Không hăm hở giương "mục kỉnh phê bình" lên xộc vào trang viết, chị đọc, trước hết với những cảm xúc tự nhiên, như mọi người đọc bình thường; sau đó mới phân tích và ghi lại cảm nhận của mình, một cách chăm chút, rất chăm chút, như để đáp lại thạnh tình mà nhà văn đã có công mang đến cho đời sống. Không hề có "bảng xếp loại", cũng không có các thứ khung tiền chế để gò nhà văn vào, theo kiểu phê bình áp đặt.
Tập tiểu luận - phê bình Tiếng vọng những mùa qua của tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Thanh Xuân (NXB Trẻ, 2004) không đặt người phê bình đối lập với nhà văn, mà đứng cùng góc độ với người sáng tác, như một đồng hành biết chia sẻ và trân trọng. Lời khen nhiều nhưng những góp ý thẳng thắn cũng không thiếu. Ba mươi bài, có bài dành cho cả một đời viết, có bài chỉ chọn một bài thơ, có bài về cả một thời kỳ văn học, có bài riêng cho một thể thơ..., tất cả đều được viết rất kỹ, từ vựng phong phú, tăng thêm sắc tươi tắn cho tập sách.
Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng gây ấn tượng mạnh nơi chị: "Vũ Bằng không chỉ nắm được sắc thái của từng mùa trăng, lại còn bắt được sắc thái của ngày, không chỉ nắm được sắc thái của ngày, còn đọc được cái run rẩy trong từng khoảnh khắc. Tháng ba, rét nàng Bân hiện ra trên trang viết của Vũ Bằng trước hết với đặc điểm thất thường của thời tiết: có cơn rét đột ngột trở về giữa một ngày nắng ấm - cái rét vét, rét vội để tống tiễn mùa xuân. Và cái thất thường ấy được đón nhận bằng một trái tim yêu... Không chỉ tìm về những lạc thú của ngũ quan từng cá nhân, tác giả còn tái hiện những hình thức di dưỡng tinh thần đẹp đẽ của cộng đồng..." (Khúc ca hoài cảm của kẻ tình nhân).
Với Lão Hạc của Nam Cao, cách nhìn của chị là từ bên trong nhân vật: "Lão Hạc luôn luôn tự xóa mình, lão xóa mình trong tương quan chồng vợ, cha con: mảnh vườn thì do vợ tậu, con chó thì con mua. Lão không tự cho mình sở đắc một cái gì cả... Lão đã xóa mình ra khỏi mảnh vườn để nó được tồn tại mà trao truyền trọn vẹn, lão xóa mình khỏi đời sống của đứa con để cho nó niềm hy vọng gắn bó với cội nguồn, lão xóa mình khỏi cõi thế phiền trược này để giữ gìn lẽ sống của mình..." (Bi kịch của lão Hạc).
Tác giả Đất rừng phương Nam được chị nhìn nhận một cách đầy trân trọng: "Có mảnh đất sinh ra những nhà văn, và ngược lại, có nhà văn từ trang viết đã biến miền quê riêng của mình thành miền quê chung thân thuộc trong tâm tưởng bao người... Với Đoàn Giỏi, tôi nghĩ rằng ông đã đón nhận được cái hạnh phúc đó... Ông đã đem đến cho bạn đọc cả nước những hiểu biết và tình cảm về một vùng đất mà trước đó xa ngái, hoang sơ trong hình dung của mọi người... Ông đã xây dựng những nhân vật lòng đầy nghĩa khí mà tinh tế và giàu chất văn hóa..." (Đoàn Giỏi, đất và rừng phương Nam).
Với thể thơ lục bát rất quen thuộc, chị cũng không lặp lại cách nhìn của nhiều người đi trước: "Lục bát rơi vào mảnh đất hình chữ S không như một tình cờ mà những đặc điểm của nó là bắt nguồn từ không gian địa lý và không gian tâm lý của dân tộc Việt. Lục bát xuất hiện có đôi, có cặp... Với hai dòng thôi, lục bát cũng tự đầy đủ trong sự thể hiện trọn vẹn một ý tưởng, một cảm xúc hay một trạng huống... Lục bát là một thể thơ có khả năng dung nạp những thể loại khác, có khả năng tiếp nhận những yếu tố mới một cách cởi mở, mềm mại. Đó là một thể thơ mở rộng cửa cho tất cả mọi người Việt Nam, dù với tư cách là một chủ thể sáng tác hay chủ thể tiếp nhận, dù họ có biết đọc biết viết hay không. Lục bát dễ làm nhưng để đạt đến những bài thơ hay thật khó, bởi vì nó đòi hỏi người làm thơ phải am hiểu nghệ thuật, kỹ xảo, nhưng không được để lộ cái nghệ thuật, kỹ xảo đó; bởi vì lục bát phải thanh nhã trong cái quê mùa, phải thâm thúy trong cái giản dị...". (Tại sao lục bát).
Không có những cách nói khiến người ta phải giật mình, những trang viết của Nguyễn Thị Thanh Xuân từ tốn có mặt, lặng lẽ góp tiếng. Thành ý của chị là, cùng người đọc đến với những cảm xúc thẩm mỹ, qua cái nhìn và cách diễn đạt riêng, rất phụ nữ mà cũng rất nhân văn.
. Ngô Thị Kim Cúc
(Báo Thanh Niên) |