Một sự liên tưởng khá "lạ" giữa những ngọn tháp Chăm đang sừng sững bên trời qua ngàn năm mưa nắng của miền Trung với thơ Đường - cũng sừng sững ngàn năm trong lòng những tín đồ của thi ca trên khắp thế giới. Đó là sự liên tưởng của bạn Nguyễn Huyền Thạch ở Quảng Ngãi. Bình Định điện tử xin giới thiệu cùng bạn đọc sự liên tưởng "lạ lùng" này.
Khôn khéo hơn Kim Tự Tháp của Ai Cập, Tháp Chàm đã không dại gì cất giấu trong lòng mình những xác ướp của các Pharaon hay những viên hồng ngọc. Tháp Chàm có lối cất giấu riêng giá trị vô song của mình bằng cách hiện ra lồ lộ trong nắng quái chiều hôm, trên những cánh đồng xanh rờn ngô lúa của miền quê Bình Định. Có thể một phần nhờ thế, Tháp Chàm đã tránh khỏi số phận thường có của những động vật quý hiếm đang bị săn đuổi trên khắp cùng mặt đất!
Ngày một đông hơn, nhiều du khách trong và ngoài nước, nhiều nhà thơ và quá nhiều nhà báo, nhiều sử gia và không ít những chuyên gia khảo cổ học đã tìm đến Tháp Chàm với tình yêu và lòng ngưỡng mộ của kẻ hành hương tìm về Thánh địa, hay có khi chỉ bởi tính tò mò của những kẻ đã chán ngán cảnh phồn hoa.
Tháp Chàm vừa tự giấu mình trong vẻ bất động âm u của một thứ vật thể trơ lì trong không gian, vừa hiện ra hùng dũng như những tảng băng sơn khổng lồ lùi lũi trôi đi trong thời gian, thách thức những con tàu do thám của thế giới văn minh.
Kiến trúc của Tháp Chàm không bao gồm mái che, chúng đứng trơ ra đó, lạnh lẽo giữa nắng mưa, hứng chịu sự tấn công của bốn mùa. Nhưng trong cách thế xuất hiện của vẻ cam chịu ấy, Tháp Chàm đã chia sẻ với chúng ta một tình cảm ấm áp trước sự phù du của những triều đại, sự đổi thay chóng vánh của những thế hệ con người.
"Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương"
So với Kim Tự Tháp hoặc Vạn Lý Trường Thành, quần thể kiến trúc của Tháp Chàm thật nhỏ bé, giản dị và hiền hòa như những cộng đồng đã cùng nhau làm nên chúng. Điều chắc chắn là với một công trình giản dị như thế, người ta đã không hao phí quá nhiều máu, mồ hôi và nước mắt để thể hiện sức mạnh của vua chúa, chiều dài của lãnh thổ hay đỉnh cao của trí tuệ. Tháp Chàm có hình dáng hơi giống với những đầu người đội mão, phần thân hình đã bị chìm sâu xuống lòng đất, đang lặng lẽ nhìn những cánh đồng lúa chín, nơi những cư dân đang hái gặt vụ mùa.
Giờ đây, những chiếc thảm thần đã bay khỏi trái đất và thay vào đó là những chiếc phi cơ. Theo G. Marquez, các báu vật của thế giới huyền thoại đã lần lượt từ biệt chúng ta; và cây đèn thần nào phải tắt, viên ngọc thần chưa hẳn đã vỡ, dường như chúng đã học được cách ẩn mình trong một thế giới khác, trong một kênh khác của thời gian. Hệt như những "linh hồn văn hóa" đang lang thang trong những chiếc rìu đá, những trống đồng, những bình gốm, lọ nung, Tháp Chàm và những câu thơ Đường cách đây cả ngàn năm vẫn còn đầy sức sống, sẽ vừa đồng hành với chúng ta đến tương lai trong thế giới ngày càng huyên náo mà vẫn giữ được vẻ im lặng thanh bình qua mã ngôn ngữ của kiến trúc hay của văn tự.
Ngôn ngữ của Tháp Chàm hay ngôn ngữ của Đường Thi là thứ ngôn ngữ vừa bày tỏ vừa ẩn giấu, nhấp nhô giữa hiện thực và huyền thoại, giữa quá khứ đang ở phía trước và hiện tại luôn lùi dần phía sau trong một trục thời gian khác biệt. Đó có thể là tiếng đàn tỳ bà mà Bạch Cư Dị đã may mắn nghe ra ngay đúng vào lúc nàng kỹ nữ vừa ngừng gảy khúc trên bến Tầm Dương
"Thử thời vô thanh thắng hữu thanh"
(Tiếng trong im lặng giờ hơn tỏ bày)
Tháp Chàm mang dáng dấp của một câu hỏi được đặt trên những cánh đồng. Trong Đường Thi cũng thường xuyên xuất hiện những câu hỏi, những câu hỏi không nhất thiết phải được trả lời; những câu hỏi mênh mang như ánh trăng trên sông, rực rỡ tự bao giờ:
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân
(Xuân giang hoa nguyệt dạ - Trương Nhược Hư)
(Ai là kẻ đầu tiên
Bên bến thấy trăng lồng
Năm nào lần thứ nhất
Trăng chiếu người trên sông)
Có vẻ như không phải chỉ nửa bán cầu mà cả trái đất được tắm mình trong ánh trăng:
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh
(Trên dòng sông cuộn chảy
Nơi nào chẳng sáng trăng)
Những câu hỏi về sự ra đi biền biệt của con người trong không gian:
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
(Đề tích sở sở kiến xứ - Thôi Hộ)
(Bóng người giờ biết về đâu?)
Hoặc sự mong manh của con người trong thời gian :
Xuân thảo minh niên lục
Vương tôn quy bất quy
(Xuân sang năm cỏ xanh rờn
Vương tôn không biết có còn về không)
Và đôi khi chúng ta thoáng thấy niềm u ẩn của Tháp Chàm hay vẻ đẹp của Đường Thi trên gương mặt của những con người đâu đó trong cuộc sống này, cùng với chúng ta chia sẻ khổ đau và hạnh phúc.
. Nguyễn Huyền Thạch
(Quảng Ngãi, 4.2004) |