫn may mắn hơn tôi nhiều, không ai hiểu rõ sự đắng cay của kẻ tha phương cầu thực nếu cứ nhìn bề ngoài của kẻ trở về.
Thằng em đón tôi nồng nhiệt hơn tôi nghĩ rất nhiều, nó lo cho tôi đủ thứ từ bữa cơm đến giấc ngủ, nó bảo: "Em thấy nhiều người về đây ăn uống không quen nên đau bụng suốt". Tôi bảo tôi lớn rồi, có thể tự lo cho mình. Tôi lớn lên từ nơi này chớ đâu, đã từng có những bữa cơm độn khoai, đi đâu tôi vẫn nhớ cảm giác thèm ăn một bữa cơm với rau muống luộc chấm mắm nêm. Làm sao lại trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình?
Ngôi nhà của mẹ tôi đã bị phá vỡ, ngôi nhà mới lồ lộ hướng ra con đường nhựa rộng thênh thang thẳng tắp. Một phần vườn dừa còn lại bây giờ ở phía sau, và sau một chút nữa vẫn là con sông nước trong xanh, đầy đặn mà hiền hòa. Nhờ vậy dù nằm trong ngôi nhà mới tôi vẫn không mất ngủ, những giấc ngủ vẫn được ru bằng tiếng gió đưa lá dừa kêu xào xạc và thoảng phía dòng sông đôi khi mơ hồ có tiếng con cá nào quẫy đuôi tanh tách.
Vào một buổi tối. Tôi hẹn gặp nhau với bạn bè. Lần này đứa em đưa chúng tôi ra ngoài thành phố, cái quán ăn nhỏ nằm trên biển như nhà thủy tạ trở nên quá nhỏ so với mặt biển cuồn cuộn bên dưới. Ngồi ở đó tôi thấy được hết tất cả thành phố nằm gọn trong vòng ôm của biển, những ngôi nhà cao tầng, những hàng đèn đỏ xanh chấp chới trông ra ngoài khơi xa nơi có vài con tàu cũng rực rỡ ánh đèn đang bỏ neo để chờ vào cảng. Quê của tôi cũng xinh đẹp và giàu có như thế sao lại có lúc tôi đã phải từ bỏ để mà đi?
Quanh bàn ăn chỉ độ mười người, ngoài Ngân ra là Thanh, là Hà, là Trúc... Có người cũng ra vẻ tự tin với sự sung túc của mình, có người bằng lòng với cuộc sống thanh bạch nhưng lại thành công trên bước công danh. Chỉ có Hải là còn độc thân, khác với tôi là cô ấy chưa bao giờ lập gia đình, có lẽ vậy nên nụ cười của cô vẫn hồn nhiên, tươi tắn dù trong mớ tóc đen nhánh phủ vai tôi đã thấy thấp thoáng vài sợi bạc.
Ngay lúc ấy tôi hiểu ra rằng, cuộc đời chẳng cho không ai điều gì. Bạn tôi cũng phải trải qua những năm tháng khó khăn mới được những ngày như hôm nay, có điều họ khác tôi là họ biết chấp nhận khó khăn ngay ở nơi quê nhà của mình. Và thật công bằng khi bây giờ họ không phải sống khổ tâm như tôi.
Đêm đó tôi thức rất khuya, nằm lắng nghe dòng sông trở mình, lắng nghe tiếng con cá nhảy và ồn ào hơn hết là tiếng gió làm xao động mấy ngọn lá dừa ở trong vườn. Tôi hiểu ra vì sao những năm tháng qua tôi lại sống nặng nề như thế. Tôi nhớ có ai đã nói rằng, quê hương không phải là nơi để nhớ đến mà chính là nơi chốn để quay về. Hơn lúc nào khác tôi mới thấm hiểu được ý nghĩa này.
Tôi lại chia tay bạn bè, đứa em và bầy cháu nhỏ để trở lại nơi mình đã chọn, lần này tôi không hứa hẹn với ai, chỉ thầm bảo với chính mình rằng tôi sẽ quay về, không phải chỉ để có một gia đình, mà hơn thế nữa còn vì dòng sông có con cá nhảy, còn cả một góc vườn dừa mà mẹ tôi để lại.
L.C.V |