29 năm "Mùa xuân Quy Nhơn"
17:38', 28/3/ 2004 (GMT+7)

Một góc đường phố Quy Nhơn hôm nay (ảnh: Hứa Thiện)

Với bài hát "Mùa xuân Quy Nhơn", nhạc sĩ Dân Huyền là người đầu tiên mang niềm vui Quy Nhơn giải phóng đến với cả nước bằng thể loại âm nhạc. Nhân kỷ niệm 29 năm ngày giải phóng Quy Nhơn (31.3.1975 - 31.3.2004), chúng tôi đã có dịp trao đổi với nhạc sĩ Dân Huyền về bài hát này.

- Thưa nhạc sĩ Dân Huyền, anh là tác giả ở thủ đô Hà Nội, cách Bình Định hàng nghìn cây số, nhưng ngay trong ngày đầu Quy Nhơn giải phóng, anh lại có bài hát viết về Bình Định được nhiều người yêu thích. Xin anh cho biết hoàn cảnh ra đời của ca khúc này?

+ Viết về Quy Nhơn, viết về Bình Định đã có rất nhiều bài hát của các nhạc sĩ. Trần Chung với bài "Gởi má Bình Định", Vĩnh An - "Bên bờ sông Kôn", Văn Dung - "Màu nắng Quy Nhơn"… hoặc các bài hát của các nhạc sĩ ở Quy Nhơn, Bình Định như: Châu Đức Khánh, Vũ Trung… Điều làm tôi vui nhất là ca khúc của mình được nhiều người yêu thích. Tôi được nghe hát "Mùa xuân Quy Nhơn" ở các hội diễn nghệ thuật quần chúng của cả nước, lúc ở TPHCM, lúc ở Nha Trang, lúc ở Hà Nội…

Tôi sáng tác bài hát này vào đầu tháng 3-1975. Tết Ất Mão 1975, tôi được phân công cùng với nhạc sĩ Triều Dâng đi đặt các nhạc sĩ quê ở Bình Định hoặc đã quen biết với Bình Định, với Quy Nhơn viết về Quy Nhơn về Bình Định để chuẩn bị đón mừng tin chiến thắng của đồng bào, đồng chí mình ở Quy Nhơn, Bình Định. Lúc đó ngoài tôi ra, viết về Bình Định còn có bài của nhạc sĩ Lê Yên và Trần Hữu Pháp. Bài của Lê Yên do nghệ sĩ Phan Huấn hát, bài của Trần Hữu Pháp do Quốc Hưng hát và bài "Mùa xuân Quy Nhơn" của tôi do Quang Phát hát. Chúng tôi đã hoàn thành những bài hát ấy vào 10-3-1975. Ngày 15-3-1975 tôi đã lên một chương trình. Chương trình ấy có ba bài hát về Quy Nhơn -Bình Định để chào mừng chiến thắng ở Quy Nhơn và kèm một số bài hát khác về các tỉnh đầu tiên được giải phóng, được phát vào lúc 19h30 ngày 30-3-1975.

Tôi rất phấn khởi là đã được góp một phần nhỏ của mình với bà con Bình Định, mặc dù đến thời điểm đó tôi chưa một lần đến Bình Định.     Sau đó ba tháng, tôi có mặt trong đoàn công tác của Đài Tiếng nói Việt Nam vào các đài phát thanh và truyền hình của các tỉnh phía Nam. Tôi có ghé qua đài phát thanh Quy Nhơn và đã tặng cho Đài băng nhạc có bài "Mùa xuân Quy Nhơn".

- Như vậy bài hát "Mùa xuân Quy Nhơn" đã tròn 29 tuổi. Trong suốt thời gian ấy, anh đã có thêm sáng tác nào về Quy Nhơn?

+ Vừa rồi tôi có viết ca khúc "Quy Nhơn lạ mà quen" nói lên tình cảm của một người đi xa, khi trở về lại Quy Nhơn thì thấy lạ vì có nhiều đổi mới, nhưng mà rất quen thuộc vì đó là tình quê hương, màu sắc quê hương. Còn bài "Mùa xuân Quy Nhơn" là nói về không khí của những ngày mới giải phóng. Cũng xin nói thêm là ở bài "Mùa xuân Quy Nhơn", lúc ấy ít tài liệu quá cho nên tôi cũng chỉ nhắc được một vài địa danh Bình Định như: Tháp Chàm, rừng dừa, Mũi Én…

- Là người từng nhiều năm biên tập, giới thiệu các chương trình dân ca trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, anh có suy nghĩ gì về thể loại này trong giai đoạn hiện nay?

+ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa VIII đã đề ra chủ trương bảo vệ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Với trách nhiệm là người từng nhiều năm biên tập dân ca trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, vì sự nghiệp dân ca của cả nước cho nên tôi cố gắng sưu tầm, gìn giữ những bài hát dân ca để chuyền tải cho công chúng, và cho cả thế hệ mai sau.

- Là tác giả của nhiều bài dân ca hay, ở thể loại truyền thống này, anh rút ra được điều gì khi sáng tác?

+ Tôi cũng có viết một số bài dân ca. Vì yêu mến dân ca nên tôi hết sức chú ý về chọn giai điệu, nội dung cho phù hợp và mang tính hình tượng cao, đặc biệt là phải có ngôn ngữ dân gian và vần. Một bài nhạc mới đã có vần càng tốt, còn một bài dân ca càng cần phải có vần hay mới thuyết phục người nghe. Với hướng đó, tôi đã sáng tác được một số bài dân ca các vùng như: "Quan họ Bắc Ninh", "Em hát anh nghe", "Ngựa ô với chiến sĩ biên phòng", "Đêm Hà Nội nghe cung đàn Huế"…

- Xin cảm ơn nhạc sĩ và chúc anh tiếp tục có những bài hát hay về Bình Định cũng như các miền quê của đất nước.

. Mai Thìn - Thực hiện

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tuồng Đào Tấn trong cái nhìn hôm nay   (26/03/2004)
"Kéo pháo" - Một dấu ấn đẹp của mỹ thuật Việt Nam  (25/03/2004)
Bài hát "Hò kéo pháo" ra đời như thế nào   (24/03/2004)
Nhà văn Võ Hồng tuổi 83  (23/03/2004)
Tình yêu của tôi  (22/03/2004)
Nghệ thuật trạo ca Bình Định  (22/03/2004)
Cá chép vàng  (19/03/2004)
Nhà văn Phan Cao Toại đã viết kịch bản phim Hàn Mặc Tử như thế nào?   (18/03/2004)
Gặp lại những người vẽ huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ   (17/03/2004)
Tiếng vọng những mùa qua   (15/03/2004)
Thơ tình để trong cặp  (14/03/2004)
Nơi chốn để về   (12/03/2004)
Mảng thơ viết về phụ nữ trong Ngục trung nhật ký   (11/03/2004)
Mùa xuân Điện Biên năm ấy...   (10/03/2004)
Vài nét về bộ phim "Người hàng binh"   (10/03/2004)