Tác giả kịch bản trẻ với phim Hoa và nước mắt
16:19', 22/4/ 2004 (GMT+7)

Lê Thị Minh Nghĩa thử bút từ những ngày còn đi học ở Quy Nhơn. Cô chập chững viết truyện ngắn, truyện dài. Ra mắt bạn đọc đầu tiên trên tạp chí Sông Hương (số 45-1991), văn nghệ Bình Định số Xuân 1992, sau đấy truyện của Minh Nghĩa đã có mặt ở Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ngãi và nhiều tờ báo khác. Năm 1993 Minh Nghĩa được dự Trại viết văn thiếu nhi của Hội Nhà văn (Đứa bé trong đêm, NXB Kim Đồng, 1993). Truyện vừa Khung trời hoa phượng đỏ (NXB Đồng Tháp, 1996) và trên hai mươi truyện ngắn chuẩn bị xuất bản, tưởng Minh Nghĩa đã khẳng định lối đi chắc chắn.

Bẵng đi một thời gian, Minh Nghĩa có trong tay ba kịch bản phim, trong đó kịch bản đầu tiên Hoa và nước mắt (đạo diễn Võ Việt Hùng) đã được Hãng phim Bến Nghé thực hiện cho chương trình Điện ảnh chiều thứ bảy. Đây cũng là kết quả của Minh Nghĩa sau Trại viết kịch bản phim tại Nha Trang (Hội Điện ảnh Việt Nam - 2002).

Thiên Hương, vai chính do Minh Thư đóng là cả trăn trở nghĩ suy của tác giả kịch bản. Thiên Hương đẹp, duyên dáng, sinh viên y khoa loại xuất sắc và sắp được du học. Thiên Hương đã thọ hưởng những gì tốt đẹp của người cha (bác sĩ Trần Nguyễn, Bá Lộc thủ vai), ở người mẹ: một cô gái nết na, hiền thục, diễn viên trường múa. Nhưng Thiên Hương lại không biết mình là con của bác sĩ Trần Nguyễn. Thiên Hương sống êm ấm tươi vui trong vòng tay của người "cha", một giám đốc tài năng và người mẹ hiền thục. Bỗng một hôm, "cha" Thiên Hương (vị giám đốc nọ) vào tù vì tội tham nhũng. Thiên Hương hoảng hốt trước một sự thật bất ngờ và đau lòng. Thiên Hương chỉ biết bấu víu vào người yêu, một kiểm sát viên đầy triển vọng của Viện Kiểm sát, cứu cha mình.

Tình yêu của họ được đưa vào tình thế bi kịch. Nếu không "ra tay" cứu cha vợ, tình duyên sẽ tan vỡ, Thiên Hương tuyên bố với người yêu như vậy, và nếu "cứu" một người thực sự phạm tội, anh chàng người yêu ấy sẽ ra sao? Nếu "cha" Thiên Hương phạm tội, cô cũng mất quyền đi du học ở Pháp.

Tác giả Hoa và nước mắt đã đưa ra một tình huống cực kỳ gay cấn cho thế hệ trẻ: Họ sống và hành động ra sao?

Giữa lúc ấy, người cha thật sự của Thiên Hương - GS Trần Nguyễn - từ Pháp trở lại quê hương. Ông không hề hay biết người yêu hai mươi mấy năm về trước đã có con với mình.

Quá khứ trở về: một mối tình tay ba, mẹ Thiên Hương, ông giám đốc trẻ, vị bác sĩ tài hoa… Vì sao đôi tình nhân tha thiết, thật sự thương nhau lại phải xa nhau và có một đứa con? Vì sao vị giám đốc trẻ, một người yêu đơn phương lại chiếm được diễn viên múa xinh đẹp?

Lê Thị Minh Nghĩa tâm sự: Lớp cha anh đã rải hoa trên đường mà lớp trẻ ngày nay được thọ hưởng. Nhưng không chỉ có hoa  mà còn có cả  nước mắt, còn đinh gai họ để lại trên đường đi. Lớp trẻ phải biết ơn những hương hoa mà cha anh để lại, đồng thời cũng tự tay mình nhổ đi những gai góc trên đường để đứng lên và thẳng bước.

Biết được Minh Nghĩa muốn giãi bày với đời nhưng cũng là nỗi niềm riêng tư của chính tác giả. Minh Nghĩa tiếp tục nhắc lại điều mà người cha (nhà giáo, nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít) thường dạy bảo: Nhà văn Nam Cao đã viết một câu chí lý: Con chim bay nhờ đôi cánh của nó, nhưng cô lại nghĩ: nhưng không có bầu trời cao lộng, không có không khí bao la thì làm sao chim bay được?

Viết kịch bản này, Minh Nghĩa đã gửi gắm lời biết ơn sâu nặng với lớp cha anh, bè bạn đã để cho cô một không gian rộng lớn (mà trong đấy có người thầy, người anh đạo diễn Phạm Thùy Nhân - Xưởng phim Giải phóng). Ở bầu trời thương yêu ấy, cô đang tập vỗ cánh vào đời...

. Hà Giao

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Giải phóng Điện Biên" - một bài ca bất hủ  (22/04/2004)
"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" - Cảm xúc dồn nén của 30 năm   (21/04/2004)
Thời sự văn nghệ   (20/04/2004)
Nguồn gốc bài hát "Giận mà thương"   (19/04/2004)
Máy bay Mỹ trên vùng trời Điện Biên Phủ  (18/04/2004)
Bệnh nhân số 13   (16/04/2004)
Thời sự văn nghệ   (15/04/2004)
"Người hùng" của điện ảnh Trung Quốc  (15/04/2004)
Điện Biên Phủ và văn nghệ hóa kháng chiến…   (14/04/2004)
Những trang viết về Điện Biên   (13/04/2004)
Thời sự văn nghệ:   (13/04/2004)
Tháng giêng xanh  (11/04/2004)
Còn có nhau   (09/04/2004)
"Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" - một kiệt tác của hội họa Việt Nam   (08/04/2004)
Thêm một cái nhìn khách quan về chiến thắng Điện Biên Phủ từ phía bên kia  (07/04/2004)