"Người hùng" của điện ảnh Trung Quốc
11:25', 15/4/ 2004 (GMT+7)

Trương Nghệ Mưu là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thứ 5 điện ảnh Trung Quốc. Nhiều bộ phim của ông đã trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam. Xin giới thiệu một số tư liệu về ông.

* Dựa vào bản thân mình

Một cảnh trong phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu

Trương Nghệ Mưu sinh năm 1950 tại thành cổ Tây An. Ngay từ nhỏ, do hoàn cảnh gia đình, ông đã mất đi bản tính sôi nổi, trở nên kín đáo, khép mình. Rời ghế phổ thông, bão táp Cách mạng Văn hóa ập đến, ông bị xô dạt khắp nơi, chịu nhiều đắng cay, khổ cực. Đây là quãng thời gian ông rèn luyện nghị lực chấp nhận khó khăn và vượt qua dựa vào khả năng của mình. Bão tan, Trương Nghệ Mưu xin vào Khoa Quay phim - Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Tốt nghiệp, ông được phân về Nam Ninh và bắt đầu cuộc đời làm điện ảnh.

* Mỗi phim là một sự tìm tòi

Năm 1983, Trương Nghệ Mưu làm bộ phim Một và Tám. Lúc này, phim ảnh vẫn nặng về ý nghĩa xã hội. Trương và các bạn quyết định dùng những hình ảnh không đối xứng, mang sắc màu tối, tạo nên sự khác biệt lớn về thủ pháp so với điện ảnh Trung Quốc truyền thống. Phim đã đem lại sức công phá lớn và được xem là dấu mốc đầu tiên của gương mặt phim mới Trung Quốc.

Cao lương đỏ là phim đầu tiên Trương làm đạo diễn. Thích cái không khí đậm đà, thô mộc trong tiểu thuyết cùng tên của Mạc Ngôn, bị lôi cuốn trước tình yêu mạnh mẽ của những con người sống ở vùng cao lương mênh mang, ông quyết định chuyển thể lên phim. Phim được trao giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Quốc tế (LHQT) Berlin năm 1988 và là bộ phim Trung Quốc đầu tiên mở được cửa vào châu Âu. Ở bộ phim này, Trương Nghệ Mưu muốn biểu hiện một dạng bản chất của tình yêu con người đối với sinh mệnh, ca lên khúc ngợi ca về nhân cách giàu màu sắc lý tưởng. Phim sử dụng nhiều góc quay tĩnh, biểu hiện sự trĩu nặng về tâm tư tình cảm.

Trong Cúc Đậu, qua tình yêu bi thảm giữa Cúc Đậu và cháu ông chủ lò nhuộm, ông muốn lột tả sự tàn khốc của nhận thức phong kiến đối với tình người. Nếu Cao lương đỏ là sự tự do, mạnh mẽ, hoang dại, tung bay, không có sự ràng buộc, và do đó, giàu màu sắc lý tưởng hơn là thực tế, thì Cúc Đậu khắc họa đúng tâm trạng hiện thực của người Trung Quốc. Sau Cúc Đậu, Trương bắt tay vào làm Đèn lồng đỏ treo cao. Lấy quan hệ giữa những người phụ nữ trong phủ Trần làm nội dung, phim muốn thể hiện sự tàn khốc của chế độ phong kiến đối với người phụ nữ. Bộ phim đã giành giải Sư tử Bạc LHQT Venice và được đề cử giải Oscar lần thứ 64 dành cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1992.  

Thu Cúc đi kiện thể hiện sự thay đổi trong thủ pháp của Trương Nghệ Mưu. Kể về một người phụ nữ nông dân đi thưa kiện đòi danh dự, phim giúp khán giả nhìn thấy nhiều hơn về diện mạo của cuộc sống nông thôn và trạng thái sinh tồn của nông dân hiện đại. Bộ phim chỉ sử dụng 4, 5 diễn viên chuyên nghiệp, 50% các cú bấm máy đều được quay trộm đã giành được giải Sư tử Vàng LHQT Venice năm 1992.

Với Phải sống, Trương Nghệ Mưu vứt bỏ hết những cách tạo hình phức tạp, tạo không gian kỳ bí để theo đuổi phong cách đơn giản, thuần khiết. Phim là một minh chứng cho sự không ngừng thay đổi chính mình của ông. Ngoài ra, Trương Nghệ Mưu còn là đạo diễn của nhiều phim khác Lắc a lắc, lắc sang cầu bà ngoại (giải thưởng lớn về kỹ thuật LHP Cannes 1995), Có lời thì nói, Bố mẹ tôi (Giải Gấu bạc LHQT Berlin 1999), mới đây là Anh hùng và đang quay Thập diện mai phục. Riêng về hai bộ phim sau, ông đi vào thể loại phim võ hiệp. Tư duy sáng tác chủ đạo của ông là không chú trọng quá nhiều vào các cảnh đánh nhau, mà đi sâu khai thác tinh thần võ hiệp và tính nhân văn trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Anh hùng đã được công chiếu ở Việt Nam, còn Thập diện mai phục sẽ trình chiếu lần đầu tại LHP Cannes vào tháng 5 năm nay.

Như vậy, tính đến nay, ông đã đạo diễn cho 13 bộ phim, quay phim chính cho 3 bộ phim và là diễn viên chính cho 2 phim.

* Nghiêm túc trong lao động nghệ thuật

Đây là một bí quyết thành công của Trương Nghệ Mưu. Ngay từ những phim đầu tiên, ông đã đặt ra yêu cầu này. Chẳng hạn, quay Hoàng thổ, ông phải mạo hiểm đội mưa tuyết trong mùa đông giá lạnh, vượt nghìn dặm đường tới vùng Thiểm Bắc. Muốn tìm một con đường nhỏ màu trắng nằm sát bên sườn núi màu vàng, nên ông phải đi rất nhiều nơi và tìm được một địa điểm như vậy nhưng lại thiếu mất con đường. Vì vậy, các diễn viên phải đi đến mòn vẹt cả sườn núi, tạo thành con đường nhỏ.

Năm 1986, vào vai Tôn Vương Tuyền trong Giếng cũ, ông phải cạo đầu, mặc quần áo lao động, đi vào núi Thái Hành để thể nghiệm cuộc sống, ăn tại nhà dân, hàng ngày cùng người dân lên núi lao động. Để có làn da thô ráp, trưa nào, ông cũng trần lưng phơi nắng. Mỗi khi họp, ông không ngồi ghế mà ngồi xổm trên đất như nông dân. Trong hai tháng, mỗi ngày ông cõng ba tấm bảng đá, mỗi tấm nặng 50kg. Rồi ngày nào, ông cũng trò chuyện với các cụ già nông dân rồi ghi lại cảm nhận của mình trong nhật ký sáng tác. Khi diễn cảnh đánh nhau, Trương Nghệ Mưu đánh đến nỗi khiến mặt sưng mũi dập. Khi quay cảnh nhảy xuống giếng, ông nhảy thật đến toàn thân ê ẩm...

"Cái nghề điện ảnh này rất thực tế nhưng cũng rất tàn khốc. Cái mà mọi người nhìn thấy chỉ là một nhóm người thành công, nhưng cũng có hàng nghìn người đã thất bại" - Trương Nghệ Mưu giải thích vậy. Phải chăng, nhờ vậy mà Trương Nghệ Mưu đã tạo nên một thần thoại mới cho điện ảnh Trung Quốc?

. Thạch Trung

(Biên soạn)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Điện Biên Phủ và văn nghệ hóa kháng chiến…   (14/04/2004)
Những trang viết về Điện Biên   (13/04/2004)
Thời sự văn nghệ:   (13/04/2004)
Đất và người Bình Định là nguồn mạch của văn chương   (12/04/2004)
Tháng giêng xanh  (11/04/2004)
Còn có nhau   (09/04/2004)
"Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" - một kiệt tác của hội họa Việt Nam   (08/04/2004)
Thêm một cái nhìn khách quan về chiến thắng Điện Biên Phủ từ phía bên kia  (07/04/2004)
Thêm một cái nhìn khách quan về chiến thắng Điện Biên Phủ từ phía bên kia  (07/04/2004)
Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của một đạo diễn người Pháp  (06/04/2004)
NSƯT Đào Duy Kiền - tiếng tơ đồng vọng   (05/04/2004)
Văn học nghệ thuật dân tộc với đề tài Tây Sơn - Nguyễn Huệ   (04/04/2004)
Sông phù sa   (02/04/2004)
Thời sự văn nghệ  (01/04/2004)
"Qua miền Tây Bắc" - Một bài hát hay về chiến dịch Điện Biên Phủ  (02/04/2004)