Năm 1988, thời còn Nghĩa Bình, sau một tuần rượu suông với vài trái ổi xanh tại khu tập thể của Sở VHTT, Nguyễn Thanh Mừng thủ thỉ với tôi (Mừng xưa nay vẫn lấy "thủ thỉ làm gốc" trong các cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè): "Trong vòng 10 năm nữa, nếu không ra được một tập thơ thì mình bỏ làm thơ luôn!".
Khẩu khí ấy ít khi gặp ở Mừng. Có lẽ dạo ấy anh cùng với nhà thơ Chế Lan Viên vừa hoàn thành tập tuyển chọn Thơ Bích Khê, trong đó Mừng có đọc mẩu chuyện kể về Bích Khê rằng Bích Khê đã thề với Hàn Mặc Tử là trong vòng 6 tháng tới, nếu không ra được tập thơ thì nghỉ làm thơ luôn. Trước khi Bích Khê thốt lên lời thề "có một không hai" này, Hàn Mặc Tử đã chê thậm tệ về một tập thơ của Bích Khê gửi tặng và có nhờ ông viết lời tựa. Mừng thì chẳng một ai chê thơ anh để anh có câu thề như thế. Nhưng tôi biết có một nỗi khao khát đang đốt cháy lòng anh từng giờ. Đó là muốn sống chết với thơ, muốn được thử sức mình trước cái biển cả mênh mông chữ nghĩa, vừa thiêng liêng nhưng cũng hết sức phù du này.
|
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng |
Hơn 10 năm qua, lời thề bên rượu nóng với ổi xanh ngày nọ, Mừng đã thực hiện được, không những in một tập mà những hai tập thơ. Và anh đã thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - người đầu tiên của sinh viên khoa Văn - Đại học Tổng hợp Huế giật được "cửu phẩm" (cho đến nay thì sinh viên Trường Tổng hợp Huế cũng chỉ có 4 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó "nhà Mừng" chiếm hết hai rồi, 2 xuất còn lại là nhà thơ lùn phố núi Văn Công Hùng và Tiến sĩ văn học Hồ Thế Hà - cũng người Bình Định - đang giảng dạy khoa Ngữ văn, Đại học Khoa học Huế). Để có được hai tập thơ trong 10 năm ấy, dĩ nhiên là Mừng phải lao động cật lực, song ít ai biết rằng, cái phần thơ bên ngoài hai tập "công khai" ấy, Mừng cũng đã có gần 10 năm trước đó, quăng quật với thơ, cũng đã "bí mật", cũng đã "lén lút" làm thơ. Những bài thơ ấy đã và đang nằm trong các cuốn sổ tay của nhiều thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp Huế. Tôi gọi đó là những bài thơ "còn hoài trong vở", vì nó chưa từng được đăng báo, cũng chưa từng được tác giả đưa vào một tập thơ nào. Nếu chọn in thành một tập, tôi nghĩ sẽ có nhiều bạn sinh viên học sinh tìm đến với tập thơ ấy.
Tôi từng sống với Mừng trong những năm trệu trạo với bo bo và củ mì Nam Đông ở Huế. Và, trong bộ nhớ mù mịt thuốc lá và rượu gạo của mình, tôi vẫn còn lưu giữ những bài thơ trong trẻo ấy. Xin được hầu bạn đọc Báo Bình Định chung quanh những bài thơ "còn hoài trong vở" của Nguyễn Thanh Mừng.
Những năm học ở Huế, có một quãng thời gian tôi và Mừng cùng ở trọ trong một ngôi biệt thự khá sang trọng của một ông chủ quán cà phê trước cổng trường. Đúng ra là ông ta thấy hai con ma cà bông lếch tha lếch thếch, lúc nào cũng nhăng nhít thơ phú mà thương tình cho ở miễn phí ngôi biệt thự ấy để chờ ngày bán. Dạo ấy thiếu thốn đến mức, tiêu chuẩn gạo một tháng của hai thằng chỉ nấu ăn được một tuần là hết nhẵn. Tôi phải vù về Quảng Ngãi để "tiếp đạn", còn Mừng ở lại một mình trong ngôi nhà dễ có đến 500 mét vuông ấy. Ba ngày sau, tôi trở lại Huế. Bà chủ nhà hỏi: "Mấy bữa ni đi mô mà không thấy?". Tôi thưa với bà là về quê lấy gạo và muối mè chứ hết gạo rồi! Bà thè cái lưỡi như con rắn hổ mang: "Hèn chi mấy bữa ni tui thấy chú Mừng ăn toàn bánh trung thu!". Ăn bánh trung thu thời ấy là "sang" lắm, nhưng ăn đến 3 ngày thì chỉ có … nhà thơ mới ăn nổi vì sẽ bị táo bón ngay. Dĩ nhiên là Mừng ký nợ chứ nếu có tiền thì chàng vù xuống chợ An Cựu mua gạo rồi. Không biết có phải vì bị táo bón do 3 ngày phải thúc thủ với bánh trung thu không mà Mừng làm thơ như điên. Tôi nhìn quyển vở học trò của anh thì thấy nhằng nhịt những con chữ bị gạch xóa. Xin được trích một đoạn trong bài: "Giấc ngủ chập chờn".
Những người giấc ngủ chưa tròn
Đêm đêm đọng lại lo toan cho ngày
Những vầng trán vắt bàn tay
Nghĩ cho sau trước hôm nay xa gần
Từ trong giấc ngủ dở dang
Bao nhiêu trăn trở vẫn mang nụ cười…
Tôi trêu Mừng: "Tớ cứ tưởng cậu đói quá mới ngủ chập chờn, không ngờ cậu lại vượt ra ngoài cơn đói để … thành thơ!". Mấy hôm sau, khoa Văn tổ chức đêm thơ, một anh bạn "chơi" luôn một lời bình về bài thơ này, dài đến 15 phút! Trong đói khổ mà vẫn trăn trở những điều vượt ra ngoài cơm cháy nhà bếp như thế, cả khoa Văn hồi đó, chỉ có mình Mừng nghĩ! Với riêng tôi, tôi còn biết thêm điều này: Trong những giấc ngủ chập chờn ấy, chuyện "quốc gia đại sự" thì cũng có nghĩ tới, song ít thôi. Cái mà làm cho cả Mừng và tôi đều "chập chờn" là những bóng hồng kia!
Tâm hồn em như tờ lịch bốn mùa
Mỗi ngày đến thêm một điều mới lạ
Anh xin nhận một ít hương ít lá
Và xin cài lên ngực cả trời thu
(Mùa thu của anh)
Cái bóng hồng ấy - tôi từng biết - đúng là "như tờ lịch bốn mùa" thật (mà "bóng hồng" nào của thời đi học chẳng như tờ lịch bốn mùa kia chứ?). Vì luôn "thay đổi thời tiết" khiến cho chàng thi sĩ đa tình lắm lúc cũng lên bờ xuống ruộng. Song những hy vọng, những tin yêu thì vẫn luôn gắn bên lòng:
Anh ra đi với mơ ước thênh thang
Dải mây xanh và những vòm lá đỏ
Lại thương má, lại thương em bé nhỏ
Dù nơi nào cũng gặp những tin yêu
(Tin yêu)
Thương mẹ và yêu em, hình như đó là điều không thể thiếu trong các bài thơ của Mừng - và cũng là của tất cả những người làm thơ. Có những câu thơ "còn hoài trong vở" của Mừng đã ám ảnh tôi mấy mươi năm rồi. Nhà thơ nào cũng thương mẹ, nhưng lo cho mẹ như anh thì hiếm quá:
Con ít về gió thổi suốt bờ xe
Chim gõ kiến trong vườn dừa gõ mãi
Chim ơi chim chiều nay đừng về núi
Để tối rồi má đỡ chút buồn lo.
Chim thì rồi cũng phải về núi thôi. Cũng như chúng ta rồi cũng phải về phố. Chỉ có mẹ ta là vẫn ở quê với lam lũ ruộng vườn. Mừng nhỉ?
. Phạm Đương
(Quảng Ngãi 4-2004) |