"Con đường lao tâm khổ tứ" là cách nói của NSƯT Đặng Minh Ngọc (diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn) về bước đường đến và gắn bó với nghệ thuật tuồng của anh. Sinh ra và lớn lên ở xã Cát Trinh (huyện Phù Cát), một vùng quê giàu truyền thống nghệ thuật tuồng, ngay từ rất sớm, những điệu hát, lời ca của các vở tuồng đã nhen nhóm trong anh tình yêu với nghệ thuật.
|
Minh Ngọc trong vai Đào Duy Từ, vở "Đi tìm chân Chúa" |
Ngay từ những ngày còn bé, Minh Ngọc đã rất mê hát, và anh thường bỏ học đi theo gánh bài chòi cổ của ông ngoại lang thang khắp các xóm làng. Rồi một lần, Minh Ngọc nhớ lại: "Đó là vào năm 1976, khi Đoàn Tuồng Liên khu V về diễn vở "Trần Quốc Toản ra quân", xem xong, đêm về tôi cứ nằm mơ thấy Trần Quốc Toản. Tôi nài nỉ mẹ: "Mai mốt lớn, mẹ cho con theo nghề hát tuồng".
Lúc này, trong thôn, có thầy Sơn, một thầy tuồng nổi tiếng của Phù Cát, đang dạy hát tuồng, vậy là Minh Ngọc xin theo học. Và người thầy đầu tiên này đã dẫn dắt anh bước những bước đầu tiên vào nghệ thuật. Khi Đoàn tuồng Đồng Ấu Phù Cát được thành lập thì Minh Ngọc, khi đó hãy còn là cậu bé mới 14 tuổi, trở thành diễn viên đầu tiên rồi kép chính của đoàn.
Năm 1979, nhân có Hội thi tiếng hát hay sân khấu Tuồng không chuyên toàn tỉnh, Minh Ngọc được cử tham gia và đoạt ngay giải nhì. Giải thưởng đầu tiên này lại càng như một động lực thôi thúc anh dấn bước sâu hơn vào nghiệp hát. Năm 1981, Minh Ngọc lại lọt vào mắt xanh của Đoàn Tuồng Nghĩa Bình (nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn). Ở đây, ngoài sự hăng say luyện tập, anh còn được các nghệ sĩ bậc thầy như NSND Võ Sỹ Thừa, NSND Đình Bôi trực tiếp dìu dắt, truyền nghề, nên đã nhanh chóng trưởng thành về nghề.
Minh Ngọc diễn khá đa dạng, tướng có, lão có, hề có… nhưng sở trường của anh vẫn là kép võ. Những vai này thường là những vai tính cách nên vừa phải múa nhiều lại thêm biểu diễn nội tâm, bởi thế, mỗi lần vào vai là mỗi lần Minh Ngọc phải đổ bao công sức vào tập luyện. Nhưng để đi đến thành công, dù nhỏ, thì sự lao tâm khổ tứ đó với anh là tất yếu. Do vậy, anh luôn chịu khó học hỏi, tìm tòi. Nhiều người trong Nhà hát còn nhớ, có lần tập đoạn lão tướng Trần Dĩnh tự tử, Minh Ngọc đã nhập vai đâm cả kiếm gỗ vào bụng, chảy máu. Và những huy chương vàng, bạc các loại anh mà giật được trong mấy mươi năm qua chính là những phần thưởng xứng đáng cho con đường lao tâm khổ tứ đó. Đó là một lão tướng Trần Dĩnh (trong Nỗi oan tình) đạt Huy chương vàng Hội thi các trích đoạn tuồng hay toàn quốc, rồi gã lái buôn Nguyễn Đồ gian manh xảo quyệt trong Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc đạt Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995; rồi Chu Du với lối diễn xuất tinh tế, già dặn trong Nhị khí Chu Du đạt ngay giải nhất Hội thi tài năng trẻ sân khấu tuồng toàn quốc năm 1998…
Đặc biệt, anh đã rất thành công ở vai Quang Trung trong hai vở Trời Nam và Mặt trời đêm thế kỷ. Trong đó, vở Trời Nam đoạt Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999. Theo nhận xét của người trong nghề, Minh Ngọc không chỉ diễn thành công cái uy, dũng của Quang Trung, mà còn thể hiện hình tượng người anh hùng này một cách thật gần gũi.
Theo Minh Ngọc: "Người nghệ sĩ không chỉ là phương tiện minh họa vở diễn mà còn có sứ mệnh thiêng liêng là chuyển tải đến khán giả những triết lý sâu xa mà tác giả gửi gắm qua kịch bản". Và anh đã thực hiện được tâm niệm đó trên sân khấu qua các vai diễn. Danh hiệu NSƯT mà Nhà nước phong tặng năm 2001 là sự khẳng định với những đóng góp của Minh Ngọc trên sân khấu Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Và người xem có thể hy vọng, với ưu thế về ngoại hình, hát hay, chịu khó học hỏi, người nghệ sĩ này sẽ còn gặt hái thêm nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.
. Khải Nhân |