Bài hát "Tiến về Sài Gòn" ra đời khi nào?
18:43', 26/4/ 2004 (GMT+7)

Trước chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều chiến sĩ quân giải phóng miền Nam nhớ mãi giai điệu Tiến về Sài Gòn với tiết tấu hùng tráng như lời hiệu triệu, khích lệ họ băng lên phía trước, quyết chiến thắng.

Và hơn 20 năm nay, cứ mỗi dịp đất nước tưng bừng chào đón ngày giải phóng miền Nam 30-4 thì lòng người Việt Nam không ai không nô nức khi nghe giai điệu thân quen mà hào hùng của bài ca bất hủ Tiến về Sài Gòn. Tuy nhiên, lâu nay ít ai nghĩ rằng, không khí hân hoan cảm động trong bài hát: "Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười. Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày. Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây…", lại cách xa thời điểm sáng tác tới 9 năm (năm 1966).

Thế mạnh của ca khúc này chính là ở tính nhạy bén chính trị, song hành theo dòng lịch sử của cách mạng Việt Nam với tính chiến đấu cao, thúc giục thế hệ trẻ xông pha lên đường tranh đấu cho Tổ quốc.

Người viết ca khúc tiên đoán ngày chiến thắng hoàn toàn ấy chính là Huỳnh Minh Siêng, tức nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Ông sinh ngày 12 tháng 2 năm 1921 tại Hậu Giang. Nguyên giáo sư, Viện trưởng Viện âm nhạc, Chủ tịch Hội đồng âm nhạc quốc gia... Ông là một trong những nhạc sĩ đầu đàn của giới nhạc sĩ Việt Nam, đại diện cho phái âm nhạc Nam Bộ trong thời điểm khởi đầu của nền tân nhạc. Sở trường về hành khúc, Bạch Đằng Giang là ca khúc nổi tiếng (1940) của ông và tiếp theo là một loạt các hành khúc trong hai cuộc cách mạng chống Pháp và chống Mỹ: Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Tuổi hai mươi, Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Lãnh tụ ca, Tình Bác sáng đời ta... đã trở thành những hành khúc và những chính ca suốt một thời của các thế hệ thanh niên Việt Nam.

Năm 1963, Lưu Hữu Phước - khi ấy đã có vợ và 3 con nhỏ - với cương vị lãnh đạo mặt trận Văn hóa - Văn nghệ miền Nam Việt Nam, đã vào Nam hoạt động cách mạng. Trong những năm tháng ác liệt nhất của bom đạn, ông vừa tham gia chiến đấu vừa miệt mài và thầm lặng viết nên những bài hát tràn đầy tinh thần lạc quan, nhằm động viên cổ vũ quân và dân miền Nam bền lòng vững chí.

Hàng loạt sáng tác nóng hổi của ông được gởi ra miền Bắc với bút danh Huỳnh Minh Siêng. Đúng ra là bí danh, với 3 chữ đầu là tên 3 người bạn thân trước đó: Huỳnh - ông Huỳnh Văn Tiểng (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam), Minh - giọng Nam là Mai (ông Mai Văn Bộ, nguyên đại sứ CHXHCN Việt Nam tại Pháp) và Liêng - đọc theo giọng Nam là Lưu - tức tên ông: Lưu Hữu Phước. Quá trình gởi bản thảo ra Bắc, do chữ "Liêng" bị nhòe thành "Siêng" nên từ đó cái tên Huỳnh Minh Siêng ra đời.

Từ khi "Tiến về Sài Gòn" được sáng tác, đến mùa Xuân năm 1975 là vừa tròn 9 năm. Một sự tiên đoán hoàn toàn chính xác đến tuyệt đối, đã làm cho chính quyền Mỹ - ngụy sau này phải bàng hoàng. Cũng bằng niềm tin và sự nhạy cảm của một chiến sĩ - nghệ sĩ, trước đó (vào năm 1961) ông đã từng tiên đoán ngày thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta qua bài hát "Giải phóng miền Nam".

Có thể nói giá trị to lớn nhất của âm nhạc Lưu Hữu Phước là ở vai trò của một người đánh thức, một kẻ dẫn đạo. Nhiều nhạc sĩ cách mạng có tên tuổi hiện nay, về điểm này, phải chịu ơn ông, và nói cho cùng cả một thế hệ thanh niên cách mạng trái tim đã đập theo nhịp hành quân của Lưu Hữu Phước. Và nếu muốn chỉ ra một nhân vật lớn nhất của loại nhạc tranh đấu thì đó chính là Lưu Hữu Phước. Và không một ai có thể xứng đáng danh hiệu cao quý "nghệ sĩ - chiến sĩ" hơn ông.

. Trần Xuân Toàn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tháp Chàm và Đường Thi   (26/04/2004)
Nguyễn Thanh Mừng và những bài thơ "còn hoài trong vở"  (25/04/2004)
Tìm một đóa hồng   (23/04/2004)
Kỷ niệm về sự ra đời bài hát "Tiến bước dưới quân kỳ"   (23/04/2004)
Tác giả kịch bản trẻ với phim Hoa và nước mắt   (22/04/2004)
"Giải phóng Điện Biên" - một bài ca bất hủ  (22/04/2004)
"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" - Cảm xúc dồn nén của 30 năm   (21/04/2004)
Thời sự văn nghệ   (20/04/2004)
Nguồn gốc bài hát "Giận mà thương"   (19/04/2004)
Máy bay Mỹ trên vùng trời Điện Biên Phủ  (18/04/2004)
Bệnh nhân số 13   (16/04/2004)
Thời sự văn nghệ   (15/04/2004)
"Người hùng" của điện ảnh Trung Quốc  (15/04/2004)
Điện Biên Phủ và văn nghệ hóa kháng chiến…   (14/04/2004)
Những trang viết về Điện Biên   (13/04/2004)