Ông bà ta thường nói "Sinh nghề tử nghiệp". Không có nghề sinh sống nào mà con người bị ràng buộc chặt chẽ bởi cái quy luật ấy như nghề làm biển. Sóng biển lúc thì hiền hòa đáng yêu, lúc thì nổi giận có thể nuốt chửng lấy con người. Sức mạnh của biển cả làm cho ngư dân kinh sợ. Cuộc sống của họ có tính chất may rủi. Do đó, ngư dân ta ngày xưa thường tin vào sức mạnh của lực lượng thần bí nào đó. Đó là những: Hà bá, Thủy quan, cá ông Long Vương (ông Nam Hải) rồi Sát Hải đại vương, Tam tòa, Nhị vị, Đông chính dực thánh…. và đều được bà con thờ. Nơi thờ vị này, nơi thờ vị kia, có nơi thờ hai ba vị mà nhiều khi chúng ta không biết được nhiều về sự tích các vị. Việc cúng kính, tế lễ của bà con ngư dân vùng biển rất là hệ trọng và phức tạp. Từ đó, nảy sinh ra những hình thức tế lễ, mà một trong những hình thức ấy là hát bả trạo.
Hát bả trạo có nghĩa là hát có nắm mái chèo (bả: nắm chắc; trạo: chèo) là loại múa hát dân gian được tổ chức hằng năm để nhớ ngày cá ông chết (thường gọi là ông lụy) trôi dạt vào bờ biển địa phương, vào ngày đưa tang ma cá ông voi, hoặc dùng để tế lễ người chết. Khi hát mỗi người đều cầm chèo, đứng thành hai hàng, giả như người đang chèo thuyền, dưới sự điều khiển của tổng mũi. Tham gia trình diễn gồm có tổng mũi, tổng lái, tổng khoan (tổng thương) và đám bạn chèo đưa ông vào khoảng 10-16 người.
Nếu nghệ thuật nổi bật của các làn điệu dân ca là ở nghệ thuật lời và nhạc thì ở hát bả trạo gồm nghệ thuật múa (biểu diễn), lời và nhạc, đặc biệt là ở nghệ thuật múa.
Suốt buổi diễn là phần nghi lễ và hát múa của đám bạn chèo đưa ông, chen vào buổi diễn là sự trình diễn của tổng mũi bằng nhiều hình thức. Kế tiếp là ông kể lể công đức cá ông với cư dân vùng biển theo điệu nam ai để tỏ ý thương tiếc số mệnh ngắn ngủi của cá ông, cuối cùng là hát chúc. Như vậy, kết cấu của buổi diễn giống như một vở tuồng ngắn. Có phần mở đầu là trình bày sự kiện, diễn biến của sinh hoạt nghề nghiệp và kết thúc bằng lời chúc tụng. Nếu như trên sân khấu tuồng, nhân vật được xếp theo những mô hình mà nhà nghề gọi là: đào kép, lão mụ, vua quan, tướng soái… thì ở đây, sự phân vai rất đơn giản, gồm tổng mũi, tổng khoan, tổng lái và đám bạn chèo tùy theo vị trí của mỗi người trong thực tế chèo thuyền trên sông nước.
Sự phân vai ở đây tách bạch rõ rệt. Tổng khoan trong buổi diễn phải luôn luôn hoạt động, tay cầm gàu tát nước, vừa cúi xuống ngẩng lên để tát nước, vừa hát:
Huớ cụ lái ơi, nước nôi đã đầy - hà
Tôi cầm gàu bôn ba nhảy xuống khoang tát nước
Có lúc anh ta tự giới thiệu mình như trong chèo:
Môi lảm bảm hổi giờ chức chửa xưng tên
Dạ! Trước phụng thờ thần thánh, sau vâng lệnh vạn thôn. Tôi là quyền trong tấn trong phan, ngã danh xưng tổng thương tát nước
Và với việc tát nước ấy, tổng thương có thể chọc cười khán giả bằng động tác tát nước đủ kiểu với những kiểu vẽ mặt nhăn nhó vì mệt nhọc của mình.
Đặc biệt ở vai tổng mũi, được dành cho một số điều kiện để phát triển tài năng cá nhân. Tổng mũi là chủ yếu của buổi diễn. Tổng mũi phải là người diễn viên đa tài mới gây không khí rộn ràng cho buổi diễn và phải biết đủ các làn điệu dân gian từ ngâm, phú, lý,… đến các làn điệu tuồng: nói lối, xưng, thán, oán, tán, hát nam ai, hát bài….
Nhiều đoạn cần kéo dài thời gian trình diễn, tổng mũi phải vận dụng tài năng để diễn như một diễn viên thực sự trên sân khấu tuồng. Ông ngâm thơ, luận sự tích cổ kim, uống rượu giả say và hát. Nghĩa là với tất cả mọi thủ pháp nghệ thuật đều được sử dụng để gây được không khí sôi động cho buổi diễn.
Qua cách trình diễn của tổng mũi, tổng lái, tổng thương và đám bạn chèo như đã nói ở trên, có thể nói nghệ thuật phân vai cho các nhân vật trong buổi diễn đã đạt đến trình độ chuyên môn hóa rõ ràng, minh bạch và đầy tính năng động.
Vì trạo ca vừa là nghệ thuật vừa nghi lễ, cho nên trang phục và đạo cụ cũng mang 2 tính chất ấy. Tổng lái mặc lễ phục cổ truyền (áo dài đen, quần dài trắng nếu là nghi lễ trang trọng) cầm chèo lái dài khoảng 2 mét. Tổng mũi ăn mặc lễ phục như tổng lái, nhưng có khi lại trang phục rực rỡ như một diễn viên tuồng, cầm cặp sênh điều khiển; tổng khoang mặc áo 3 màu, hoặc có hình lát chả, quần cộc tay cầm gàu tát nước. Còn các bạn chèo đầu chít khăn, áo trắng, quần trắng, có quấn xà cạp, thắt lưng vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo khoảng 1,2 mét sơn màu đen hay trắng.
Cách trang phục và sử dụng đạo cụ mang tính chất nghi lễ, nhưng cũng phản ánh được tính chất nghề nghiệp của bà con ngư dân vùng biển.
Như đã nói ở trên, ở đây cũng như tuồng, ta gặp nhiều điệu hát dân ca có âm nhạc phối hợp. Đó là các làn điệu hò, lý, xướng, hô, oán, ngâm thơ… Xương sống của lối hát bả trạo là xướng, xô và trình diễn các làn điệu dân gian.
Trong các lối xướng - xô, ta thấy tổng mũi "xướng" đám bạn chèo hoặc tổng lái, tổng thương "xô". Đó là những tiếng "dạ" rộn ràng sau khi tổng mũi "xướng".
Tổng mũi: Bớ bả trạo
Bạn chèo: Dạ
Tổng mũi: Mau lui thuyền về bến Giang Tân nghe
Bạn chèo: Dạ
Hoặc là sau tiếng rao xướng của tổng mũi, khi thuyền gần đến bến, gọi tổng thương lo việc "nước non":
Tổng mũi: Thuyền gần miền tới bến
(Rao) Đêm ngó đã còn chầy
Truyền sau trước nghe đây
Đình thuyền neo an nghỉ
Tổng mũi kêu: Bớ tổng thương
Tổng thương: Dạ! Dạ! Dạ!
Tổng mũi: Ta phú cho ngươi gìn giữ nội thuyền coi nước non mà tát
Tổng thương: Dạ! Dạ! Dạ!
Tiếng xô "Dạ, dạ" ở đây rất rộn ràng, tạo nên cái hài làm cho khán giả bật cười, khi tổng thương vừa tát nước, vừa làm điệu bộ kết hợp với nét mặt, chân tay và trang phục.
Ngoài ra, các tổng thi nhau hò khoan, hù là khoan, sau mỗi câu hò của tổng mũi ở đoạn lui thuyền. Các làn điệu dân ca qua tổng mũi biểu diễn, được tổng hợp với nhau trong lối hát bả trạo. Điều ấy cho thấy, ngư dân vùng biển đã tiếp thu nghệ thuật múa hát biểu diễn tuồng dân gian trong các điệu hát nghi lễ của mình. Phong phú hóa điệu múa chèo thuyền vốn là điệu múa phổ biến ở đồng bằng và miền biển. Nó là một thể nghiệm thành công cho sự kết hợp giữa múa và hát.
Đặc điểm của nghệ thuật múa bả trạo là kết hợp hình thức diễn tuồng, một hình thức diễn kịch cổ truyền rất được nhân dân miền Trung ưa thích. Phải chen lối hát tuồng vào mới lôi cuốn của người xem.
Múa ở đây theo những đội hình nhất định trong trình tự buổi diễn, theo một nhạc lệnh nhất định tức là tiếng sênh của tổng mũi. Khi tổng mũi gõ sênh thì cả đội hình thay đổi và cả động tác múa nữa.
Lối múa chèo thuyền đã được nâng lên thành một nghệ thuật, và được cách điệu hóa trong nghệ thuật ước lệ đến cao độ, gần như tuồng. Nghĩa là, trong khi biểu diễn, người ta trọng tả thần, chứ không trọng tả thực, không đi vào chi tiết cụ thể, tỉ mỉ của đối tượng, mà thu tóm đối tượng miêu tả bằng những nét khái quát nhất. Người ta không biểu diễn tất cả mọi hoạt động xảy ra trên thuyền, mà chỉ chọn lấy cái thần, tức những hành động chủ yếu, và đưa lên sàn diễn, bỏ qua các chi tiết phụ thuộc. Do đó, gắn với sự ước lệ là cách điệu hóa nghệ thuật biểu diễn, đem lại cho từng cử chỉ, từng bước đi, từng dáng ngồi, từng cách chèo thuyền, từng động tác tát nước… một hình ảnh thẩm mỹ nhất định, làm cho người xem thấy được hành động, cử chỉ… dưới góc độ cái đẹp, làm cho đối tượng miêu tả hay hơn, đậm đà hơn, ý nhị hơn qua nghệ thuật biểu diễn của diễn viên.
Chỉ với một mái chèo cũng đủ gợi ra cảnh chèo thuyền trên sông nước mênh mông; chỉ với động tác chèo thuyền trên sân diễn gợi cho ta hình ảnh con thuyền đang lướt tới mà đi; rồi động tác tát nước trên thuyền được ước lệ đến cao độ, hay là sự sắp xếp của đội hình múa, theo thứ tự của tổng mũi, tổng thương rồi tổng lái và đám bạn chèo 2 bên, cho ta thấy toàn bộ cảnh con thuyền trên sông nước với người và công việc.
Vì vậy, với hát bả trạo, các nguyên lý cơ bản chung trong việc xây dựng một vở tuồng ngắn, đều có cả. Nghệ thuật múa hát bả trạo đạt đến trình độ biểu diễn nhất định, vượt hẳn các làn điệu dân ca vùng biển vốn có. Tuy không là một bộ môn sân khấu hoàn chỉnh, nhưng hát bả trạo, với nghệ thuật múa như trên cũng có thể nói là đã chịu ảnh hưởng rất lớn của nghệ thuật sân khấu thực thụ.
. Trần Xuân Toàn |