|
Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ |
Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ là một biểu tượng truyền thống đầy tự hào về kỳ tích Điện Biên Phủ của những người chiến sĩ năm xưa. Nhưng cho đến nay, còn ít người được biết về tác giả của nó. Đó là hai họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích, nay đều đã ngoài 80 tuổi...
Được gặp lại hai họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích, những người đã vẽ huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ trong những ngày này thật xúc động và mến phục. Hai ông đã vào tuổi 80, đang sống ở Hà Nội. Họa sĩ Nguyễn Bích thì còn đi lại được nhưng không nói được nữa. Còn họa sĩ Mai Văn Hiến thì nói chuyện được rõ ràng khúc triết nhưng lại không đi được nữa.
Hai ông là cựu chiến binh của thủ đô Hà Nội đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ đầu tới cuối.
Tìm được người vẽ huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ thật cũng lắm kỳ công. Bởi Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ không có ghi chú người sáng tác. Hai họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích thì cũng coi đó là một nhiệm vụ chính trị, không đòi hỏi gì cả.
Từ điển Bách khoa quân sự ghi lại như sau: "Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ: Huy hiệu của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ 13-3 đến 7-5-1954 đặt ra theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Trong thư gửi các chiến sĩ Điện Biên sau chiến thắng, Bác Hồ đã viết:
Gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Trước hết Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh.
Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc quyết tâm giành được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác.
Bác quyết định khao các chú.
Khao thế nào tùy theo điều kiện, nhưng nhất định khao.
Thế là Bác cháu ta càng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và tranh thắng lợi mới.
Bác và Chính phủ định thưởng cho các chú huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Các chú tán thành không?
Bác dặn các chú một lần nữa. Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú.
Bác hôn các chú
Tháng 5 năm 1954
Bác HỒ CHÍ MINH
|
Họa sĩ Mai Văn Hiến |
Ý tưởng ra đời một huy hiệu cho các chiến sĩ Điện Biên Phủ được bắt đầu từ đợt 2 của chiến dịch, tức là vào khoảng đầu tháng 4 năm 1954.
Khi bộ đội Việt Nam đã đánh thắng trận Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, phá toang cánh cửa thép của Bắc Điện Biên Phủ thì quân Pháp bị lúng túng lún sâu vào thế phòng ngự, cố sức củng cố trung tâm, cuộc chiến đấu đã báo hiệu ngày toàn thắng nhưng không kém phần hy sinh gian khổ và đã phát sinh những khó khăn mới trong chiến đấu.
Trong một dịp họp mặt các cựu chiến binh Điện Biên Phủ ở phường Phương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội tôi được gặp lại Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông là chính trị viên tiểu đoàn 54 Trung đoàn Thủ Đô, ông kể lại: "Khi đánh xong đồi A1 cả tiểu đoàn của chúng tôi chỉ còn mấy tay súng". Ngày ấy Bộ chỉ huy chiến dịch báo cáo về Trung ương và Bác Hồ là sẽ có một huy hiệu được tặng cho các chiến sĩ Điện Biên Phủ và tặng như thế nào, vào lúc nào thì còn chờ thời cơ. Nhưng ngay từ đầu tháng 4 để chuẩn bị hình mẫu huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy mặt trận đã triệu tập hai họa sĩ đang công tác ở báo Quân đội nhân dân tiền phương, đó là Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích. Ngày ấy hai anh mới ngoài 20 tuổi đã từng công tác ở báo Quân du kích từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Khi giao nhiệm vụ vẽ huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy mặt trận đề ra một số ý tưởng là: huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ làm sao thể hiện được tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến sĩ ta.
Huy hiệu phải có các yếu tố:
1. Có hình rừng núi.
2. Có chiến sĩ với chiếc mũ nan ở tư thế xung phong.
3. Có pháo binh trong đó có cả cao xạ vì đó là vũ khí lần đầu xuất hiện ở Điện Biên.
4. Có chữ Quyết chiến, Quyết thắng trên quân kỳ và Chiến sĩ Điện Biên Phủ, hình thức cô đọng, gọn nhẹ, khái quát cao trên nền xanh và mầu sáng.
|
Họa sĩ Nguyễn Bích |
Hai họa sĩ cặm cụi nhiều ngày vẽ được 10 mẫu bằng bút chì, Mai Văn Hiến vẽ bút chì xong thì đưa Nguyễn Bích vẽ lại bằng bút sắt chấm mực. Cuối cùng cấp trên đã thông qua huy hiệu như hiện nay chúng ta thấy, được chuyển về hậu phương và đưa sang nước bạn sản xuất hàng loạt.
Các chiến sĩ Điện Biên Phủ ngày ấy rất tự hào đón nhận huy hiệu như một kỷ niệm xương máu. Khi về với đời thường là cựu chiến binh, các cụ đến dự họp thường chỉ đeo một huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ và huy hiệu Cựu chiến binh, đó là nhân chứng của một thời gian lao mà anh dũng.
Họa sĩ Mai Văn Hiến quê ở Tiền Giang, Mỹ Tho. Khi còn trẻ, ông học ở Trường mỹ thuật Đông Dương. Kháng chiến bùng nổ ông ở lại tham gia quân đội, đi suốt các chiến dịch kể cả sang nước bạn. Ông chuyên vẽ chân dung sinh hoạt của anh bộ đội Cụ Hồ và tình quân dân.
Ông hiện đang ở một căn hộ nhỏ ngay dưới căn buồng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận ở 65 Nguyễn Thái Học. Ông đã được tặng thưởng giải thưởng Nhà nước về hội họa.
Còn họa sĩ Nguyễn Bích thì đang ở phường Ngọc Hà, ngay trước nhà ông có hồ Hữu Tiệp còn xác của chiếc B.52, ghi lại chiến tích của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
. Theo Quân đội nhân dân |