Anh bộ đội Cụ Hồ trong ca dao chống Pháp 1945-1954
16:1', 2/5/ 2004 (GMT+7)

Dân tộc ta suốt bốn ngàn năm lịch sử đã phải trải qua bao phen binh đao khói lửa, hết chống giặc ngoại xâm phương Bắc đến chống ngoại xâm phương Nam. Những cuộc kháng chiến vẻ vang của quá khứ được ghi vào chính sử và trong văn học dân gian. Ca dao cổ truyền đã từng ghi nhận những phong trào khởi nghĩa chống ngoại xâm:

- Ai về Biện Thượng, Lam Sơn

Nhớ về Lê Thái tổ chặn đường quân Minh

- Anh đi theo chúa Tây Sơn

Em về cày cấy mà thương mẹ già

- Bần Gie đốm đậu sáng ngời

Rạch Gầm soi dấu muôn đời oai linh

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, nước nhà độc lập, tự do, người dân đã có quyền làm chủ. Nhưng giặc Pháp gây hấn Nam Bộ, giặc Pháp nổ súng ở Hải Phòng, tháng 12- 1946, cả dân tộc ta bước vào cuộc trường chinh kháng chiến chống Pháp 9 năm, và kết thúc với trận Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu". Tiếp nối dòng ca dao truyền thống, ca dao kháng chiến chống Pháp giai đoạn này (1945-1954) đã ra đời với số lượng lớn, phản ánh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến đó, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ lần đầu tiên xuất hiện trong văn học nói chung và trong ca dao nói riêng, đã trở thành hình ảnh của dân tộc.

Trước hết, anh bộ đội Cụ Hồ phần lớn là những người nông dân mặc áo lính. Hôm qua họ còn là những con người bình thường, cuộc sống giản dị, chất phác. Vậy mà hôm nay, đáp lại lời kêu gọi của núi sông, họ thành người lính, vững vàng đứng vào đội ngũ: Hôm qua tôi còn ở nhà/ Sống chung vợ dại, mẹ già, con thơ/ Quanh co chuồng lợn, vườn dưa/ Đuổi gà, bế trẻ, ngủ trưa, nói liều/ Hôm nay tôi đứng trong lều/ Bạn với súng "mút", ôm yêu đạn đồng. Và thế là muôn vàn khó khăn đến với họ: những cuộc hành quân dài bất tận, qua trăm núi ngàn khe, ăn đói mặc rét, "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" (Tố Hữu): Đi bao đèo, vượt bao cây/ Đào bao khối đất từ ngày xuất quân/ Vết chân đi khắp nẻo đường/ Đắng cay, chua ngọt đã từng vượt qua.

Nhưng tất cả những khó khăn gian khổ đó không làm các anh lùi bước, nao núng tinh thần, vì đại nghĩa, vì mục đích cao cả là diệt giặc, giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc mà họ dám xả thân, chấp nhận mọi hy sinh. Tinh thần ấy có ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp:

Hy sinh trả nghĩa giang san

Đoàn quân Nam tiến vượt ngàn gian lao

Tình ruột thịt, nghĩa đồng bào

Bát cơm chung, giọt máu đào giúp nhau

Khó khăn, thiếu thốn, gian khổ vẫn không làm tắt đi nụ cười lạc quan, tin tưởng của anh bộ đội Cụ Hồ. Họ đùa cợt với gian lao: Bụng cóc mà khoác ba lô/ Cái lưng nó gù, cái báng mới cân/ Sốt rét mà gấp hành quân/ Cái nóng mới dẫn cái chân chạy đều. Trong những chiến dịch lớn, như chiến dịch Điện Biên Phủ, việc chuyển pháo, đưa pháo hạng nặng vào chiến trường, đâu phải chuyện giản đơn. Hơn nữa, theo chiến thuật, có khi vừa mới đưa pháo vào lại phải đưa ra! Vất vả, thậm chí cả hy sinh là thế, anh bộ đội vẫn hết mực yêu quí pháo, xem nó như người bạn tâm tình, vỗ về một cách dí dỏm: Voi ơi, ta bảo voi này/ Voi đi chiến dịch, có mày có ta/ Đèo cao ta vác voi qua/ Sông sâu ta bắc cầu phà voi sang (….) Dù cho ta có đói lòng/ Sọt này vẫn đủ đạn đồng nuôi voi/ Voi ra giữa trận hếch vòi/ Đồn Tây sụp đổ, voi cười, ta reo…

Đói ăn, thiếu mặc, nhưng bữa ăn vẫn ngon lành, dưới con mắt của các anh bữa cơm diễn ra như một tiết mục sân khấu đầy hài hước:

Đua nhau xới, tranh nhau đơm

Cà chua nấu muối cũng thơm, cũng lành

Ăn thật chóng, và thật nhanh

Chỉ loáng một cái sạch sành sanh cả nồi!

Đến cái chết, anh bộ đội Cụ Hồ cũng coi "nhẹ tựa lông hồng" chẳng khác gì những tráng sĩ xưa kia: Anh đi ra trận phen này/ Chẳng may mà bị thằng Tây nó cù/ Ai về nhắn mẹ thằng cu/ Nuôi con khôn lớn trả thù cho anh. Ta như thấy thoáng hiện một nụ cười hóm hỉnh!

Có được một tinh thần như thế, là vì anh bộ đội Cụ Hồ chiến đấu có lý tưởng, có mục đích cao cả: vì dân, vì nước, mà cũng vì nhà, vì mình. Đã tự nguyện hy sinh vì nghĩa lớn thì há sợ kẻ thù, dù cho chúng sức mạnh gắp trăm lần. Anh bộ đội Cụ Hồ tự tin bảo thằng giặc:

Thằng Tây chớ cậy xác dài

Chúng tao người nhỏ nhưng dai hơn mày

Thằng Tây chớ cậy béo quay

Mày thức hai buổi là mày bở hơi!

Chúng tao thức bốn đêm rồi

Ăn cháo ba bữa, chạy mười chín cây

Bây giờ mới gặp mày đây

Sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao!

Điều đó hoàn toàn khác với hình ảnh của kẻ thù: chúng là những kẻ đi xâm lược, gây cuộc chiến phi nghĩa, nên dù có trang bị tàu bay, súng đạn tận răng vẫn không che giấu được bản chất thấp hèn của một kẻ đi cướp: Cắc bụp! Cắc bụp! Xòa!/ Ba thằng giặc Pháp bắt gà, bắt heo/ Cắc bụp! Cắc bụp! Xòa!/ Ba thằng giặc Pháp bắt heo bắt gà…

Trước trận chiến chiến lược Điện Biên Phủ, giặc Pháp đã thể hiện sự bạc nhược tinh thần của chúng, và sự sụp đổ nhanh chóng trước  sức mạnh vũ bão của quân dân ta là điều không tránh khỏi:

Thằng Tây đánh trận Điện Biên

Mặt mày nhếch nhác, van xin đầu hàng

Một bầy quân tướng huênh hoang

Giỏi đánh giặc mồm lại giỏi giơ tay

Thằng Tây nuôi lính thật tài

Cái bệnh chạy dài dễ chẳng ai hơn!

Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm lớn nhất của Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà Pháp đặt nhiều kỳ vọng lớn. Không ngờ, Điện Biên Phủ trở thành nơi vùi chôn chủ nghĩa thực dân Pháp:

Thằng Tây ở đất Điện Biên

Bị ta vây chặt suốt đêm suốt ngày

Điện Biên Phủ sắp lung lay

Thành "Điện Âm Phủ" vùi Tây xuống mồ

Anh em ta gắng thi đua

Đào hào cho vững, khoét mồ chôn Tây!

Thắng giặc chưa phải đã hết. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ còn lừng lững giữa trời xanh với một tinh thần cao thượng và lòng nhân ái hiếm có, được hun đúc từ trong truyền thống của dân tộc: "Đánh kẻ chạy đi chớ không ai đánh người chạy lại". Hàng vạn tù binh Pháp lũ lượt giơ tay xin hàng sau khi thất thủ ở Điện Biên Phủ. Một khi giặc đã hàng thì các anh bộ đội Cụ Hồ lại rất khoan dung:

Đã đánh là đánh cho tan

Giặc chống ta giết, giặc hàng ta nuôi…

Một quan điểm rất rõ ràng và rất dân tộc.

Ca dao kháng chiến chống Pháp đã làm nổi bật hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ sáng rực lòng yêu nước, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, và lòng nhân ái dân tộc sâu xa, kết tinh từ truyền thống ngàn đời của dân tộc.

. Trần Xuân Toàn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Anh bộ đội Cụ Hồ trong ca dao chống Pháp 1945-1954  (02/05/2004)
Trăm năm sóng biển  (30/04/2004)
Thời sự văn nghệ  (29/04/2004)
Ca dao về đại thắng mùa xuân 1975  (29/04/2004)
Thời sự văn nghệ  (29/04/2004)
Một ám ảnh kép  (27/04/2004)
Bài hát "Tiến về Sài Gòn" ra đời khi nào?  (26/04/2004)
Tháp Chàm và Đường Thi   (26/04/2004)
Nguyễn Thanh Mừng và những bài thơ "còn hoài trong vở"  (25/04/2004)
Tìm một đóa hồng   (23/04/2004)
Kỷ niệm về sự ra đời bài hát "Tiến bước dưới quân kỳ"   (23/04/2004)
Tác giả kịch bản trẻ với phim Hoa và nước mắt   (22/04/2004)
"Giải phóng Điện Biên" - một bài ca bất hủ  (22/04/2004)
"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" - Cảm xúc dồn nén của 30 năm   (21/04/2004)
Thời sự văn nghệ   (20/04/2004)