|
NSƯT Đào Duy Kiền (thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương và lãnh đạo tỉnh Bình Định |
Theo cha tập kết ra Bắc năm 1954 lúc 12 tuổi, tuy gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng từ năm 17 tuổi, Đào Duy Kiền đã gắn cuộc đời mình với âm nhạc Tuồng và sân khấu Tuồng. Tất cả đã là hơi thở, là cuộc sống của anh.
NSƯT Đào Duy Kiền nhớ mãi cái ngày anh trúng tuyển vào trường Ca Kịch Dân tộc Việt Nam (khóa đầu tiên - năm 1959). Thế là ước mơ trở thành nghệ sĩ, được hoạt động nghệ thuật ấp ủ từ bé trong lòng chàng trai đất Cam Lộ - Quảng Trị đã bước đầu thành hiện thực. Sau những tháng ngày cặm cụi văn ôn võ luyện, tốt nghiệp, Đào Duy Kiền được phân về Đoàn Tuồng Liên Khu V (đang đóng đô ở Hà Nội). Trong chiếc nôi nghệ thuật Tuồng miền Trung, nơi quy tụ hầu hết diễn viên và nhạc sĩ tài năng của đất Tuồng Trung Bộ, được nhạc sĩ lão luyện Văn Bá Anh, Lưu Hạnh và một số nhạc công khác nhiệt tình chỉ bảo, Đào Duy Kiền mau chóng hòa nhập vào dàn nhạc của đoàn.
NSƯT Đào Duy Kiền muốn nói lời cảm ơn với quãng thời gian đã qua. Với anh, đó là những ngày tháng thật đẹp. Ngoài công tác chuyên môn là sáng tác, chỉ huy dàn nhạc, anh còn đảm trách qua nhiều chức vụ ở Nhà hát Tuồng (NHT) Đào Tấn, từ phó đoàn biểu diễn, phó phòng nghệ thuật, trưởng đoàn, rồi Phó giám đốc nhà hát. Nhiều khóa liền anh là Bí thư chi bộ của nhà hát. Cho dù ở cương vị nào anh cũng thể hiện sự tận tụy, hết mình với công việc.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu học thuật tuy không phải là nghề "tay phải" của anh, nhưng anh luôn tâm niệm và hiểu rõ rằng: lý luận và thực tiễn phải luôn gắn bó, bổ cứu cho nhau, nên anh lại mày mò thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng vào âm nhạc Tuồng, và tham gia giảng dạy nhiều khóa nhạc công Tuồng ở trường văn hóa nghệ thuật tỉnh, để bồi đắp, truyền nghề cho các thế hệ kế tục.
Hằng đêm, trở lại căn phòng riêng sau những giờ tập luyện, giảng dạy hoặc tham gia công tác quản lý đơn vị, đây là khoảng không gian riêng của anh, là thời khắc của riêng anh. Anh chờ đợi sự lắng lại của tâm hồn để toàn tâm toàn ý cho việc sáng tác. Dòng đời hối hả bên ngoài dường như đã dừng lại. Chuyện cơm áo, chuyện gia đình, chuyện cơ quan cũng không còn hiện hữu. Bây giờ là lúc từng chủ đề, nội dung vở diễn, những tình huống kịch, những tính cách nhân vật… lần lượt tái hiện trong tâm tưởng người nghệ sĩ để trở thành những cảm xúc chân thực.
Xuất phát từ một nhạc công Tuồng, chất âm nhạc truyền thống dường như đã nhiễm sâu vào trong máu thịt của anh. Cộng vào đó là kiến thức về tân nhạc khá phong phú, nên các sáng tác của anh luôn hòa quyện giữa truyền thống và phát triển, hài hòa giữa cái cũ và cái mới, góp phần làm nên những tác phẩm âm nhạc sân khấu đầy màu sắc và giàu chất biểu cảm. Trên 40 năm hành nghề, anh đã viết khoảng 50 tác phẩm âm nhạc cho các vở diễn của Đoàn Tuồng Liên khu V trước kia và NHT Đào Tấn bây giờ.
Sáng tác đầu tay của anh được thể hiện trong vở Tuồng "Đêm giao thừa" do Đoàn Tuồng Liên khu V dàn dựng năm 1970. Anh tâm đắc nhất là bài nhạc có tên "Nhớ quê hương" diễn tả tâm trạng một người lính sau thời chinh chiến trở về, với những tình cảm dạt dào, khi trào dâng, lúc lắng nghẹn, xiết bao nỗi niềm thổn thức, thiết tha. Đó cũng là tâm trạng thật của anh, là tiếng lòng của anh gửi gắm về miền Nam thân yêu, về đất thành đồng, tuyến lửa Quảng Trị quê anh.
Năm 1971, khi viết phần âm nhạc cho vở "Sư già và em bé", với bài nhạc "Diệu Linh ra đi" các đồng nghiệp ghi nhận anh là người đầu tiên đã nâng cao phần nhạc đệm cho làn điệu hát xuân nữ trong nghệ thuật Tuồng. Năm 1976, NSƯT Đào Duy Kiền cùng Đoàn Tuồng Liên khu V từ Hà Nội trở về hoạt động nghệ thuật trên quê hương Bình Định; và sau đó đoàn đổi tên thành NHT Đào Tấn. Đất Tuồng đã chắp cánh cho khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Gần 30 năm sống và làm việc trên quê hương của hậu tổ hát Bội Đào Tấn, và cũng là quê hương thứ hai của anh, NSƯT Đào Duy Kiền đã sáng tác phần âm nhạc cho nhiều vở diễn của NHT Đào Tấn, có nhiều đóng góp tích cực vào những thành công của nhà hát.
Có thể nói rằng NSƯT Đào Duy Kiền là một trong số ít nhạc sĩ đã có công đặt viên gạch đầu tiên trong vấn đề sáng tác ca khúc cho nghệ thuật Tuồng. Gần một trăm ca khúc của anh là một con số không lớn, nhưng với sân khấu Tuồng, anh là người viết nhiều ca khúc và gặt hái khá nhiều thành công. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu dân ca Bình Trị Thiên vốn tiềm ẩn trong máu thịt anh, cùng một số làn điệu dân ca 3 miền Nam-Trung-Bắc, làm nên sự cộng hưởng với chất bi hùng của sân khấu Tuồng để có được những ca khúc lắng đọng chất trữ tình, làm rung động lòng người. Giới nghệ thuật Tuồng đều có chung nhận xét rằng: giai điệu và ca từ trong ca khúc của NSƯT Đào Duy Kiền luôn mang đậm chất thơ và giàu tính truyền cảm, góp phần nâng cao hiệu quả biểu cảm cho diễn viên và vở diễn.
Nếu tính từ năm 1971, với tác phẩm đầu tay viết cho vở "Đêm giao thừa", đến nay NSƯT Đào Duy Kiền đã có gần 35 năm sáng tác âm nhạc cho sân khấu Tuồng. Anh đã tiếp cận và trải nghiệm với các loại đề tài: truyền thống; dân gian; lịch sử; hiện đại và đề tài nước ngoài với nhiều trạng thái tình cảm hỉ, nộ, ái, ố khác nhau, được biểu hiện qua hơn 50 vở diễn mà anh đã tham gia sáng tạo phần âm nhạc. Nhưng nổi lên trên những cung bậc nhiều sắc màu ấy là những bài bản diễn tả tâm trạng - như là một thế mạnh, có thể đã trở thành sở trường, là phong cách nghệ thuật riêng của anh. Ở người nghệ sĩ ấy còn có cả đức tính trầm tĩnh, hòa nhã, chân thực và chín chắn - cũng là những chất liệu quý báu làm cho tác phẩm âm nhạc của anh thêm phần sâu lắng và tha thiết trữ tình.
Bên cạnh việc sáng tác nhạc nền và ca khúc cho sân khấu Tuồng, NSƯT Đào Duy Kiền còn là người chỉ huy dàn nhạc rất xuất sắc. NSƯT Đào Duy Kiền đã nỗ lực dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc phục vụ cho hàng trăm vở Tuồng. Anh đã cố gắng gìn giữ những đặc trưng độc đáo của nghệ thuật Tuồng nói chung, âm nhạc Tuồng nói riêng, để cho trong sự phát triển luôn có mặt của việc kế thừa những tinh túy của cha ông để lại. Chính điều này đã góp phần quan trọng để anh vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu NSƯT vào năm 1997.
Năm nay NSƯT Đào Duy Kiền đã ngoại lục tuần, nhưng trái tim nồng thắm tình yêu thương của anh vẫn cùng nhịp đập với tiếng trống Tuồng. Trong tâm hồn người nghệ sĩ vẫn nguyên vẹn ngọn lửa hồng âm nhạc và sân khấu. Đồng thời, với vốn sống và kinh nghiệm nghệ thuật dồi dào, tất cả, sẽ là hành trang để NSƯT Đào Duy Kiền tiếp tục đồng hành cùng sân khấu Tuồng, cùng NHT Đào Tấn. Ở đó, có tiếng lòng và tiếng tơ đồng vọng!
. Thúy Vi
|