Liên hoan nghệ thuật quần chúng (LHNTQC) Âm vang Điện Biên là một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức quy mô ở tỉnh ta. Ghi nhận của PV Báo Bình Định về LH này…
|
Tiết mục của Đoàn Quy Nhơn tại LH |
Với thời lượng từ 35 đến 45 phút/đơn vị, 19 đơn vị tham gia LH. Trong đó có 9 cơ quan, doanh nghiệp, trường học và đơn vị lực lượng vũ trang (đợt 1) và 10 huyện, thành phố trong tỉnh (đợt 2) biểu diễn khoảng hơn một trăm tiết mục. Các tiết mục đa dạng về thể loại, tập trung quanh chủ đề lớn là ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng. Có thể khẳng định: đây là một LHNTQC có quy mô rộng lớn trong toàn tỉnh và có một ý nghĩa sâu sắc nhằm góp phần ôn lại truyền thống quật cường, khí phách anh hùng của các thế hệ cha anh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
So với các LH lần trước, tuy LH lần này số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học tham gia ít hơn, song mặt thành công đầu tiên là đa phần các đơn vị đều có sự tổ chức hết sức chặt chẽ, chu đáo, thể hiện trong việc lựa chọn diễn viên, nhạc công, chuẩn bị đạo cụ, trang phục, xây dựng thời lượng chương trình, chủ đề nội dung phù hợp với yêu cầu của Ban tổ chức. Chỉ riêng Đợt 1 đã có trên 400 diễn viên, nhạc công tham gia, trong đó, riêng Trường Đại học Quy Nhơn có tới trên 200 diễn viên, nhạc công tham gia. Đợt 2 có gần 500 diễn viên thuộc 10 đoàn đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh, tạo cho thị trấn Bình Định một không khí náo nức, tưng bừng. Đoàn Quy Nhơn ngoài một chương trình được chuẩn bị công phu, còn có thêm một lực lượng cổ động viên khá mạnh. Gần trăm bạn trẻ, trong sắc áo xanh thanh niên, đi xe máy từ Quy Nhơn lên thị trấn Bình Định để cổ vũ. Qua đó, góp phần mang lại cho LH một không khí hào hứng, sôi động từ đêm khai mạc đến buổi tổng kết. Theo Ban tổ chức, những đêm LH đã thu hút có hàng nghìn khán giả đến xem và cổ vũ.
Các tiết mục tham gia rất phong phú về nội dung chủ đề và đa dạng về thể loại, thể hiện đúng chủ đề lớn của LH là ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ chủ đề lớn này, các đơn vị đã có chọn lọc những tác phẩm với chủ đề ca ngợi về Đảng, về Bác Hồ, về Quân đội Nhân dân Việt Nam, về tình đoàn kết quân dân… là những nhân tố làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Từ những chủ đề đó, nhiều đơn vị đã có sự khéo léo trong cách chọn lựa thể hiện như liên khúc múa hát, hợp xướng, hợp ca, tốp ca, kết hợp múa minh họa bằng đạo cụ, trang phục đẹp và phù hợp nội dung nên đã có sức cuốn hút với người xem. Có thể kể đến các tiết mục như: Liên khúc múa hát Lá cờ Đảng - chiến thắng Điện Biên của Tiểu đoàn Bộ binh 52, Bài ca non song của Ngân hàng Công thương Bình Định, Qua miền Tây Bắc của Hải Đoàn 48, liên khúc Âm vang Điện Biên của Công ty Xổ số Kiến thiết tỉnh, hợp xướng Nhớ Điện Biên của Đại học Quy Nhơn, Qua miền Tây Bắc của Công ty Cổ phần Đường Bình Định, Hoa của núi của Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định…
Ngoài việc xây dựng các liên khúc kết hợp các thể loại, các đơn vị còn mạnh dạn xây dựng các tiết mục tự biên hát, múa, kịch dân ca về chủ đề Bộ đội Cụ Hồ, về Đảng, về Điện Biên đã tạo nên bất ngờ tại LH. Đặc biệt, có đơn vị còn xây dựng tiết mục ca kịch bài chòi khá ấn tượng. Có thể kể đến các tiết mục như: Câu chuyện một con đường (Tiểu đoàn Bộ binh 52), song tấu Vang mãi một niềm tin (Công ty Xổ số Kiến thiết tỉnh), Sáng mãi một niềm tin (Công ty Cổ phần Đường Bình Định), Hoa ban nở (Chi nhánh Ngân hàng Công thương)… Qua đó, tạo sự lôi cuốn, bất ngờ, thu hút khán giả xem và cổ vũ nhiệt tình.
Một thành công khác của LH lần này, như nhận xét của ông Nguyễn An Pha, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Trưởng Ban Giám khảo, ngoài những hạt nhân gạo cội như Thành Song, Ngọc Lài, Quang Phú... qua LH, chúng ta còn thấy xuất hiện thêm những gương mặt, những hạt nhân mới trẻ trong phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh nhà như Văn Dũng - Xuân Lan, Hồng Tâm, Anh Ánh, Minh Thuận, Hồng Hạnh…
Tuy có những thành công như vậy, chương trình cũng đã bộc lộ một số hạn chế: một số chương trình còn sơ sài trong khâu dàn dựng, chủ đề không rõ, mang hình thức lắp ghép, thậm chí thiếu thể loại. Một số đơn vị có phong trào văn nghệ mạnh nhiều năm thì tại LH này lại yếu rõ rệt. Có một số tiết mục tuy phản ánh đúng chủ đề, nhưng chất lượng nghệ thuật lại chưa cao do chưa đầu tư đúng mức cho công tác luyện tập, dàn dựng… Đáng suy nghĩ nhất là các tiết mục tham gia LH tập trung nhiều vào thể loại ca, múa nhạc; trong khi đó, những bài dân ca, nhạc cụ truyền thống là vốn quý của địa phương lại còn mờ nhạt. Đợt 1 của LH thiếu một số đơn vị có phong trào văn nghệ quần chúng mạnh và đợt 2 còn thiếu một huyện không tham gia.
Những lời ca, tiếng hát ấy đi vào lòng người, âm vang trong mỗi chúng ta niềm tự hào, tin tưởng. LH đã góp phần ôn lại truyền thống Điện Biên vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, và thúc giục thế hệ hôm nay tiếp bước.
. Khải Nhân
|