Người thổi kèn ấy bây giờ đang ở bên tôi trong cuộc họp mặt cựu chiến binh đông vui và anh đang say sưa thổi bài Chiến thắng Điện Biên rồi tiếp theo là bản nhạc nước ngoài One day (Ngày ấy). Đấy là bản nhạc mà cách đây 50 năm, qua tiếng kèn réo rắt của anh đã làm cho quan quân giặc Pháp ở nửa bên kia đồi C1 nhiều lúc phải ngưng tiếng súng để có được phút giây êm ả gửi lòng về quê hương khi đang ở "lò lửa" Điện Biên Phủ.
|
Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc với cây kèn armonica sau 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ |
Chắc bạn sẽ nghĩ ngay: Đây là một cây kèn chuyên nghiệp trong đội tuyên truyền đặc biệt. Không phải! Anh là đại đội trưởng, một đại đội bộ binh pháo, tức là đại đội pháo nhỏ gồm 9 khẩu cối 81 ly và 3 khẩu pháo không giật ĐKZ 57 ly đi theo sát bộ binh. Lại là một đại đội trưởng thư sinh mới 21 tuổi, nhưng đã chỉ huy đại đội của mình ngoan cường chiến đấu suốt 31 ngày đêm liền trên đồi C1, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một đơn vị hỏa lực của Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 suốt trong chiến dịch lịch sử. Việc bằng tiếng kèn của mình để vinh dự được thêm là một chiến sĩ địch vận đặc biệt ở đây chỉ là chuyện tình cờ.
Ở anh, riêng về đợt chiến đấu ở Điện Biên có hai chuyện khá thú vị mà tới giờ vẫn lung linh trong bộ nhớ của tôi. Thứ nhất, anh là đại đội trưởng độc đáo đã cho pháo cối "bắn ôm nòng". Thứ hai, đúng là "dấu thăng trong bản nhạc" khi tình cờ anh được là Người thổi kèn địch vận ở Điện Biên Phủ này.
Chuyện thứ nhất, trong một buổi giao lưu ở quận, tướng Phúc đã làm cho cử tọa rất mê khi nghe anh kể lại: "Ngày ấy khi chiến đấu trên đồi C1, đại đội tôi có hai nhiệm vụ: Một phải bắn tập trung mãnh liệt vào khu "Yên ngựa" góp sức phá vỡ đội hình phản kích của địch... Mặt khác phải sẵn sàng khi có lệnh hoặc yêu cầu của bộ binh kịp thời di chuyển hỏa lực bắn vào cột cờ trên đỉnh đồi C1 chế áp, tiêu diệt địch khi chúng đột nhập vào trung tâm phòng ngự của ta. Nhiệm vụ thứ hai này là nan giải nhất đối với chúng tôi. Nan giải bởi phải làm sao cản diệt được địch mà không sát thương quân ta khi ta và địch đều ở rất gần nhau, khi ở đây ta đông người, địa hình hẹp, giao thông hào chật và nông không cho phép chúng tôi đặt cả chân bàn cối bắn theo bài bản. Chính lúc khó khăn đó, tôi đã "ló cái khôn" cho hai khẩu 81 ly lên C1 bỏ hết bàn và chân lại để một pháo thủ vai đỡ và tay ôm lấy nòng pháo cối cho một pháo thủ khác bắn với góc gần 90 độ phóng đạn vào đội hình địch. Kết quả đạn nổ đều ở cự ly rất gần cách bộ binh ta chỉ khoảng trên dưới 100m. Bằng cách bắn "ôm nòng" này, ngay đợt đầu đánh địch phản kích hôm ấy rất hiệu quả. Địch không chỉ bị tiêu diệt nhiều mà chúng tôi còn rất thích thú khi thấy rõ nhiều kiểu chết của quan quân Pháp lúc bị xơi những trái đạn cối bắn tới bằng cách bắn "ôm nòng" này của mình...".
Ở mặt trận Điện Biên Phủ sau đợt 1, tại đồi C1, Đại đội 56 bộ binh pháo của anh đã phải liên tục suốt 31 ngày đêm giành giật ác liệt với địch từng ụ súng, từng mét chiến hào và pháo cối phải bắn "ôm nòng" như thế. Đồi này cùng với A1 và C2 ở cụm cứ điểm phía Đông Mường Thanh đã như một "yết hầu" chi phối toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ai chiếm được nơi đây sẽ làm chủ thế trận và có thể với tay tới hầm chỉ huy của tướng De Castries. Bởi vậy cuộc chiến đấu ở các cứ điểm này đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Đại đội pháo cối của Đỗ Văn Phúc gần như ngày nào cũng có tổn thất thương vong. Chính trong lúc chiến đấu ác liệt ấy, ngoài việc tỉnh táo chỉ huy đại đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một đơn vị hỏa lực của trung đoàn, đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc còn bằng tiếng kèn armonica - môn văn nghệ sở trường của mình để cổ vũ tinh thần, chí khí chiến đấu cán bộ chiến sĩ trong đại đội. Anh có được bảo vật này từ đầu chiến dịch Tây Bắc do một chiến hữu đã tặng lại phần thưởng của mình cho anh. Có nó, anh vui hơn nhiều so với hồi đang là học sinh Trường Lương Ngọc Quyến được ông chú ruột mua cho chiếc kèn armonica loại tí hon dành cho trẻ nhỏ. Ngày đó, Phúc cũng thổi thích thú, nhưng chỉ thổi thành tiếng, chẳng thổi được rõ bài hát nào. Còn bây giờ anh nghĩ ngay: "Phải phát huy hết tác dụng của "nàng nica" xinh đẹp này để nàng sẽ như là một thứ "vũ khí" cùng vào trận đánh giặc với mình".
Thế là từ đây với chút vốn võ vẽ về nhạc lý, cứ khi nào rảnh rỗi, chàng "xê" trưởng thư sinh - con trai vùng Quan họ này lại tập dò thổi theo lời những bài hát mà mình đã thuộc. Cứ thế với âm thanh rất nhỏ những ca khúc: Vì nhân dân quên mình, Chiến sĩ ca, Làng tôi, Qua miền Tây Bắc... đã thành tiếng nhạc qua cây kèn và đôi môi của Phúc. Từ đó chẳng bao lâu nó đã rộn ràng, sôi nổi trong các buổi sinh hoạt, trong các chặng nghỉ trên đường hành quân và cả những lúc dừng lại giữa hai đợt đánh. Khi ấy, nhất là những ngày đêm chiến đấu ở đồi C1, các chiến sĩ ở đại đội anh đã mau hồi sức và thấy cái nóng của bom đạn và nắng lửa ở lòng chảo Điện Biên cũng dịu đi. Hiệu quả này đã in rõ trong ánh mắt linh lợi của chính trị viên Vũ Hoài Chương - bạn học cùng thời và cùng xếp bút nghiên tòng chinh một ngày với Phúc. Ngoài hiệu quả đó, chính Hoài Chương đã phát hiện ra tác động còn rất nhiệm mầu khác nữa từ tiếng kèn này nên khi vừa tình cờ gặp đội trưởng Đội tuyên truyền địch vận của mặt trận, Chương đã đưa ngay anh tới hầm chỉ huy đại đội để gặp Phúc. Vừa chào hỏi nhau xong, đội trưởng đã vào đề ngay:
- Như các đồng chí đã biết, mấy đêm nay Đội tuyên truyền của chúng tôi đã đưa chiếc loa có công suất lớn lên một điểm cao trên đồi C1 để phát thanh địch vận sang bên kia đồi, nhưng cứ khi loa phát ra tiếng nói thì bọn địch liền thi nhau bắn ra xối xả nên kết quả chẳng được là bao. Qua anh Chương, tôi đã biết được tài nghệ về cả đánh địch và thổi kèn của anh Phúc. Vì thế bây giờ đề nghị đồng chí Đại đội trưởng bộ binh pháo hãy làm thêm nhiệm vụ một chiến sĩ địch vận bằng cách dùng kèn thổi các bản nhạc, nhất là nhạc nước ngoài qua loa điện xen kẽ trong buổi phát thanh của chúng tôi. Bằng cách làm theo gợi ý của anh Hoài Chương này, tôi tin việc tuyên truyền địch vận của ta nhất định có hiệu quả.
- Vâng, nếu do có thêm tiếng kèn của chúng tôi để có tiếng nói chính nghĩa của chúng ta lọt được vào tai địch làm cho chúng thêm nhanh chóng tan rã ý chí chiến đấu, tôi và anh Chương xin sẵn sàng.
Đại đội trưởng Phúc hồ hởi nhận lời và ngay tối đầu thử nghiệm kết quả đã đúng như dự đoán. Lúc đầu địch đã bắn ra xối xả, nhưng rồi nhịp độ đã thưa dần, có lúc im lặng hẳn khi những bản nhạc trữ tình như One day, Làng tôi... du dương réo rắt bay sang để cho toàn bộ nội dung phân tích về thế thất bại không tránh khỏi và kêu gọi quân sĩ Pháp sớm tìm ra lối thoát cho mình đã đến được trọn vẹn với họ ở bên kia đồi C1.
Đêm sau và các đêm sau nữa hiệu quả cũng tương tự và chắc chắn là bằng các buổi phát thanh địch vận có thêm tiếng kèn này đã góp phần vào việc ta nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm C1 trong ngày tổng tiến công.
Chiếc kèn ấy, tháng 5 năm 2000, Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc đã tặng cho Bảo tàng Cách mạng TP Hồ Chí Minh.
. Hà Bình Nhưỡng
(Báo SGGP)