Nhà văn Phan Cao Toại đã viết kịch bản phim Hàn Mặc Tử như thế nào?
16:30', 18/3/ 2004 (GMT+7)

Phim truyện truyền hình "Hàn Mặc Tử", kịch bản của Phan Cao Toại, đạo diễn Trần Mỹ Hà do Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, đã chính thức bấm máy ngày 6-2-2004. Nhân dịp này, Minh Hằng, CTV Báo Bình Định có cuộc trao đổi với nhà văn, bác sĩ Phan Cao Toại về kịch bản này.

* Hàn Mặc Tử là nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Nhiều nhà biên kịch đã tìm cách đưa cuộc đời ông lên sân khấu nhưng đều chưa thành công. Vì sao anh lại chọn Hàn Mặc Tử để viết kịch bản phim truyện truyền hình?

- Tại cuộc Liên hoan phim truyền hình đầu năm 2000 ở Nha Trang, nhà văn Nguyễn Hồ (nguyên giám đốc Hãng phim truyền hình TPHCM) đề nghị tôi viết một bộ phim truyện về Hàn Mặc Tử. Tôi vui vẻ nhận lời. Nhiều bè bạn can ngăn: "Sao anh lại phiêu lưu vào đề tài gai góc ấy?". Tôi không biết trả lời thế nào. Đúng là đề tài Hàn Mặc Tử nhiều người muốn viết vì nó đầy kịch tính và rất hấp dẫn. Nhưng là một đề tài khó viết. Muốn viết về Hàn, trước hết phải hiểu Hàn Mặc Tử là ai? Diễn biến về tâm sinh lý của ông trong những năm tháng bệnh hoạn như thế nào? Sở dĩ các nhà biên kịch chưa thành công vì họ chưa hiểu kỹ về Hàn, từ đó hư cấu nhiều điều làm sai lệch sự thật.

Riêng tôi, khi nhận lời nhà văn Nguyễn Hồ, tôi rất tự tin vì hai lẽ: tôi đã có 5 năm làm việc tại Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa, nơi Hàn Mặc Tử nằm điều trị 51 ngày đêm và qua đời ở đó. Năm 1992, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, một người thầy thuốc suốt đời dâng hiến cho bệnh nhân phong đã đề nghị thành lập phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử. Chúng tôi đã sưu tầm khá nhiều hiện vật về cuộc đời Hàn. Phòng lưu niệm này ở bên cạnh phòng cấp cứu của bệnh viện. Những lúc không phải trực, tôi có mặt tại phòng để giới thiệu với khách tham quan về cuộc đời Hàn Mặc Tử. Tối về tôi lại đọc các tài liệu về ông. Tính đến năm 2000, khi tôi cầm bút viết kịch bản phim truyện truyền hình Hàn Mặc Tử, tôi đã có 8 năm tìm hiểu rất kỹ về ông. Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân phong, tôi hiểu tường tận về những nỗi đau mà người bệnh phải gánh chịu. Y học ngày nay rất tiến bộ, có nhiều thuốc giảm đau, thuốc an thần đặc hiệu. Thế mà trong cơn bốc bệnh, bệnh nhân vẫn không chịu đựng nổi. Từ đó, tôi suy ra thời Hàn bị bệnh, thuốc men chưa có gì, chắc chắn Hàn phải chịu một nỗi đau ghê gớm. Cơn đau trong bệnh phong là do dây thần kinh bị sưng, một cơn đau sâu và buốt, nhất là các thần kinh ngoại biên như ở tay, chân, cổ. Những dây thần kinh này thường không được quần áo che chở nên những đêm trăng, trời lạnh, người bệnh lại càng đau thêm. Nhờ giải mã được hai khó khăn trên, chỉ trong vòng hai tháng, tôi đã trao kịch bản cho nhà văn Nguyễn Hồ. Nhà văn Lê Điệp, người biên tập và nhà văn Nguyễn Hồ đều khẳng định: Đây là một kịch bản tốt.

* Anh dựa trên những cơ sở nào để viết kịch bản phim Hàn Mặc Tử?

- Năm 1992, tôi ra làm việc tại Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa. Rất may mắn, tôi được gặp ông Nguyễn Văn Xê, một người bạn bệnh cùng thời với Hàn. Chính ông đã kể lại những ngày cuối cùng của Hàn trong bệnh viện và là người được Hàn tặng tập thơ "Cầu nguyện". Khi Hàn mất, ông là người báo tin cho nhà thơ Quách Tấn ở Nha Trang và cho ông Trần Thanh Mại ở Huế.

Một may mắn khác: năm 1995, tôi được gặp bà Mai Đình. Có thể nói, đây là pho tư liệu sống vì bà còn nhớ rất nhiều những kỷ niệm giữa bà và Hàn. Bà kể về những lần đến thăm Hàn ở Quy Nhơn. Lần đầu tiên không được Hàn tiếp. Nhưng tình yêu thương một người tài hoa nhưng bất hạnh giúp bà vượt qua và những lần sau, bà có dịp tự tay chăm sóc Hàn. Tôi còn nhiều lần được gặp ông Nguyễn Bá Tín, em ruột nhà thơ tại 47 Lê Thành Phương, Nha Trang. Qua câu chuyện với ông và cuốn sách ông viết "Hàn Mặc Tử, anh tôi", tôi hiểu thêm nhiều chi tiết quý giá. Tôi cũng lên thị trấn Bình Định gặp nhà thơ Yến Lan để hỏi thêm những kỷ niệm của ông và Hàn (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quánh Tấn là bốn bạn thơ trong Bàn Thành Tứ Hữu ở Bình Định). Trong quá trình viết, tôi được nhà nghiên cứu Quách Giao, con trai nhà thơ Quách Tấn cung cấp nhiều tài liệu. Chi tiết cụ Tấn dặn vợ mỗi tháng dành năm đồng gửi cho Hàn trị bệnh là do anh nghe cụ Tấn kể lại. Về những xen rất cảm động về cuộc gặp gỡ giữa Hàn và cụ Phan Sào Nam trên sông Hương, tôi dựa theo tư liệu trong cuốn "Những mẩu chuyện về cụ Phan Bội Châu" của nhà xuất bản Thuận Hóa, cũng do anh Quách Giao cung cấp.

Như thế, những người tôi được tiếp xúc, những tư liệu tôi dựa vào đều có thật. Khi viết, tôi có nâng cao. Ví dụ bà Mai Đình kể: "Anh bị bệnh truyền nhiễm và bị nhà chức trách bắt cách ly ra ngoài bãi cát. Tôi đến thăm anh ở đó, nấu cơm cho anh ăn". Trong cảnh này, tôi tả Mai Đình nấu cơm cho Hàn, một bữa cơm ngon lành. Hàn lúc đó tay cử động đã khó khăn. Nhưng ông cố chứng tỏ mình là người lành lặn, cầm đũa định gắp thức ăn. Tay ông lóng ngóng làm đũa rơi. Mai Đình nói: "Để em đút cho anh…". Tự ái bị xúc phạm, Hàn giận quá thuận tay gạt đổ mâm đồ ăn và đuổi Mai Đình. Mai Đình khóc. Hàn ôm Mai Đình, hai người cùng khóc…

* Anh bố cục kịch bản này như thế nào?

- Dựa theo tiểu sử của Hàn, tôi vào phim lúc Hàn còn học Pellerin ở Huế, chuẩn bị về lại Quy Nhơn chờ đi du học ở Pháp. Sau này, vì có đi lại với cụ Phan, Hàn bị gạt ra khỏi danh sách. Ông vào làm việc ở Sở Đạc điền, do cụ thân sinh cô Hoàng Cúc làm giám đốc. Nhà của Hàn trên đường Khải Định, Quy Nhơn, gần nhà Hoàng Cúc. Hàn choáng ngợp trước vẻ kiêu sa của Hoàng Cúc, yêu thầm nhớ trộm nàng. Đó là mối tình thơ mộng đầu tiên trong đời Hàn. Sau này, khi Hàn bị bạo bệnh, Hoàng Cúc có gửi một tấm bưu thiếp hỏi thăm. Hàn xúc động viết nên bài thơ: "Đây thôn Vỹ Dạ".

Tôi viết kịch bản này thành 5 tập. Mỗi tập là một mối tình và sự ra đời của một bài thơ hay. Tập nọ nối tập kia cũng dần hình thành, nỗi đau của Hàn gánh chịu và những mặc cảm của người đời với những ai bị căn bệnh quái ác này. Lúc bấy giờ, không có thuốc giảm đau, thuốc an thần, người bệnh phải vật lộn với bệnh tật mà phần thắng luôn thuộc về bệnh tật. Chính nỗi đau ấy khiến Hàn siêu thoát. Hàn luôn sống trong ảo ảnh, tâm sinh lý bị biến đổi. Là một người thầy thuốc nên tôi có thuận lợi nhiều khi mô tả nhân vật bệnh tật của mình. Đồng thời tôi cũng mô tả sự bất lực, kém hiểu biết của những ông lang thời ấy, đã vô tình dẫn nhà thơ đến cái chết.

* Trong năm mối tình cũng là năm bài thơ tuyệt đẹp của Hàn Mặc Tử, anh thích mối tình nào nhất?

- Mối tình của Hàn với Thương Thương, một mối tình ảo nhưng lại đẹp, đẹp một cách lung linh giữa mộng và thực. Tình yêu đó giúp Hàn Mặc Tử vượt qua những đau đớn trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.

* Anh có tin bộ phim sẽ được công chúng đón nhận?

- Đây là một kịch bản rất khó thể hiện. Diễn viên thủ vai Hàn Mặc Tử phải đảm đang được xương sống của bộ phim. Mặt khác, thành công của một bộ phim gồm nhiều khâu, từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên. Tôi tin vào tài năng của đạo diễn Mỹ Hà và dàn diễn viên trẻ đầy triển vọng.

* Xin cảm ơn anh!

. Minh Hằng - thực hiện

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Gặp lại những người vẽ huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ   (17/03/2004)
Tiếng vọng những mùa qua   (15/03/2004)
Thơ tình để trong cặp  (14/03/2004)
Nơi chốn để về   (12/03/2004)
Mảng thơ viết về phụ nữ trong Ngục trung nhật ký   (11/03/2004)
Mùa xuân Điện Biên năm ấy...   (10/03/2004)
Vài nét về bộ phim "Người hàng binh"   (10/03/2004)
Xuân Diệu và quê mẹ   (08/03/2004)
Sách cho thiếu nhi - Phong phú hơn  (07/03/2004)
Buổi chiều  (05/03/2004)
Một vài suy nghĩ về tập "Thơ Bình Định thế kỷ 20"   (05/03/2004)
Ông già làng Mực   (03/03/2004)
"Rạp hát" bên đường kéo pháo Điện Biên   (02/03/2004)
Sách mới  (01/03/2004)
Câu hát "Trách phận"  (29/02/2004)