Nhà văn Nguyễn Khắc Phục với bộ tiểu thuyết Thăng Long ký
16:17', 6/5/ 2004 (GMT+7)

Mới đây, Nxb. Thanh niên cho tái bản quyển một có sửa chữa, bổ sung Kinh đô rồng, xuất bản tiếp quyển hai Một mất một còn và quyển ba Thời vàng son. Đây là ba tập đầu trong bộ tiểu thuyết trường thiên dự kiến dài 20 tập Thăng Long ký của nhà văn Nguyễn Khắc Phục.

Thời gian lịch sử được phản ánh trong bộ tiểu thuyết này được bắt đầu khi vua Lý Thái Tổ viết Chiếu dời đô (năm 1010) và khép lại lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (năm 1945). Một bộ tiểu thuyết trải dài cả ngàn năm lịch sử, chỉ bấy nhiêu cũng đã cho thấy quy mô của nó. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề tư liệu. Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nguồn tài liệu chính thống về Thăng Long như Đại Việt sử ký toàn thư không nhiều. Do vậy, muốn viết về quá khứ, tái hiện lại diện mạo một thời nào đó thật gian nan.

Để vượt qua được khó khăn này, Nguyễn Khắc Phục đã khéo léo trong việc xử lý mối quan hệ giữa sáng tạo tiểu thuyết và sự thật lịch sử. Ông không chỉ đóng khung trong các sự kiện lịch sử được các sử gia ghi chép mà khéo léo trong việc vận dụng huyền thoại. Bởi nói như tác giả, bản thân huyền thoại tuy không phải là lịch sử, nhưng ở những cấp độ khác nhau, mỗi huyền thoại lại chính là hình ảnh một hiện thực nào đó được phóng chiếu qua một thấu kính. Và qua đó, chúng ta có thể hình dung được các sự kiện lịch sử đã "biến dạng" như thế nào khi đi qua tâm thức dân gian. Mặt khác, việc sử dụng huyền thoại một cách tương hợp và nhuần nhuyễn sẽ làm cho chất tiểu thuyết trở nên rực rỡ hơn, lấp lánh hơn và đa nghĩa hơn.

Nguyễn Khắc Phục phần nào đã làm được điều đó. Do vậy, đọc các tập sách này, chúng ta như được thấu nhập vào ký ức cộng đồng được nối dài qua các thế hệ. Với bút pháp "Thoáng đạt nhưng vẫn nghiêm, bay bổng phiêu du cùng trí tưởng tượng nhưng vẫn neo chặt vào những gì được coi là sử liệu", như nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận xét trong lời bạt tập 1, tạo cho những trang văn một sức cuốn hút riêng.

Dẫu vậy, ngay từ những tập đầu tiên này, đã bộc lộ một số hạn chế. Có lẽ, do tham vọng bao quát cả ngàn năm lịch sử, với rất nhiều hệ nhân vật, nên tập sách không tránh khỏi cảm giác đơn điệu. Văn phong tuy thoáng đạt, nhưng vẫn chưa đủ vợi đi trong người đọc cái cảm giác nặng nề, nhất là khi phải dõi qua cả hàng ngàn trang sách. Những nhân vật, được dàn ra theo những sự kiện lịch sử nên hơi thiếu bề dày cá tính. Bởi vậy, cái đọng lại trong người đọc không thật nhiều.

Một băn khoăn khác của người đọc là công trình quá đồ sộ, dày tới 20 cuốn, mỗi cuốn dày chừng 500 đến 600 trang, vậy mà tác giả mới thực hiện đến cuốn thứ ba đã mất… 9 năm. Chẳng hiểu, với 17 cuốn còn lại, bộ sách này bao giờ sẽ hoàn thành. Trước đây, Nguyễn Khắc Phục đã một lần lỗi hẹn với người đọc khi cả bộ tiểu thuyết đồ sộ dự kiến 4 tập Bay qua cõi chết ông mới chỉ kịp hoàn thành hai tập đầu Học phí trả bằng máuThành phố đứng đầu gió. Liệu Thăng Long ký có thêm một lần lỗi hẹn?

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thời sự văn nghệ   (06/05/2004)
Âm vang Điện Biên trên quê hương Bình Định   (06/05/2004)
Rượu Điện Biên   (05/05/2004)
Đâu có giặc là ta cứ đi…   (04/05/2004)
Người thổi kèn địch vận ở Điện Biên Phủ   (03/05/2004)
Anh bộ đội Cụ Hồ trong ca dao chống Pháp 1945-1954  (02/05/2004)
Trăm năm sóng biển  (30/04/2004)
Thời sự văn nghệ  (29/04/2004)
Ca dao về đại thắng mùa xuân 1975  (29/04/2004)
Thời sự văn nghệ  (29/04/2004)
Một ám ảnh kép  (27/04/2004)
Bài hát "Tiến về Sài Gòn" ra đời khi nào?  (26/04/2004)
Tháp Chàm và Đường Thi   (26/04/2004)
Nguyễn Thanh Mừng và những bài thơ "còn hoài trong vở"  (25/04/2004)
Tìm một đóa hồng   (23/04/2004)