. Truyện ngắn của Ái Duy
"Hai mươi ngàn đô!". Tôi sửng sốt không tin vào tai mình.
Một lũ chị em gái của tôi đang cười ngả cười nghiêng với vô số giả thiết, tình huống mà họ tự tưởng tượng ra rồi bày nhau thêm thắt giải quyết. Tôi không biết mặt chị Hương Duyên, tác giả của những giai thoại gắn liền với con số trên, chỉ biết chị gọi ba tôi bằng chú họ xa, năm nay 49 tuổi vẫn còn độc thân, hiện đang trông coi một cái shop bán đồ lưu niệm nho nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh. Bỗng dưng trong lúc khẩn cấp, chị chợt nhớ ra rằng mình vẫn còn một ông chú ở cái thành phố biển xa xôi này và thế là có liền một cầu nối điện thoại với ba tôi. Chuyện hệ trọng quyết định cả một đời người chứ không phải giỡn chơi, sẽ diễn ra ngay trong những ngày cuối năm này, đúng mùa cưới, mùa tình yêu. Phương án hành động sẽ được triển khai ngay khi ba tôi đón chị về từ sân ga, còn đám đàn bà con gái nằm khểnh ở nhà chờ phân công nhiệm vụ với hàng tỉ ước mơ bay là đà theo hai mươi ngàn đô.
Tôi sẽ làm gì khi có trong tay chừng ấy tiền ư? Tôi không biết, không hình dung ra được; đơn giản là vì tôi không mê chuyện giả tưởng, và ví như có đi nữa thì những gì tôi cần, tôi thiếu lại không thể nào dùng hiện kim để so bì mua chác mà có được. Những ước mơ của tôi gắn liền với những phép màu không có thực trên cõi đời này và khó lòng mà thổ lộ, đánh đổi. Ai đó trầm trồ, với chừng đó tiền thì kỹ thuật hiện đại dư sức tân trang một cô lọ lem thành hoa khôi, chừng đó tha hồ mà chọn lựa hoàng tử. Hoặc thực tế hơn, lên xe xuống ngựa với người đưa kẻ rước, đời đâu thiếu kẻ đổi chác tình-tiền. Tôi lắng nghe và ngắm nhìn những giấc mộng trần thế xôn xao tràn trề chung quanh, bụng bảo dạ rồi sẽ đến lúc mình cũng được hưởng cái hạnh phúc đời thường như thế, công khai và hồn nhiên như thế.
Hương Duyên đến, hơi rụt rè và hiền lành khác xa hình ảnh một người đàn bà dám bỏ ra chừng ấy tiền để theo đuổi một cuộc phiêu lưu đầy thua thiệt và bất trắc, chỉ có mỗi một chuyện mà ai đoán cũng trúng: chị có một nhan sắc quá buồn thảm, nó tội nghiệp đến nỗi ai nấy lặng người quên cười nói mất mấy giây. Mái tóc mỏng nhàn nhạt buộc túm lại sau gáy để lộ vầng trán cao bóng loáng nhưng hơi vồ và đã chớm hói, một khuôn mặt trơ trọi lợt lạt không chút điểm tô trau chuốt, mắt mũi môi nét nào cũng mờ, cũng cũ; nhìn chị cứ như soi vào tảng đá không còn hình thù nguyên thủy bởi đã được bào mòn qua bao thử thách và thời gian. Chị mặc áo thun ba lỗ lõng chõng màu trắng ngà, quần short bằng vải kaki, chân dận giày thể thao đế dày cui; y như một ông Tây ba lô chính hiệu vừa ngao du qua mấy nước châu Phi. Tôi nhìn chị rồi nhìn nước da bánh mật của mình, thầm cảm tạ trời đất hãy còn khoan hồng với mình lắm lắm. Chị đen ngon đen ngọt, người gầy gò nhưng săn chắc, nhanh nhẹn; tác phong mạnh mẽ và đầy nam tính, lập lòe điếu thuốc cháy dở trên môi.
Không có nhiều thời gian, mọi người bắt đầu được phân công vào việc sau khi chị nhỏ nhẹ trao đổi với ba má tôi. Đại để, chỉ là một cuộc hôn nhân hữu danh vô thực để hợp thức hóa thủ tục bảo lãnh hôn thê ra nước ngoài, bởi chị không còn con đường nào khác để xuất cảnh. Anh chị em của chị trước đây người du học kẻ vượt biên, họ chỉ đủ điều kiện để bảo lãnh cho cha mẹ già đoàn tụ mà thôi. Chị đã năm lần bảy lượt kiếm đường ra đi, trong đó lần may mắn nhất là toàn mạng đến trại tỵ nạn ở Philippin và bị giam lỏng ở đó hơn bảy năm trời trước khi được hưởng chế độ hồi hương. Theo lời chị thì vì sự thúc bách của gia đình nên phải áp dụng hạ sách thuê mướn chứ chị cũng chẳng tha thiết gì, đi hay ở đều như nhau, không có gì khác.
Người đàn ông là một Việt kiều có quốc tịch Mỹ đã được giới thiệu qua một dịch vụ tin cẩn xuyên quốc gia, sẽ về nước ký một hợp đồng trị giá hai mươi ngàn đô để đóng vai chồng của chị. Chị sẽ chồng đủ không thiếu một cắc sau khi ra đi hợp pháp tới xứ người. Chị phải tránh tai mắt thiên hạ bằng cách ra Nha Trang tiến hành làm lễ đính hôn, phải có được một bộ ảnh ghi lại đầy đủ tiến trình buổi lễ theo nghi thức cổ truyền để bổ sung hồ sơ như yêu cầu. Mọi thứ cần thiết, tức gồm cả cảnh và người, phải xong xuôi trước tám giờ sáng mai để nghênh đón tân lang của Hương Duyên. Cả nhà tôi hăm hở vào cuộc, trước làm việc thiện, sau được tham gia lẫn chứng kiến một cuộc vui mà chẳng phải tốn kém gì. Không khí trọng đại tưng bừng làm mọi người gần như quên đi mục đích của ngày đại hỷ.
***
Đó là một buổi lễ đính hôn không khác là mấy không khí tập tuồng trên sân khấu của một gánh hát gia đình.
Chú rể đi tàu Thống nhất cả đêm đã được áp tải về từ sáng trong rất nhiều cái thở phào nhẹ nhõm kín đáo của mọi người, xin phép ngủ bù trong phòng chờ đến giờ hoàng đạo. Trông chàng đẹp lão và tự nhiên thoải mái như một doanh nhân trước thương vụ thắng chắc quen thuộc, không sượng sùng bối rối như cô dâu Hương Duyên. Ai cũng lảng đi chỗ khác mỗi khi chị nói nhỏ nhỏ vào tai chú rể, còn chú rể thì cứ cười cười nhìn lại mọi người vẻ kẻ cả xuê xoa.
Em gái kề tôi được giao nhiệm vụ làm đẹp cô dâu, nó xách theo cả va li đồ nghề như dân chuyên nghiệp, đưa chị vào phòng trang điểm từ sớm; lâu lâu lại thấy dội bật ra ngoài tiếng nhăn nhó, than thở, đau khổ y như một họa sĩ đang trót trải cảm hứng của mình trên một tấm toan tồi. Lại nghe rộ lên những lời bình phẩm về giá cả mắc rẻ của thương vụ, rằng thì là nếu qua đó được rồi mà vị hôn thê này cứ quyết chí không chịu ly hôn theo hợp đồng thì có khi lại được hoàn trả cả vốn lẫn lời cũng nên.
Phòng khách đã được treo đèn kết hoa, lấp lánh các dòng chữ thông báo nội dung đại lễ, họ tên đối tác và ngày tháng ký kết bằng kim nhũ trên tường, cạnh đó là hình dán một cặp chim có lông đuôi dài tua tủa đang gác mỏ nhau, đối xứng hai chữ "song hỷ" nghênh ngang. Bàn thờ tổ tiên sáng trưng, trầm hương đã được xông. Cặp đèn cầy chạm trổ long phụng tượng trưng cho tân lang và tân giai nhân đang sẵn sàng chờ người chủ lễ thắp lên theo đúng phong tục.
Ba tôi đang tập hợp hết con cháu rảnh rang trong nhà lại ôn luyện nhắc nhở vai vế, ai cũng nghiêm chỉnh trong quốc phục, rạng rỡ tươi cười. "Đây, X, Y, Z… đứng qua bên này làm nhà trai, chút nữa sáu đứa bưng sáu quả xếp hàng ngoài đường cạnh mấy chiếc taxi chụp hình với chú rể rồi thủng thẳng đi vô nhà đặt quả lên lại cái bàn đó, từ từ mở khăn mở nắp. Mấy đứa còn lại làm nhà gái đứng thành hai hàng bên cổng đón khách vào, ai dư tay thì bắt cho nó giống… Cười vừa vừa thôi, ồn ào quá. Mấy đứa nhỏ không chạy lăng xăng nữa để người ta còn chụp hình quay phim chớ".
Má tôi còn phải kiểm tra lại các món ăn vừa được nhà hàng mang tới. Bốn cái bàn tròn với bốn chục chỗ ngồi để đãi đằng hai họ sau khi làm lễ đã được kê gọn trong phòng, trên mỗi bàn phủ khăn trắng đều có lọ thủy tinh cắm một bông hồng đỏ thẫm rất đúng điệu. Tôi vốn lẻ bạn, tự giác tránh mặt các cuộc vui mang tính đại sự để khỏi mang lại điềm gở cho người trong cuộc nên hay bị phân xuống nhà bếp, thỉnh thoảng nghe rộ lên tiếng cười nói lại sốt ruột chạy lên hóng chuyện.
Cuối cùng thì mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất.
Hai nhân vật quan trọng đang từ từ xuất hiện phía trên đầu cầu thang. Cô dâu đi trước, rón rén giữ vạt áo dài gấm đỏ và hai cái ống quần rộng phất phơ, khập khễnh đôi giày cao gót. Tóc giả bới cao cài trâm lộng lẫy. Trời hỡi, chuyên gia trang điểm đã góp bao nhiêu phần trăm để biến cái tảng đá trần trụi này thành một tác phẩm điêu khắc loang lổ sắc màu ngộ nghĩnh đến vậy. Chú rể theo sau, veston xám, cà vạt đỏ, thêm cặp kính trắng, hoàn toàn tự tin chững chạc khoác tay cô dâu trông rất xứng đôi. Chàng thợ chụp hình thì buồn ảo não và cứ thở dài liên tục mỗi khi nhìn về phía đối tượng của mình.
Kịch bản không có gì thay đổi. Năm chiếc taxi được gọi tới nối đuôi nhau ngoài đường. Lũ lượt một hàng người xếp thứ tự bưng quả phủ khăn điều lóng lánh khệ nệ tươi tỉnh bước qua cổng hoa, nhà gái xếp thành hai hàng duyên dáng chào đón. Ánh flash chớp liên tục.
Tất cả đều hoàn hảo. Mọi người nghiêm trang tươi tỉnh trước ống kính, lục tục đi theo sau lưng tân lang tân giai nhân vô nhà.
Bỗng dưng một người phát hiện kêu lên: "Ủa, sao không cài hoa lên áo cho chú rể? Trụi lủi vậy rồi nhìn vô thấy năm, bảy người mặc đồ vest biết chú rể là ai đâu?". Ai nấy ồ à lên hưởng ứng. "Chết rồi không nhớ, đáng lẽ phải lấy cả mớ hoa vải kết sẵn ngoài tiệm cho thuê đồ cưới về phát cho hai họ cài lên áo, bên hồng bên đỏ đặng lên hình dễ phân biệt. Đứa nào phụ trách khâu này mà đoảng dữ vậy?". "Thôi thôi, không cãi nữa, kiếm tạm đâu đó một cái bông giắt lên túi áo cho chú rể cũng được, chụp vài cái hình thôi mà".
Kiếm ở đâu ra trong thời khắc trọng đại này một bông hồng?
"Có rồi!", ai đó reo lên sung sướng. Ngay lập tức, cái bông hồng hàm tiếu duy nhất trong chiếc độc bình trên bàn ăn được lôi lên và vặt đứt lìa ngang cuống không thương tiếc. Nó nhanh chóng được chuyển đi và chễm chệ ngự lên ngang ngực áo chú rể trong sự tán thưởng của cử tọa. Đóa hồng đỏ thẫm, ngác ngơ phập phồng gác ngang miệng túi áo vest. Khuôn mặt vô cảm của cô dâu hình như hơi lay động. Buổi lễ vẫn tiếp tục được tiến hành suông sẻ.
Tôi đứng sau lưng tất cả mọi người, cúi nhặt cành hoa hồng bị vứt trong góc nay chỉ còn trơ lại những chiếc lá xanh mơn mởn lên và cắm nó lại vô bình bên cạnh mấy nhánh măng tây rung rinh, lặng ngắm bình hoa có một không hai giữa tiệc cưới. Nơi đầu cuống, chỗ cái hoa bị ngắt đi vẫn còn để lại dấu vết dập nát xơ xác và cẩu thả, ứa ra mấy giọt nhựa cây trong vắt. Một cái bình hoa không có hoa giữa bàn tiệc lộng lẫy. Sao tôi vẫn thấy nó đẹp nguyên vẹn và có phần kiêu hãnh như chưa hề bị mất đi cái mà người ta vẫn cho là giá trị duy nhất của một kiếp đời.
Nếu tôi có hai mươi ngàn đô và cuộc sống của tôi bói không ra một đóa hồng như chị Hương Duyên? Tôi không biết, nhưng tôi không phải là kẻ mộng mơ và phiêu lưu…
. A.D |