Thêm một cái nhìn khách quan về chiến thắng Điện Biên Phủ từ phía bên kia
16:3', 7/4/ 2004 (GMT+7)

Tác giả của cuốn sách dày hơn 520 trang này là Erwan Bergot, vốn là một trung úy quân đội Pháp, có mặt ở lòng chảo Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu khi quân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ. Cho tới nay, nhân dân ta vẫn quen với khái niệm chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm, kể từ khi ta bắt đầu nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm của Pháp vào ngày 13-3-1954 và kết thúc vào ngày 7-5-1954 khi toàn bộ các lực lượng Pháp ở đây buông súng đầu hàng. Và cũng vì thế mà trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, nhà thơ Tố Hữu đã viết: "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt".

Tuy nhiên, đối với quân đội viễn chinh Pháp thì Điện Biên Phủ là một cơn ác mộng kéo dài, kể từ ngày 20-11-1953 là khi mới bắt đầu nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh đã lập tức bị bộ đội và nhân dân địa phương đón đánh, tiếp đó là gần nửa năm bị vây hãm, bị tập kích, phục kích mà đỉnh cao là những trận đánh liên tục kéo dài từ ngày 13-3 đến ngày 7-5 và hoàn toàn kết thúc vào ngày 8-5 khi những đơn vị đóng tại Hồng Cúm thuộc phân khu phía nam địch tháo chạy sang Lào nhưng đã bị chặn đánh và tiêu diệt hết, tổng cộng là 170 ngày tất cả.

Và điều này đã lý giải cho tên sách Erwan Bergot: Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm.

Tác giả Erwan Bergot có mặt tại mặt trận Điện Biên Phủ trong suốt 170 ngày đêm; là người đã nếm trải cuộc sống căng thẳng, hãi hùng, khốn khó tại Điện Biên Phủ để cuối cùng bị bắt làm tù binh rồi được phóng thích. Cuốn Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm của ông đã được xuất bản ở Pháp từ năm 1979 và đã nhiều lần được tái bản. Để có được cuốn sách dày dặn này, Erwan Bergot đã phải bỏ ra nhiều năm sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các bạn chiến đấu cũ, ghi lại nhiều chứng cứ của những người còn sống sót để dựng lại một bức tranh sinh động và bi thảm trải dài suốt 170 ngày đêm, từ việc xây dựng tập đoàn cứ điểm, tổ chức các vị trí phòng ngự đến các trận đánh, nhưng trước hết là tinh thần, tình cảm của những người lính chiến đấu. Chính họ là những nhân chứng không thể bác bỏ. Bởi họ là những người đã từng đứng ở vị trí hàng đầu.

Cách viết của Erwan Bergot trong Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm rất cụ thể, chi tiết và sinh động với những con người thật, sự việc thật. Mỗi chương là một truyện ký hoặc ký sự phản ánh rõ quá trình diễn biến từ khi Pháp bắt đầu đổ quân xuống Điện Biên Phủ cho đến khi hoàn toàn thảm bại ở lòng chảo nổi tiếng thế giới này.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Sự xuất hiện của nó với độc giả Việt Nam trong dịp này sẽ góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu về cuộc chiến ở Điện Biên Phủ; đồng thời, từ cuốn sách này, sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc một cách nhìn nhận, phản ánh từ phía bên kia chiến tuyến, do chính một cựu binh Pháp viết.

Người dịch cuốn sách này từ tiếng Pháp sang tiếng Việt là dịch giả Lê Kim, người cũng từng là một chiến sĩ Điện Biên Phủ, 50 năm trước từng chiến đấu trong đội hình của Sư đoàn 308.

. Hà Tùng Sơn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của một đạo diễn người Pháp  (06/04/2004)
NSƯT Đào Duy Kiền - tiếng tơ đồng vọng   (05/04/2004)
Văn học nghệ thuật dân tộc với đề tài Tây Sơn - Nguyễn Huệ   (04/04/2004)
Sông phù sa   (02/04/2004)
Thời sự văn nghệ  (01/04/2004)
"Qua miền Tây Bắc" - Một bài hát hay về chiến dịch Điện Biên Phủ  (02/04/2004)
"Chào Quy Nhơn hòa bình"   (31/03/2004)
Điện Biên Phủ và một binh chủng đặc biệt  (31/03/2004)
Ngõ nhỏ  (29/03/2004)
29 năm "Mùa xuân Quy Nhơn"   (28/03/2004)
Tuồng Đào Tấn trong cái nhìn hôm nay   (26/03/2004)
"Kéo pháo" - Một dấu ấn đẹp của mỹ thuật Việt Nam  (25/03/2004)
Bài hát "Hò kéo pháo" ra đời như thế nào   (24/03/2004)
Nhà văn Võ Hồng tuổi 83  (23/03/2004)
Tình yêu của tôi  (22/03/2004)