Nhà văn Võ Hồng tuổi 83
17:29', 23/3/ 2004 (GMT+7)

Bất cứ bạn văn nào khi đến Nha Trang - cũng đều ghé căn nhà số 53 Hồng Bàng để thăm nhà văn Võ Hồng. Trong cuộc sống sôi động từng ngày của thành phố du lịch, ở tuổi 83, dường như với nhà văn, mọi sinh hoạt đều dừng lại ở bên ngoài. Gần như khoảng thời gian sau này ông ít viết vì sức khỏe yếu nhiều. Chiếc điện thoại để sát đầu giường giống như là người bạn tri kỷ của ông, bởi mọi liên lạc với bạn bè đều qua chiếc điện thoại. Nhà văn ít khi ra đường, nếu không ghé bưu điện trên đường Ngô Gia Tự để lãnh nhuận bút do tòa soạn báo nào gởi tới. Ông thường đi bộ, vì không thể đi xe đạp được nữa.

Nhà văn Võ Hồng

Có lần tôi đi xe sát bên ông, ông vẫn không nhìn ra. Bởi nhà văn đã phải đeo tới hai chiếc kính cùng một lúc mới đọc được báo hoặc nhìn đường. Trong xưng hô, ông vẫn thường thích xưng mình là Qua, còn đa phần người tới thăm ông đều gọi là Thầy. Có lẽ điều mãn nguyện đối với ông là trong năm 2003, tuyển tập Võ Hồng đã được in.

Căn nhà 53 Hồng Bàng có căn phòng phía trước gần như chỉ được mở cửa vào những dịp lễ tết. Mọi trang trí của căn phòng bao nhiêu năm nay không thay đổi mấy. Đặc biệt bộ lư đồng đã nhiều năm không hề được đánh bóng lại, vì nhà văn thích thế. Ngay cả chiếc tráp xanh đựng bánh mứt cũng đã có tuổi đời mấy chục năm. Khi viết thư cho ai, ông vẫn thường dùng những mảnh giấy có được trong tay để viết - chữ của nhà văn rất đẹp, đều đặn.

Trước nhà có thùng thư để bỏ thư vào, nhưng thùng thư quá nhỏ so với các tạp chí nên người đưa thư thường ném vào sân. Lũ trẻ hàng xóm thỉnh thoảng lại dùng cây khèo ra lấy mất. Với ông, một cuốn sách, tờ báo được tặng ông đều giữ gìn và đọc hết.

Ông ở một mình trên căn phòng ở tầng 1. Bởi hai đứa con ông đều ở nước ngoài, bà Võ Hồng thì qua đời từ khi con còn nhỏ. Căn phòng bên cạnh là Thư viện của ông - chỉ có ông bước vào - là một kho sách giá trị được ông lưu giữ cẩn trọng. Do sống một mình, có cô cháu tới phụ giúp công việc nhà cũng chỉ lo chuyện bên ngoài, nên căn phòng của ông khá bề bộn. Khách thân thiết có khi ngồi bất cứ chỗ nào có thể ngồi được nói chuyện cùng ông. Ngày xưa, ông có thể nói chuyện hàng giờ đồng hồ. Giờ đây sức yếu, ông nói ít lại. Tuy nhiên, sống trong vắng vẻ, mỗi người khách đến thăm là món quà tinh thần vô cùng quý giá đối với nhà văn Võ Hồng. Có khi tôi ngồi hàng buổi nghe ông nói chuyện. Ông hỏi chuyện văn chương, hỏi về giá cả, cuộc sống.

Ở sân thượng, cách đây hai năm, con ông từ nước ngoài về thăm, mua mấy cây xanh để cho ông nhìn thấy chúng làm vui. Ông nói rằng như thế thì ông phải tưới chúng, mà ông thì quá yếu rồi. Trước đó ông trồng một nhánh xương rồng, loại cây mọc nhiều ở những nơi khô cằn, và dường như loại cây này tỏ ra phù hợp trong nhà của nhà văn.

Quê ở Ngân Sơn, Phú Yên - nhưng gần như thời gian sống và viết của nhà văn Võ Hồng đều ở Nha Trang. Mỗi lần sinh nhật ông, rất nhiều bạn bè, hậu sinh tới thăm - sự nhớ đến này là điều  làm cho ông vui. Ông luôn có một chai rượu nho để mời khách. Và ít ai biết rằng gần như nhà văn Võ Hồng đã ăn cơm tháng từ rất lâu.

. Khuê Việt Trường

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tình yêu của tôi  (22/03/2004)
Nghệ thuật trạo ca Bình Định  (22/03/2004)
Cá chép vàng  (19/03/2004)
Nhà văn Phan Cao Toại đã viết kịch bản phim Hàn Mặc Tử như thế nào?   (18/03/2004)
Gặp lại những người vẽ huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ   (17/03/2004)
Tiếng vọng những mùa qua   (15/03/2004)
Thơ tình để trong cặp  (14/03/2004)
Nơi chốn để về   (12/03/2004)
Mảng thơ viết về phụ nữ trong Ngục trung nhật ký   (11/03/2004)
Mùa xuân Điện Biên năm ấy...   (10/03/2004)
Vài nét về bộ phim "Người hàng binh"   (10/03/2004)
Xuân Diệu và quê mẹ   (08/03/2004)
Sách cho thiếu nhi - Phong phú hơn  (07/03/2004)
Buổi chiều  (05/03/2004)
Một vài suy nghĩ về tập "Thơ Bình Định thế kỷ 20"   (05/03/2004)