Tuồng Đào Tấn trong cái nhìn hôm nay
16:19', 26/3/ 2004 (GMT+7)

Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài và một nhạc sĩ có tài nữa. Đào Tấn đã có trọn những tài ấy. Và ông trở thành nhà viết tuồng vô địch ở nước ta từ trước tới nay.

Ngôi nhà của danh nhân Đào Tấn ở Tuy Phước, Bình Định

Phải nhìn ở Đào Tấn một tài năng tổng hợp như thế mới thấy quí và hiếm. Thế hệ chúng tôi trở về sau, do hoàn cảnh, do thời thế, nên rất ít am hiểu về tuồng, nhưng có một điều tôi hiểu và rất lấy làm ngạc nhiên: tuồng là một loại hình sân khấu vừa mang tính dân tộc vừa mang tính khu vực, vừa bác học vừa dân dã, vừa classic vừa pop, đúng ra là pop-rock, vì có những đoạn hát trong tuồng mà âm lượng lên tới hàng trăm đề-xi-ben chứ chả chơi. Và bộ gõ trong tuồng mới tuyệt vời làm sao! Nó mang đầy tính kích thích. Các bạn thanh niên thử đi xem một vở tuồng Đào Tấn (thứ thiệt) mà coi. Nó cũng "phê" lắm, đã lắm. Vậy mà lâu nay ở ta, tuồng như vắng bóng. Không thấy liên hoan nghệ thuật tuồng (hàn lâm), mấy nhà hát tuồng sống leo lét, những nghệ sĩ tuồng dần mai một. Nếu người ta nhớ rằng Béctôn Brếch chẳng những rất thích kịch Nô Nhật Bản mà còn say mê nghệ thuật hý khúc Trung Quốc và ông đã học tập được nhiều thứ từ đấy, cũng như Nadim Hítmét cực mê Kinh kịch Trung Quốc, thì đôi khi người ta sẽ hối tiếc vì đã để cho tuồng Việt Nam mình thất bát đến như vậy. Nghe vậy, có thể người ta lại giật mình rồi vội vã sản xuất những vở tuồng "hiện đại" rất khó nuốt, như một "món nuộm suồng sã" nào đó, đưa cả kịch nói lẫn tân nhạc vào tuồng. Sinh thời, Đào Tấn đã cảm nhận được bản chất của cuộc đời này: "Sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân" (việc đời như kịch, há trong xứ giả bảo không chân), và chính cái nghịch-lý-thuận-lý đó là kịch, là tuồng, là đất dụng võ cho những nghệ sĩ có bản lĩnh và tài năng. "Thiên bất dự nhàn, thã hướng mang trung tầm tiểu hạ" (Trời chẳng cho nhàn, vào bận rộn này tìm chút rỗi). Nghĩa là Đào tiên sinh đã chấp nhận tất cả để có thể làm một nghệ sĩ. Có cảm giác bao nhiêu năm ông đi làm quan là chỉ cốt để làm tuồng, mượn chốn quan trường mà hành cái chí, cái thú nghệ thuật của mình (vì thuở Đào Tấn chưa có các Hội văn học nghệ thuật).

Đào Tấn trong cuộc đời làm quan của mình có để lại ít nhiều lòng mến thương và kính phục do đức liêm chính, do tâm sự yêu nước, do đã khí khái giúp đỡ những anh hùng thất cơ lỡ vận trong cuộc trường chinh chống thực dân Pháp… Nhưng bấy nhiêu thứ cũng chưa đủ cho người đời sau nhớ nhiều nếu Đào Tấn không để lại một thứ: tuồng. Ông đã chấp nhận, sung sướng chấp nhận đồng hành trong đoàn lũ những "xướng ca vô loài" chỉ cốt để mua vui, mua buồn, mua đau xót, mua sự tự ý thức, tự thức tỉnh nơi những người xem tuồng, từ quan lại tới thứ dân, từ cung đình tới xóm xã. Người ta thấy hình ảnh Phan Đình Phùng trong hình tượng Triệu Khánh Sanh (tuồng "Diễn võ đình"). Người ta thấy Trương Công Định trong hình ảnh Trương Phi (tuồng "Cổ Thành"), người ta thấy Nguyễn Thân tên phản bội gian ác trong hình tượng Tiết (Bất) Nghĩa (tuồng "Hộ sanh đàn")… Người ta đã thấy cả cuộc đời đang diễn trên sân khấu, với bao hỉ nộ ái ố ai lạc và trong phút chốc, người ta được giải thoát. Hồi xưa, chưa có ti-vi, chưa có phim truyền hình nhiều tập (cỡ "Người giàu cũng khóc" hay "Nữ thám tử"…), nhưng người dân quê tôi đã được xem tuồng nhiều tập của Đào Tấn, như pho tuồng "Vạn bửu trình tường" gồm 108 hồi, diễn hàng mấy chục đêm mới hết. Xem thế còn sướng hơn cả xem phim truyền hình nhiều tập chứ lại! Mà trong khi xem còn được dịp "giao lưu" hay "chí chóe" với nhau nữa, càng tăng thêm tình làng nghĩa xóm. Ôi, "bao giờ cho tới ngày xưa", để được xem tuồng cụ Đào, được ngồi xổm trên bãi cỏ quê hương mà sướng mà khổ với từng nhân vật tuồng. Nếu Sếchspia vĩ đại đã vừa viết kịch bản vừa đạo diễn vừa làm diễn viên thì Đào Tấn cũng làm như vậy. Và nếu Sếchspia tiên sinh viết kịch thơ thì Đào Tấn tiên sinh cũng viết kịch thơ (tuồng là một thứ kịch thơ).

Tôi nghĩ nếu chúng ta làm công việc giới thiệu một cách "ngon lành" thì nhà viết kịch Đào Tấn của chúng ta sẽ có tầm cỡ thế giới, bởi trong lãnh vực này vốn hiếm hoi những người có tài lớn, những người không chỉ viết kịch mà còn cách tân sâu sắc loại hình nghệ thuật này. Đào Tấn là một nhà cách tân nghệ thuật tuồng. Vốn là con đẻ của nông dân (cha mẹ Đào Tấn theo nghề nông), nhưng do chăm chỉ học hành, lại được giao du, sinh hoạt từ nhỏ trong không khí của nghệ thuật tuồng tại quê hương Tuy Phước, nên Đào Tấn ngay từ nhỏ đã có "máu" tuồng, đã có những năng khiếu đặc biệt về tuồng. Khi lớn lên, học hành đỗ đạt thành danh, đi làm quan lại gặp một ông vua mê tuồng là Tự Đức, nên Đào Tấn có điều kiện để "chơi" cái nghệ thuật của mình, để trau dồi và làm điêu luyện nghệ thuật ấy. Nhưng Đào Tấn sẽ không bao giờ là nhà cách tân tuồng nếu ông không sống trong hoàn cảnh bi kịch của đất nước, nếu bản thân ông không thường xuyên sống trong nghịch cảnh, phải luôn tự dằn vặt mình, luôn phải đặt câu hỏi và phải tự tìm câu trả lời cho cuộc đời mình, đó cũng là câu trả lời cho nghệ thuật của mình. Người ta hay phân tích những mâu thuẫn trong thế giới quan của người nghệ sĩ, nhưng thực ra có điều này người ta khó biết, là người nghệ sĩ tự nguyện sống trong những mâu thuẫn ấy, chỉ vì nghệ thuật của họ. Luôn luôn, người nghệ sĩ phải đi giữa hai bờ của một dòng sông, luôn phải nghe những tiếng kêu từ hai phía, và luôn phải tìm cách để vang vọng lại. Những dằn vặt, những rắc rối, những do dự, những nhiệt huyết can trường và những nghẹn ngào cam chịu… tất cả đều chung sống trong tâm hồn người nghệ sĩ, người nghệ sĩ Đào Tấn, và chính từ đó, khi cầm bút viết tuồng, ông đã xây dựng được những nhân vật khác lạ, những tình huống kịch khác lạ, những "vào kịch" và "ra kịch" khác lạ. Đó là cách tân, đó là "đổi mới" như bây giờ chúng ta hay gọi một cách lạm dụng. Hãy đọc một đoạn độc thoại của nhân vật Trương Phi trong tuồng "Cổ Thành", chúng ta sẽ thấy ngay sự cách tân ấy của Đào Tấn. Mà nếu được xem trực tiếp đoạn này do một nghệ sĩ tài ba đóng, thì ấn tượng còn sâu đậm biết chừng nào! Chỉ trong một đoạn độc thoại ngắn mà nhân vật đã trải qua đến ba, bốn tâm trạng, những tâm trạng cùng lúc hiện diện, vặn xoắn vào nhau, vật vã nhau. Một nhân vật, với những động tác múa, hát, nói đã thực sự làm thành một cuộc chiến đấu, mà bãi chiến trường chính là nội tâm. Ở những đoạn cao trào độc thoại của "Hamlet", người ta cũng cảm nhận được bãi chiến trường nội tâm ấy. Nhưng tuồng hơn kịch nói hay kịch thơ ở chỗ nó còn dùng nghệ thuật múa. Và những động tác lặng lẽ đầy tính biểu hiện của nó, không phải trong nghệ thuật kịch nào cũng có được.

Có lẽ sinh thời, Đào Tấn đã tự hiểu mình làm quan chỉ là "giả" mà làm tuồng mới là "thật", nên ông đã di chúc lại: "Tàm quí nhân hô đế cựu thần" (Hổ thẹn khi người ta gọi mình là cựu thần). Ngược lại, chắc Đào Tấn rất tự hào khi người ta gọi ông là "thầy tuồng", là nghệ sĩ tuồng, nhà viết kịch bản tuồng, nhà đạo diễn tuồng. Và là bậc thầy, là lớn, rất lớn. Tôi có ông bạn già vong niên là nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn, chơi với nhau đã lâu, càng chơi tôi càng thấy ông "nhiễm" tuồng đến mức khó chữa. Mong sao những người bây giờ là "xưa nay hiếm" như ông luôn khỏe mạnh, để góp phần giữ gìn, bảo trọng nghệ thuật tuồng, bảo trọng những tác phẩm của người đồng hương vĩ đại của ông là Đào Tấn.

. Thanh Thảo

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Kéo pháo" - Một dấu ấn đẹp của mỹ thuật Việt Nam  (25/03/2004)
Bài hát "Hò kéo pháo" ra đời như thế nào   (24/03/2004)
Nhà văn Võ Hồng tuổi 83  (23/03/2004)
Tình yêu của tôi  (22/03/2004)
Nghệ thuật trạo ca Bình Định  (22/03/2004)
Cá chép vàng  (19/03/2004)
Nhà văn Phan Cao Toại đã viết kịch bản phim Hàn Mặc Tử như thế nào?   (18/03/2004)
Gặp lại những người vẽ huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ   (17/03/2004)
Tiếng vọng những mùa qua   (15/03/2004)
Thơ tình để trong cặp  (14/03/2004)
Nơi chốn để về   (12/03/2004)
Mảng thơ viết về phụ nữ trong Ngục trung nhật ký   (11/03/2004)
Mùa xuân Điện Biên năm ấy...   (10/03/2004)
Vài nét về bộ phim "Người hàng binh"   (10/03/2004)
Xuân Diệu và quê mẹ   (08/03/2004)