"Giải phóng Điện Biên" - một bài ca bất hủ
10:28', 22/4/ 2004 (GMT+7)

Giải phóng Điện Biên

Bộ đội ta tiến quân trở về

Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui

Đó là những lời ca mở đầu của bài hát Giải phóng Điện Biên, một trong những sáng tác hay của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận - bản anh hùng ca tuyệt vời của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Chân dung nhạc sĩ Đỗ Nhuận

Đỗ Nhuận là một trong những nhạc sĩ đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn cận đại. Ông sinh ra và lớn lên tại Hải Dương - một vùng đất "địa linh nhân kiệt" và có truyền thống cách mạng. Thời trai trẻ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã nổi tiếng là một nhạc sĩ tài hoa. Nhưng, chính Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã mở ra một bước ngoặt lớn đối với cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tổ quốc vừa giành được độc lập chưa được bao lâu sau 80 năm đô hộ, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Nghe theo tiếng gọi của non sông và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chàng trai trẻ - nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã tạm gác bút nghiên và "tạm gác 5 dòng kẻ", hăm hở lên đường tham gia kháng chiến. Và thế là, nhạc sĩ Đỗ Nhuận trở thành người lính trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Cùng với cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ văn nghệ sĩ, Đỗ Nhuận đã tham gia khá nhiều chiến dịch. Khi thực dân Pháp lập ra tập đoàn cứ điểm chiến lược Điện Biên Phủ, cùng với toàn quân, toàn dân, nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận cũng tham gia chiến dịch lịch sử này.

Trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác một số bài hát, trong đó tiêu biểu là Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên… Nếu Hành quân xa là những lời động viên nhẹ nhàng, ngắn gọn, dễ hiểu, chân tình đối với cán bộ, chiến sĩ, giúp họ vượt qua những cuộc hành quân khó khăn, gian khổ, thì Trên đồi Him Lam là những dự cảm về một thắng lợi của quân đội ta đang đến gần. Hẳn bạn đọc còn nhớ những lời động viên qua Hành quân xa, với những ca từ thật giản dị: "Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/… chí căm thù bởi bọn thực dân nó áp bức/Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi". Và, đến Giải phóng Điện Biên thì đó là một bản hùng ca và là khúc khải hoàn ca chiến thắng.

Giải phóng Điện Biên đã được hình thành và ra đời trong hoàn cảnh, điều kiện như thế nào? Xuất xứ ra đời của Giải phóng Điện Biên đã được chính tác giả - nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho biết qua hồi ký "Âm thanh cuộc đời". Qua hồi ký của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết: "Ngày 7-5-1954, chúng tôi đang cuốc, rải đá, thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: 'Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!' Người tôi gai lên. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng. Tay búng chiếc violin, mồm cứ y ỷ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn (mì) lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết, vừa bóc sắn ăn". Và thế là, Giải phóng Điện Biên đã chính thức ra đời từ đó.

Bài hát được nhạc sĩ Đỗ Nhuận vận dụng một cách sáng tạo âm hưởng, làn điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo của đồng bằng Bắc Bộ. Bài hát có tiếng kèn thắng trận hùng tráng, nhịp điệu âm nhạc là nhịp chân của điệu múa xòe hoa, xen lẫn với nhịp bước hành quân… Riêng ca từ của bài hát thì thật đặc sắc, với hình ảnh của những chiến sĩ Điện Biên chiến thắng trở về; cảnh núi rừng Tây Bắc mừng vui với mùa hoa nở, nương lúa mới của bản Mường; hình ảnh đàn em bé và đoàn dân công tiền tuyến vẫy chào… Kết thúc bài hát, ca từ chợt vút lên thật hào hùng: "Núi sông bừng lên/Đất nước ta sáng ngời/Cánh đồng Điện Biên, cờ chiến thắng tưng bừng trên trời".

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận qua đời vào tháng 5 năm 1991. Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, ông đã để lại cho hậu thế và nền âm nhạc Việt Nam hàng trăm tác phẩm. Trong số những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc của ông có Giải phóng Điện Biên. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, trong đó có Huân chương Độc lập hạng II. Đặc biệt, Đỗ Nhuận là một trong số ít những nhạc sĩ Việt Nam được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (năm 1996).

Suốt 50 năm qua, Giải phóng Điện Biên đã được hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, người yêu âm nhạc các thế hệ ở Việt Nam đón nhận và thể hiện. Điều đáng lưu ý, Giải phóng Điện Biên đã được thể hiện với nhiều hình thức, thể loại: đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca, hòa tấu, dàn nhạc hợp xướng, dàn nhạc hòa tấu… Đặc biệt, trong khoảng ½ thế kỷ qua, giai điệu của Giải phóng Điện Biên đã trở thành nhạc hiệu của chương trình Phát thanh thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam. 50 năm đã trôi qua, nhưng Giải phóng Điện Biên vẫn được đông đảo cán bộ, chiến sĩ và người yêu âm nhạc yêu thích, trân trọng. Và chắc chắn rằng Giải phóng Điện Biên sẽ mãi mãi là bài ca bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam. Nhân kỷ niệm lần thứ 50 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn bộ nội dung ca từ của Giải phóng Điện Biên.

Giải phóng Điện Biên

Bộ đội ta tiến quân trở về

Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui

Bản Mường xưa nương lúa mới trồng

Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa

Dọc đường chiến thắng, ta tiến về

Đoàn dân công tiền tuyến vẫy chào pháo binh vượt qua

Súng đại bác quấn lá ngụy trang

Từng đàn bướm trắng quấn lá ngụy trang

Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc

Đồng bào nao nức mong đón ta trở về

Vui mừng đón chúng ta tiến về

Núi sông bừng lên

Đất nước ta sáng ngời

Cánh đồng Điện Biên, cờ chiến thắng tưng bừng trên trời

 

. Viết Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" - Cảm xúc dồn nén của 30 năm   (21/04/2004)
Thời sự văn nghệ   (20/04/2004)
Nguồn gốc bài hát "Giận mà thương"   (19/04/2004)
Máy bay Mỹ trên vùng trời Điện Biên Phủ  (18/04/2004)
Bệnh nhân số 13   (16/04/2004)
Thời sự văn nghệ   (15/04/2004)
"Người hùng" của điện ảnh Trung Quốc  (15/04/2004)
Điện Biên Phủ và văn nghệ hóa kháng chiến…   (14/04/2004)
Những trang viết về Điện Biên   (13/04/2004)
Thời sự văn nghệ:   (13/04/2004)
Tháng giêng xanh  (11/04/2004)
Còn có nhau   (09/04/2004)
"Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" - một kiệt tác của hội họa Việt Nam   (08/04/2004)
Thêm một cái nhìn khách quan về chiến thắng Điện Biên Phủ từ phía bên kia  (07/04/2004)
Thêm một cái nhìn khách quan về chiến thắng Điện Biên Phủ từ phía bên kia  (07/04/2004)