Hướng đến kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trên các giá sách của các nhà sách lớn ở Quy Nhơn xuất hiện hàng loạt sách viết về Điện Biên Phủ. Những cuốn sách này đang được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Ngoài những cuốn sách của các nhân chứng, nhà sử học trong nước, đáng chú ý là trong số 10 đầu sách về Điện Biên Phủ do Công ty Văn hóa Phương Nam phối hợp với nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành trong dịp này, có 5 đầu sách đầy ắp tư liệu lịch sử, mà tác giả là những nhân chứng Pháp, những người từng có mặt tại Điện Biên Phủ cách đây 50 năm. Những cuốn sách này đã vẽ nên "một bức tranh sinh động và bi thảm trải dài suốt 170 ngày đêm" của quân đội Pháp trong những ngày lịch sử ấy. Đó là Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ của Jean Roger Sainteny, Điện Biên Phủ một góc địa ngục của Bernard B. Fall, Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ của Jean Pouget, Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm của Erwan Bergot, Máy bay Mỹ trên vùng trời Điện Biên Phủ của Marc Bertin.
Đáng chú ý là cuốn Điện Biên Phủ một góc địa ngục mà tác giả của nó, Bernard B. Fall vốn là một nhà báo, nhà sử học từng viết nhiều sách về Việt Nam. Tác phẩm này được ông viết trong 3 năm, khi ông mới 40 tuổi. Với hơn 800 trang sách, có lẽ chưa tác giả nào phân tích sâu sắc, với bố cục rành mạch đến thế về một sự kiện mà với người Pháp là bi thảm đến thế. Một điều đặc biệt khác là năm 1966, khi Fall quay trở lại VN để viết một cuốn sách về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, ông đã chết tại chiến trường Đà Nẵng trong khi quan sát một trận đánh.
Còn Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ thực ra gồm hai cuốn hồi ký của Jean Roger Sainteny. Cuốn thứ nhất, với tựa đề như trên, xuất bản vào năm 1954, ghi lại những nhìn nhận, đánh giá về chiến cuộc ở Việt Nam giai đoạn 1945-1947. Tiếp đó, năm 1970, ông lại cho xuất bản cuốn thứ hai, Đối diện với Hồ Chí Minh. Những người làm sách đã gộp hai cuốn vào trong một tập sách. Nếu phần một là những tư liệu có giá trị về chính quyền Pháp ở Đông Dương và mối quan hệ giữa Pháp, Mỹ, Nhật và Trung Quốc, cuộc tiếp xúc với phái đoàn Việt Nam tại Fontainebleau... thì phần sau phác họa chân dung chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một thái độ kính trọng, khâm phục.
Một cuốn sách có giá trị khác được công bố là Chiến tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành. Cuốn sách tập hợp những tài liệu lưu trữ gồm các phát biểu, thư từ… của các tù binh Pháp và Âu Phi bị bắt làm tù binh, phản ánh chế độ đối xử nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.
Một mảng tư liệu khác cũng được khai thác lại là những bài báo được viết trong chiến dịch Điện Biên. Những bài viết mang tính thời sự cao, phản ánh kịp thời những thông tin từ chiến trường, được những người làm sách tập hợp lại, trở thành một nguồn tư liệu quý giá. Qua những bài viết này, chúng ta như được dõi theo những bước chân hành quân, những chiến công trên từng ngả đường chiến dịch.
Nguyễn Huy Tưởng và những trang viết về Điện Biên do nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành trong dịp này lại đem đến cho người đọc một bình diện khác: vấn đề xây dựng lại Điện Biên sau những ngày tắt tiếng súng tiến công (chữ dùng của Nguyễn Tuân). Ngoài Bốn năm sau, cuốn tiểu thuyết kể về công cuộc xây dựng lại Điện Biên của các chiến sĩ sư đoàn 316 bốn năm sau ngày giải phóng Điện Biên, cuốn sách còn cung cấp cho chúng ta những trang nhật ký, những bức thư của nhà văn gửi về cho gia đình, bạn bè trong chuyến đi thực tế hơn bốn tháng trời ở Điện Biên vào năm 1958. Thời gian này, Nguyễn Huy Tưởng vừa tham gia vào mọi công việc lao động hằng ngày của các chiến sĩ xây dựng Điện Biên, vui cái vui chung của mùa gặt mới, lo cái lo chung của đợt gió mùa đông bắc về có thể làm chết cây non... vừa tranh thủ ghi nhật ký. Tính trung bình, suốt bốn tháng ấy, mỗi ngày ông viết gần hai trang rưỡi nhật ký. Những khó khăn, vất vả của bộ đội, cái quyết tâm ghê gớm của những người lính vừa trải qua cuộc chiến đấu, nay lại lên xây dựng miền Tây Bắc, mà vẫn lao động quên mình, thi đua với nhau để tiến lên... đã được ông ghi lại và nghiền ngẫm với bao cảm xúc, và dần hình thành trong ông ý tưởng về việc xây dựng một cuốn tiểu thuyết viết về công cuộc xây dựng Điện Biên. Và kết quả là tiểu thuyết Bốn năm sau đã ra đời vào cuối năm 1959.
Đọc những trang nhật ký này, rồi lại đối chiếu với cuốn tiểu thuyết của ông, chúng ta có thể thấy được mối liên hệ hết sức thú vị giữa một bên là những ghi chép dưới dạng những nét chấm phá ban đầu, một bên là những người, những chuyện được cấu tứ, sáng tạo nên từ những ghi chép ấy, để rồi lại càng thấy tấm lòng chân thành của tác giả khi đi vào thực tế đời sống và tái hiện trên trang viết.
Giữa những ngày hướng đến kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đọc những trang viết về Điện Biên, để càng thấy thêm tự hào về một chiến công đã đi vào lịch sử, trở thành niềm tự hào thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt.
. Khải Nhân |