Chiến dịch Điện Biên Phủ và Chiến thắng Điện Biên không chỉ là thắng lợi lẫy lừng của lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, làm "chấn động địa cầu", mà còn là đề tài của nhiều loại hình văn học - nghệ thuật. Riêng đối với mỹ thuật Việt Nam, Điện Biên Phủ từng được nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc say mê tìm tòi, sáng tạo. Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của danh họa Nguyễn Sáng là một trong những kiệt tác của hội họa Việt Nam.
|
Chân dung Nguyễn Sáng |
"Nhất Sáng, nhì Nghiêm, tam Liên, tứ Phái" là danh hiệu mà giới mỹ thuật đã tôn vinh 4 tài danh của nền hội họa đương đại Việt Nam. Bốn danh họa đó là: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái. Danh họa Nguyễn Sáng sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo ở Điền Hòa - Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Năm 1946, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, cùng với nhiều đồng nghiệp, Nguyễn Sáng lên Việt Bắc để tham gia kháng chiến.
Chính trong thời gian tham gia kháng chiến, Nguyễn Sáng đã sáng tác được khá nhiều tác phẩm, trong đó có những bức tranh đặc sắc như: Giặc đốt làng tôi, Chợ Bo đẫm máu… Năm 1954, hòa bình lập lại, danh họa Nguyễn Sáng về lại Thủ đô. Cuộc sống mới không làm cho Nguyễn Sáng quên đi kỷ niệm của những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ. Với điều kiện tốt hơn về vật phẩm, sơn dầu, sơn mài… Nguyễn Sáng lao vào xây dựng những tác phẩm về đề tài cách mạng và về Điện Biên Phủ. Ông đã xây dựng hàng loạt tác phẩm có giá trị, như: Chiếm Phủ Khâm Sai, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Bộ đội trú mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồi, Thành đồng Tổ quốc… Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Sáng trong số này phải nói tới bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ.
|
Tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ |
Danh họa Nguyễn Sáng thực hiện bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ vào năm 1956. Tác phẩm dựng lại một thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường. Bức tranh gồm có 8 nhân vật. Điểm "vàng" của bức tranh là 3 chiến sĩ, trong đó có 1 chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm 3 người này được liên kết chặt chẽ với 2 chiến sĩ phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay tình nghĩa và cũng đầy quyết tâm. Góc trái bức tranh là hình ảnh một chiến sĩ đang dìu 1 đồng đội bị thương. Phía xa là 1 chiến sĩ như đang tiếp tục cuộc hành quân ra trận. Hình tượng người chiến sĩ Điện Biên được tác giả khắc họa bằng những đường nét kỷ hà chắc, khỏe, hình họa giản lược. Màu sắc trong tranh đơn giản, chỉ gồm đỏ, trắng, vàng và một ít xanh lá cây với gam màu nóng làm chủ đạo. Tất cả đã được tác giả bố trí, sắp xếp một cách chặt chẽ, hài hòa, nhất là những mảng sáng, tối, trung gian. Với nghệ thuật bố cục và khả năng xử lý màu sắc, Nguyễn Sáng đã tạo cho tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ vừa đẹp vừa đậm chất sử thi và chất anh hùng ca.
Điều đáng nói đối với Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ là nghệ thuật xử lý chất liệu. Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ là tác phẩm được thực hiện bằng chất liệu sơn mài truyền thống. Nguyễn Sáng là một trong số những họa sĩ của Việt Nam sử dụng thành thạo nhiều chất liệu hội họa, như sơn mài, sơn dầu, lụa… Về sơn mài, ông là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam đầu tiên đã thành công trong việc sử dụng 2 màu xanh và lam vào tranh của mình.
Cùng với nhiều tác phẩm, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của danh họa Nguyễn Sáng đã được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia. Đặc biệt, năm 1996, hai tác phẩm đặc sắc của danh họa Nguyễn Sáng, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ và Thiếu nữ bên hoa sen, đã được ngành Bưu chính Việt Nam chọn và thực hiện thành bộ tem Hội họa Việt Nam (Vietnamese Paintings).
50 năm đã trôi qua, song tinh thần, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ vẫn bất diệt. Riêng đối với những người yêu nghệ thuật, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của danh họa Nguyễn Sáng trở thành một kiệt tác bất hủ của nền hội họa Việt Nam.
. Viết Hiền
|