Đâu có giặc là ta cứ đi…
16:34', 4/5/ 2004 (GMT+7)

Trong những ngày cả đất nước đang sôi động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tên tuổi nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991) cũng được nhắc đến như người đã góp phần làm vang lên giai điệu Điện Biên.

Sinh năm 1922, vào tháng 5 âm lịch, một tháng nhuận, nên cậu con trai họ Đỗ đã được cha đặt cho cái tên Đỗ Nhuận. Khai sinh ngày 10-12-1922 thực ra chỉ là thủ tục trên giấy tờ khi đến tuổi đi học. Rời quê hương Cẩm Bình - Hải Hưng từ rất nhỏ, Đỗ Nhuận lớn lên ở thành phố Hải Phòng, nơi người cha phải phục vụ trong đội Quân nhạc với vai trò lính kèn Tây. Khởi đầu sự nghiệp âm nhạc cũng là lúc chàng thanh niên Đỗ Nhuận bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Vì in và rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng nên Đỗ Nhuận bị bắt giam vào nhà lao Hải Dương, rồi đưa lên Hỏa Lò (Hà Nội) và sau bị đày lên Sơn La (1943).

Nơi đày đọa thể xác lại là nơi tôi luyện tinh thần, nhà tù trở thành trường học chính trị củng cố tư tưởng cho chàng nghệ sĩ trẻ. Là nhạc công chính với những nhạc cụ tự tạo trong ban nhạc nhà tù, Đỗ Nhuận không ngừng cất cao tiếng đàn tiếng hát giữa cảnh nhục hình, ốm đau và chết chóc.

Những năm tháng hào hùng cuối cuộc kháng chiến chống Pháp đã để lại dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Nhuận. Hành quân xa (1953) được xuất thần từ một mệnh lệnh truyền đi trong đoàn bộ đội hành quân lên Tây Bắc: Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi. Trên đồi Him Lam (1954) cất lên trong đêm đánh trận đầu tiên mở đường máu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên (1954) - hành khúc chiến thắng của cả dân tộc được khởi xướng trong trận cuối cùng, vào thời khắc lịch sử kết thúc chiến dịch vẻ vang. Cũng từ đó, Đỗ Nhuận chính thức được coi là một trong những người thông nguồn dẫn mạch cho hành khúc - một dòng chảy mạnh mẽ trong nền nhạc mới Việt Nam nửa sau thế kỷ XX.

- Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ

Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi

Mắt ta sáng, chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước

Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…

Theo nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho biết thì tên chính thức của bài hát này là "Hành quân xa". Sau này cũng có lúc nhạc sĩ lấy câu cuối của bài hát mà đặt tên, thành ra bài hát này có hai đầu đề, nhưng cái tên "Đâu có giặc là ta cứ đi" mang một ý nghĩa chiến lược lâu dài. Nhạc sĩ cho rằng: kẻ thù dù là Pháp hay Mỹ, ngụy, hay một thế lực nào khác sau này thì cũng đều là "giặc xâm lăng". Bởi vậy bộ đội ta vẫn hát bài hát đó, bên cạnh những bài mới trong kháng chiến chống Mỹ.

Kể về hoàn cảnh ra đời của bài hát "Hành quân xa", nhạc sĩ  từng viết:

"Thu Đông 1953, tôi mới đang tuổi thanh niên xuất phát từ Đại Từ, đi bộ cùng đơn vị súng cối, thuộc đơn vị 308. Cán bộ cấp trên phổ biến về chiến dịch Trần Đình xong, thì bộ đội ta nảy ra thắc mắc: trên bản đồ nước ta làm gì có tên "Trần Đình". Rồi một anh ra vẻ hiểu biết nói: có lẽ ta hành quân nghi binh, qua Nghĩa Lộ rồi về đánh đồng bằng. Người khác nói: "Vô lý, tốn sức, mất thì giờ". Một anh nào đó cất cao giọng cho tất cả đơn vị nghe rõ: "Thôi, dẹp thắc mắc nhé! Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!". Tôi ngồi đấy nghe như lóe lên một tia chớp, tôi ghi vội vào sổ tay câu nói có tính chiến lược ấy, và sau tôi cho vào đoạn kết của bài.

Khi tiếp tục hành quân, sương mù, sáng trăng suông - tôi vừa đi vừa cấu trúc bài hát. Hai câu đầu theo thể bảy chữ (song thất).

Hành quân xa (dẫu ) qua nhiều gian khổ

Vai vác nặng ta (đã) đổ mồ hôi

Bài này thể một đoạn, cấu trúc chân phương, hơi nhạc dân tộc đậm đà, nên bộ đội dễ hát. Khi lên Sơn La, lại nhớ tới đoạn đường từ Suối Rút qua Mộc Châu hồi đó tôi bị đi đày, tay xích tay, cứ 4 người một, đi bộ 15 ngày lên nhà tù Sơn La năm 1943. Khi bộ đội ngủ lại ở bản Chiềng Lề, tôi lên thăm lại nhà tù Sơn La, một mình ngồi trong nhà tù đổ nát, tôi viết tiếp lời ba: "Bọn xâm lăng kia nó gây nhiều đau khổ…". Và lời bốn: "Nhằm cho tin, sắp tới giờ súng nổ…"

Nghĩ lại mười năm trước cả nước còn bị trong vòng nô lệ, nay mình là một thanh niên trong hàng quân đi giải phóng dân tộc, ý nghĩ đó đã gây cho tôi một sự tin tưởng vào sự sáng suốt của Đảng: Cuộc kháng chiến này nhất định thắng lợi...".

Khi bài "Hành quân xa" ra đời, nhiều nhạc sĩ đã đánh giá cao, cho rằng đây là mẫu mực của việc tìm ra ngôn ngữ dân tộc hiện đại trong thể loại hành khúc quân đội.

. Thùy Dung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đâu có giặc là ta cứ đi…   (04/05/2004)
Người thổi kèn địch vận ở Điện Biên Phủ   (03/05/2004)
Anh bộ đội Cụ Hồ trong ca dao chống Pháp 1945-1954  (02/05/2004)
Trăm năm sóng biển  (30/04/2004)
Thời sự văn nghệ  (29/04/2004)
Ca dao về đại thắng mùa xuân 1975  (29/04/2004)
Thời sự văn nghệ  (29/04/2004)
Một ám ảnh kép  (27/04/2004)
Bài hát "Tiến về Sài Gòn" ra đời khi nào?  (26/04/2004)
Tháp Chàm và Đường Thi   (26/04/2004)
Nguyễn Thanh Mừng và những bài thơ "còn hoài trong vở"  (25/04/2004)
Tìm một đóa hồng   (23/04/2004)
Kỷ niệm về sự ra đời bài hát "Tiến bước dưới quân kỳ"   (23/04/2004)
Tác giả kịch bản trẻ với phim Hoa và nước mắt   (22/04/2004)
"Giải phóng Điện Biên" - một bài ca bất hủ  (22/04/2004)