Hò dô ta nào!
Kéo pháo ta vượt qua đèo.
Hò dô ta nào!
Kéo pháo ta vượt qua núi.
Dốc núi cao cao
Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi
Vực sâu thăm thẳm
Vực nào sâu bằng chí căm thù?
|
Chân dung họa sĩ Dương Hướng Minh |
Đó là lời bài hát ca ngợi hình ảnh của những người chiến sĩ kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử cách đây 50 năm. Cùng với âm nhạc, lịch sử mỹ thuật Việt Nam cũng có không ít tác phẩm hội họa đẹp vẽ về Điện Biên Phủ và hình tượng người chiến sĩ kéo pháo Điện Biên nói riêng. Kéo pháo của họa sĩ Dướng Hướng Minh là một trong những tác phẩm hội họa tiêu biểu trong số đó.
Họa sĩ Dương Hướng Minh tên thật là Nguyễn Văn Tiếp, sinh năm 1919 tại xã Xuân Dục, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Ông là một trong số những họa sĩ đầu đàn của nền hội họa Việt Nam, từng là cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1938-1943. Năm 1945, đất nước vừa mới độc lập, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Khoảng cuối tháng 8-1945, chàng trai Nguyễn Văn Tiếp tạm gác bút nghiên, đổi tên thành Dương Hướng Minh và gia nhập lực lượng vũ trang (LLVT) ngay tại Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau khi chuyển ngành, năm 1962, họa sĩ - chiến sĩ Dương Hướng Minh về công tác tại Viện Mỹ thuật Việt Nam. Tại đây, ông được phân công làm trợ lý cho họa sĩ - Viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung. Năm 1967, Dương Hướng Minh lại được biệt phái sang bộ phận lý luận của Tổ Phong hóa Trung ương, do ông Hà Huy Giáp, Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách.
Là một người lính, sau đó lại chuyển sang làm công tác quản lý, nghiên cứu nên họa sĩ Dương Hướng Minh ít có điều kiện sáng tác, tuy nhiên, đối với đề tài chiến tranh cách mạng ông đã thực hiện thành công khá nhiều tác phẩm. Một số tác phẩm của họa sĩ Dương Hướng Minh đã đoạt giải thưởng tại các cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm LLVT nhân dân và được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, các sưu tập tư nhân và được giới thiệu trong các vựng tập… Tiêu biểu trong số này là các tác phẩm: Lão nông - ca sĩ dân ca quan họ (sơn dầu), Hố gầm (sơn mài), Huyền thoại về cội nguồn "Âu Cơ - Lạc Long Quân" (sơn mài), Tuổi trẻ sinh viên (sơn mài)… Riêng đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, họa sĩ Dương Hướng Minh cũng có một số tác phẩm đẹp, trong đó đặc sắc nhất là các bức tranh Kéo pháo, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo…
|
Trích đoạn tranh Kéo pháo |
Kéo pháo của họa sĩ Dương Hướng Minh là tác phẩm sơn mài có khuôn khổ khá lớn (100cm x 200cm). Qua bức tranh, Dương Hướng Minh đã khắc họa một cách sinh động hình tượng cao đẹp của những chiến sĩ Điện Biên. Xuất xứ của Kéo pháo khá ly kỳ. Theo họa sĩ Dương Hướng Minh, trong chuyến chuyển quân của đơn vị đặc công tinh nhuệ do ông phụ trách ra Bắc, một số cán bộ, chiến sĩ "phát hiện" người lính Dương Hướng Minh chính là họa sĩ Nguyễn Văn Tiếp - cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương. Vậy là chỉ mấy ngày sau Dương Hướng Minh được lệnh về công tác tại Tổng cục Chính trị. Kể từ đó, họa sĩ Dương Hướng Minh lại có điều kiện cầm cọ vẽ. Và, một trong những tác phẩm đầu tiên mà Dương Hướng Minh thể hiện chính là Kéo pháo.
Họa sĩ Dương Hướng Minh cho biết, để thực hiện tác phẩm này, ông đã phải dành khá nhiều thời gian thâm nhập thực tế tại các binh chủng pháo 351 và 367, ghi chép, ký họa, nghiên cứu. Chính vì vậy Kéo pháo đã được xây dựng khá công phu, hoàn chỉnh và đạt hiệu quả nghệ thuật. Bức tranh có bố cục chặt chẽ, hình chắc, khỏe, màu sắc nóng nhưng hài hòa. Điều đáng ghi nhận ở tác phẩm là khả năng, trình độ xử lý kỹ thuật sơn mài của tác giả. Là một chất liệu khó, nhất là việc sử dụng màu sắc, nhưng họa sĩ Dương Hướng Minh vẫn sử dụng khá nhuần nhuyễn, điêu luyện. Đây là một trong những tác phẩm đẹp của nền Mỹ thuật Việt Nam về đề tài LLVT và về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng.
50 năm đã trôi qua nhưng tên tuổi của họa sĩ - chiến sĩ Dương Hướng Minh và tác phẩm Kéo pháo vẫn được người yêu nghệ thuật nhớ đến. Điều đáng nói là giờ đây, Kéo pháo vẫn được lưu giữ và treo trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Lúc này xem Kéo pháo, chúng ta lại nhớ đến âm hưởng của bài ca:
Hò dô ta nào!
Kéo pháo ta vượt qua đèo.
Hò dô ta nào!
Kéo pháo ta vượt qua núi…
. Viết Hiền |