Chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ cho đến tận hôm nay: "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non". Bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu như một lời tổng kết vừa cụ thể vừa khái quát toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, thông qua hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ.
Thực hiện nghị quyết của Đại hội văn nghệ toàn quân dưới khẩu hiệu thiết thực, xác đáng của Bác Hồ: "Văn nghệ hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn nghệ…", một phong trào văn nghệ sĩ đầu quân đã dấy lên rầm rộ, cuốn hút nhiều tên tuổi nổi tiếng lúc đó như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Thương, Thế Lữ, Phạm Văn Khoa… Họ đã tự nguyện gia nhập đội ngũ những người "áo vải chân không đi lùng giặc đánh". Khi chiến dịch Trần Đình được triển khai, thì cũng là lúc đội ngũ văn nghệ sĩ đã trưởng thành và được xác định rõ ràng. Đội múa của Văn Chung ba lô trên vai, bao gạo cuốn quanh sườn theo bước chân quân tiên phong xáp xuống Hòa Bình, cửa ngõ miền Tây Bắc. Những đêm hành quân của "Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vì sao, uốn khúc đường đào, mưa trơn bùn sâu". Trong lập lòe ánh lửa của một đoàn dân công dân tộc Mường, Ngọc Minh đã bắt gặp những cây cáng thương đang va đập vào nhau. Đó là cốt lõi của điệu múa Sạp đã xuất hiện. Ba đập, một đập, người người nối nhau bước vào, bước ra không ngừng, không nghỉ. Ai có thể ngờ rằng 2 chiếc đòn cáng thương lại gợi lên một tác phẩm nghệ thuật bất hủ cho sau này. Bộ đội hành quân, dân công hành quân, văn nghệ sĩ hành quân, tất cả cho chiến dịch Trần Đình. "Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…". Bài hát Hành quân xa của Đỗ Nhuận đã ra đời trong nhịp bước của đoàn quân đi chiến dịch.
Các đơn vị đã chiếm lĩnh trận địa xong, nhưng lại có tin hoãn binh, sẽ kéo pháo ra khỏi Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ công tác tư tưởng lúc này thật khó khăn. Tất cả đi làm đường, lúc đầu văn công với bộ đội làm chung một đoạn đường, về sau riêng văn công nhận khoán một đoạn. Các chiến sĩ khỏe hơn nên họ hoàn thành công trình sớm hơn. Văn công đã yếu, lại vấp phải một hòn đá chặn đường, tránh nó thì phải làm đường vòng, mà lôi cổ hắn đi thì chí ít phải mất vài ngày. Thế là ca cảnh Hòn đá ra đời từ đấy. Đỗ Nhuận và Mạnh Thắng đã khai thác triệt để yếu tố hề, hài của câu chuyện và nó thích hợp với tính cách của các anh. Hòn đá được nhân cách hóa thành kẻ lười biếng, ỷ lại cản phá tinh thần quyết tâm của bộ đội, dân công. Nhưng rồi nó cũng phải lùi bước trước tinh thần tập thể, đoàn kết của quân và dân ta. Ca cảnh Hòn đá là kỷ niệm sâu sắc của văn nghệ sĩ tham gia chiến dịch Trần Đình. Sau này, Hòn đá là một trong 3 tác phẩm được tặng Huân Chương chiến công. Đây quả là một tác phẩm được sáng tác kịp thời, có sức cổ vũ cuộc chiến đấu và mạnh mẽ và hiệu quả.
Từ phía mặt trận của Đại đoàn 372 xuất hiện tấm gương hi sinh cao đẹp của Tô Vĩnh Diện, lấy thân mình chèn khẩu pháo đang đà lăn xuống vực. "… Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…". Nhạc sĩ Hoàng Vân cảm nhận trực tiếp hình ảnh ấy, anh đã không phải mấy trăn trở để sáng tác Hò kéo pháo. Hoàng Vân đang trong tốp làm đường cho pháo vào trận địa, bỗng dưng, một sự kiện thật ly kỳ đã diễn ra ngay ở đoạn đường anh đang thừa hành công vụ. Hò kéo pháo là sự miêu tả chân thực chứ đâu phải là sáng tác trong tưởng tượng. Nếu gọi đây là sáng tác đầu tay của Hoàng Vân cũng đúng. Mà nói rằng, điệu hò này đã đưa Hoàng Vân vào con đường sáng tác chuyên nghiệp cũng không sai. Hò kéo pháo đã trở thành đồng nghĩa với Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ có một biểu tượng là Hò kéo pháo. Mãi mãi sau này, Hò kéo pháo không thể tách rời sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc - chiến thắng Điện Biên Phủ.
Còn có biết bao tác phẩm bất hủ về đề tài Điện Biên Phủ như Chiến thắng Him Lam, Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên… của ca nhạc. Trước giờ chiến thắng, Mối tình Điện Biên, Bài ca Điện Biên, Thung lũng trắng… của sân khấu. Hoa ban đỏ của điện ảnh… Dù ra đời trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào thì các tác phẩm đều toát lên cảm hứng ngợi ca cuộc kháng chiến thần kỳ, toàn dân, toàn diện của dân tộc ta. "Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng". Nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng ta đã có nhiều những tác phẩm hay về Điện Biên Phủ. Mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử này, chúng ta lại hy vọng có những sáng tác mới về Điện Biên Phủ.
. Trần Xuân Toàn |