Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của một đạo diễn người Pháp
16:33', 6/4/ 2004 (GMT+7)

Mùa xuân 1991, việc đạo diễn Pháp Piere Schoendoeffer thực hiện bộ phim truyện Điện Biên Phủ tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý không chỉ từ người Việt Nam mà cả của nhiều người nước ngoài. Ngay ở Pháp dư luận cũng dấy lên nhiều chiều. Những cựu chiến binh Đông Dương và con cháu họ ủng hộ việc làm bộ phim này, dù đó là kỷ niệm của một dĩ vãng đau buồn, thậm chí là tủi nhục. Nhiều người khác thờ ơ, nhất là lớp thanh niên mới lớn, bởi lẽ Điện Biên Phủ đối với họ chỉ là một địa danh mang tính lịch sử. Nhưng cũng có nhiều người phản đối việc làm này, vì nó khơi dậy một hình ảnh "thất bại quân sự lớn nhất của Pháp ở nước ngoài kể từ sau khi Montcalm thất bại trước trận Quebec năm 1759". Nhưng đối với Schoendoeffer thì ngoài tình cảm đối với những đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường xưa, còn có một tình yêu đối với Việt Nam mà cụ thể là miền Bắc. Schoendoeffer vốn là một phóng viên quay phim mặt trận Điện Biên Phủ (trong phim, con trai thứ hai của ông đã tái hiện những hình ảnh về ông năm xưa), ông đã bị bắt và được trao trả, khi giải ngũ ông trở thành phóng viên, viết tiểu thuyết và có nhiều giải thưởng văn học và điện ảnh. Ông nói: "Tôi yêu Việt Nam và đặc biệt yêu miền Bắc. Đó là xứ sở tôi đã trưởng thành, đã sinh ra tôi lần thứ hai nếu tôi có thể nói như vậy. Tôi là người miền Bắc cũng như tôi là người Alsace".

Điện Biên Phủ chỉ làm về phía những người Pháp. Bộ đội Việt Minh chỉ xuất hiện khi đã chiến thắng, trong một vài cảnh phim. Phim mở đầu bằng cảnh hòa nhạc tại Nhà hát lớn Hà Nội, bản hòa tấu cho vĩ cầm và dàn nhạc có tên Vĩnh biệt, do nhà soạn nhạc Pháp Georges viết dài chừng 10 phút, cảnh hòa nhạc và những giai điệu của bản Vĩnh biệt được dựng xen kẽ trong phim với cuộc chiến ngày càng đi tới chỗ bế tắc. Thời gian của phim bắt đầu từ 17 giờ ngày thứ bảy 13-3-1954 với hình ảnh những người lính Pháp ngồi tán gẫu bên trận địa ở lòng chảo Điện Biên Phủ, không khí uể oải với giai điệu quê hương trữ tình của chiếc kèn túi do một anh lính vùng Bretagne nhớ nhà thổi. Đạo diễn đã dựng xen kẽ giữa cảnh ở Điện Biên Phủ với cảnh ở Hà Nội, người ta nhìn thấy trận đánh sắp nổ ra với nhiều góc độ. Một nhà báo Mỹ với mối quan tâm thỏa mãn độc giả tờ "Tin tức San Phransissco". Những người dân bình thường của Hà Nội xem trận đánh như "một cuộc đỏ đen", cá cược nhau tại cái sòng bạc không lớn lắm nhưng thu hút nhiều người của "Ông Cọp", một người Tàu khôn ngoan (do Thế Anh đóng). Và binh lính Pháp ở Hà Nội đang náo nức ra trận, trong khi đó đại tướng Nava muốn che đậy không khí căng thẳng chộn rộn của trận đánh, dù chỉ bằng việc xua lính tráng đi dự buổi hòa nhạc.

Phim dẫn người xem qua những cột mốc chính của trận đánh: Him Lam thất thủ, đồi Độc Lập bị Việt Minh chiếm… và sau cùng là quân đội Việt Minh chiếm hầm De Castries, lá cờ đỏ phất cao trên nóc hầm Bộ tham mưu. Nhưng dường như Schoendoeffer không có ý định miêu tả toàn bộ cuộc chiến tranh. Ông đi vào số phận của một nhóm lính để thể hiện chân dung chung của người lính Pháp lúc bấy giờ chiến đấu giữ Đông Dương như giữ một mảnh đất của nước Pháp. Một "cận cảnh" người lính Pháp là đại úy De Kerveguen đã từng bị thương trong chiến tranh chống phát xít ở Pháp, hiện đang bị thương, đã chạy "tắt" từ văn phòng Bộ trưởng chiến tranh để có thể xin được lệnh điều động lên Điện Biên Phủ, mặc dù trong lòng biết rõ đó là nơi chỉ có đi mà không có về. Anh ta đã chỉ huy chiến đấu và cùng với Kerveguen, một nhóm binh lính Pháp nữa, đã thể hiện lòng dũng cảm, ý chí kiên quyết chiến đấu đến cùng, cuối cùng nhân vật chính cũng như nhóm chiến hữu còn sống sót của anh ta trở thành tù binh của Việt Minh.

Schoendoeffer đã thể hiện hình ảnh của chiến tranh với bùn và máu, với những tâm trạng khác nhau và những thái độ khác nhau. Ông không lẩn tránh khi nói tới những binh sĩ không chịu nổi sức ép của cuộc chiến, đã bỏ chạy sống ẩn náu ở những hang hốc bên sông Nậm Rốn như một lũ chuột, và một trong những "con chuột" ấy đã khóc nức nở, ân hận xưng tội với cha đạo dù anh ta không tin đạo, dù anh ta quen gọi cố đạo là "ngài" hơn là "cha". Điện Biên Phủ của Schoendoeffer là một bài tụng ca hướng về những binh lính Pháp bình thường. Ông đã tránh không nêu toàn cảnh chiến trận, những nhân vật tầm cỡ. Ông chỉ nói về cuộc chiến của những binh lính, hạ sĩ quan và sĩ quan cấp thấp. Ông ca ngợi họ chiến đấu dũng cảm, ca ngợi tình bạn chiến đấu giữa họ với nhau và giữa họ với những người lính ngụy. Và những người lính Pháp ấy đã thua trận. Ở góc độ này, Schoendoeffer đã cố gắng thể hiện tình cảm đối với các chiến hữu của ông, ở vào thời trai trẻ của ông và của họ, đã làm tất cả những gì mà họ cho là phải làm. Nhưng rốt cuộc, tất cả đã trở nên vô nghĩa.

Tình cảm đối với tất cả những ngã xuống ở chiến trường Điện Biên Phủ rất sâu nặng trong tâm hồn đạo diễn. Ông đã đi trực thăng lên Điện Biên Phủ, thắp hương trên các nấm mồ người đã chết, cả hai bên. Có hôm tất cả đã sẵn sàng nhưng ông vẫn chưa cho bấm máy. Hỏi ông chờ gì, ông trả lời: "Chờ giông". Khoảng một giờ sau cơn giông nổi lên thật. Ông nói: "Những người đã chết phù hộ cho tôi làm phim này".

Trong cảnh quay bộ đội tràn qua sân bay, mặc dù không đưa máy vào cận cảnh những người lính Việt Minh, Schoendoeffer vẫn gợi ý cho bộ đội Việt Nam đóng phim phải diễn xuất, khi ông nói: "Cha các anh ngày xưa khi vào đến đây đã rất mệt mỏi, nhưng trên mặt họ thể ý chí quyết thắng. Tôi biết các anh cũng mệt mỏi sau mấy ngày quay phim rồi, nhưng các anh cũng phải thể hiện được ý chí đó!". Cảnh này khi xem phim, chúng ta không hài lòng lắm vì dòng người rất đông, vẻ ngoài tinh tươm, và có thể vì đã không diễn được như lời đạo diễn nói.

Có lẽ người ta sẽ không đòi hỏi nhiều hơn điều mà đạo diễn Schoendoeffer đã làm trong bộ phim, bởi dù có vết thương cũ, nó vẫn ghi nhận nỗi đau mà con người đã phải chịu, và người lính trong bản thân Schoendoeffer cũng đầy lòng tự tôn. Nhưng ông đã đạt một hiệu quả nữa: làm phim về chiến tranh để cho người ta chán ghét chiến tranh.

. Trần Xuân Toàn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
NSƯT Đào Duy Kiền - tiếng tơ đồng vọng   (05/04/2004)
Văn học nghệ thuật dân tộc với đề tài Tây Sơn - Nguyễn Huệ   (04/04/2004)
Sông phù sa   (02/04/2004)
Thời sự văn nghệ  (01/04/2004)
"Qua miền Tây Bắc" - Một bài hát hay về chiến dịch Điện Biên Phủ  (02/04/2004)
"Chào Quy Nhơn hòa bình"   (31/03/2004)
Điện Biên Phủ và một binh chủng đặc biệt  (31/03/2004)
Ngõ nhỏ  (29/03/2004)
29 năm "Mùa xuân Quy Nhơn"   (28/03/2004)
Tuồng Đào Tấn trong cái nhìn hôm nay   (26/03/2004)
"Kéo pháo" - Một dấu ấn đẹp của mỹ thuật Việt Nam  (25/03/2004)
Bài hát "Hò kéo pháo" ra đời như thế nào   (24/03/2004)
Nhà văn Võ Hồng tuổi 83  (23/03/2004)
Tình yêu của tôi  (22/03/2004)
Nghệ thuật trạo ca Bình Định  (22/03/2004)