Công chúng yêu âm nhạc cả nước hẳn không xa lạ gì với nhạc sĩ Thuận Yến. Ông là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng được đông đảo người nghe nhạc yêu thích như: Người mẹ miền Nam tay không đánh giặc, Mỗi bước ta đi, Bài ca đội nữ tiếp vận, Hương tràm, Chia tay hoàng hôn … Đặc biệt ông đã có những thành công lớn ở mảng sáng tác về Bác Hồ với 4 bài hát xuất sắc: Bác Hồ-một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác và Người về thăm quê.
Thuận Yến kể rằng, ngày còn nhỏ, ông nghe người dân quê ông (Đà Nẵng) đồn đại rằng Bác không phải người thường. Bác như vị thánh, có cái tai to bằng bàn tay có con mắt với 2 con ngươi… khiến ông càng tò mò muốn hiểu Bác nhiều hơn. Năm 1954, tập kết ra Bắc, vào dịp Quốc khánh, Thuận Yến có dịp thấy Bác qua ảnh nhưng ông vẫn muốn đến quảng trường Ba Đình để ngắm Bác, nhưng không được. Năm 1967, ông vào chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa làm một chiến sĩ văn công. Rồi ông lại cùng những văn công giải phóng khác ra Bắc và được biểu diễn cho Bác xem. Đấy là lần đầu tiên, Thuận Yến được nhìn rất gần và tiếp xúc với Bác.
Mùa xuân năm 1968, quân dân ta ở chiến trường miền Nam gặp một số khó khăn, Bác gởi thư cho bà con Trị Thiên-Huế động viên và căn dặn một số điều. Lúc ấy, Thuận Yến ở trong hầm chiến khu, đã đọc thư Bác và xúc động viết bài hát Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin. Bài hát khai thác chất liệu dân ca Huế nhưng chưa có sáng tạo gì đặc biệt. Đó là bài hát đầu tiên của ông viết về Bác. Lần thứ hai, sau khi Bác từ trần, cùng với niềm đau thương của toàn dân tộc, ông viết bài Mẹ ru theo tiếng Bác Hồ. Chất nghẹn ngào, bi lụy khiến bài hát không vượt qua những bài hát khác …
Thuận Yến thấy sau 2 bài hát không thành công, ông như mắc nợ với chính mình. Năm 1979, để chuẩn bị cho 90 năm ngày sinh của Bác, NXB Văn Hóa đặt hàng cho một số nhạc sĩ viết về Bác. Đến hạn nộp bài mà ông vẫn chưa có tác phẩm. Ông có phần run tay trước nhiều bài hát hay của các nhạc sĩ khác. Nhưng ông nhận ra một điều là hầu hết các nhạc sĩ đều nghiêng về ca ngợi công đức của Bác ở những tầm rất cao siêu, mang tính lí tưởng, khái quát. Ông nghĩ tới việc khắc họa Bác trong đời thường, gần gũi với những người bình dân nhất. Ông nhớ tới 2 câu thơ của Tố Hữu:
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu chảy
Thế là bài Bác Hồ - một tình yêu bao la ra đời. Tiết tấu slow - rock đã khiến bài hát trở nên gần gũi với lớp trẻ. Khi viết về chủ đề lớn, giới nhạc sĩ ít nghĩ đến nhạc nhẹ, nhưng ở đây Thuận Yến đã thành công. Bài hát dung dị, tha thiết dễ được số đông người dân ưa thích, nhưng giai điệu lại rất trang trọng, nếu dựng thành hình thức hợp xướng vẫn rất bề thế.
Năm 1984, lúc nầy công trình lăng Bác đã hoàn thành, thi hài Bác đã đặt trong Lăng để bà con xa gần thăm viếng. Bộ Tư lệnh Lăng mời Thuận Yến sáng tác về sự kiện nầy, với yêu cầu: Không ca ngợi Bác chung chung như nhiều bài hát đã có mà nói cụ thể về việc bảo vệ Lăng của các chiến sĩ, từ đó thấy được tình cảm của họ dành cho vị lãnh tụ kính yêu. Cảm xúc thì có nhưng ông bí lời. Đúng lúc đó, ông nhận được bài thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhan đề Trăng lên. Thế là nhạc sĩ phổ thành bài hát Vầng trăng Ba Đình. Bài hát mở đầu bằng mấy câu hát tự do như lối hát vỉa trong chèo:
Trăng lên! Kìa trăng lên! Quảng trường dâng biển sáng
Ơi, vầng trăng Ba Đình. Mênh mông và thiêng liêng
Sự kết hợp các chất liệu ca trù, chèo với ví dặm đã tạo nên một giai điệu đậm đà phong vị dân tộc, khiến bài hát nhanh chóng đi vào lòng người.
Vào năm 1988, một lần về thăm quê ở Đà Nẵng, bạn bè nói với ông rằng ông chưa viết gì cho quê hương. Rồi nhân đọc cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, ông rất xúc động trước hành trình tìm đường cứu nước của Bác. Ở miền Trung, Bác có ghé thăm cha ở Bình Khê (Tây Sơn, Bình Định). Và thế là, bài hát Miền Trung nhớ Bác ra đời. Giai điệu bài hát thật ngọt ngào, đằm thắm:
Trời Bình Khê xanh trong, bát ngát, lưu luyến một chiều Bác đến thăm cha, chia sẻ ngọt bùi trước lúc đi xa…
Bài hát đặc sệt âm hưởng dân ca miền Trung.
Rồi năm 1989, Thuận Yến lại được tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) mời vào sáng tác chuẩn bị cho kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Tỉnh yêu cầu sáng tác làm sao để người nghe thấy rõ yếu tố quê hương đã tạo nên con người vĩ đại là Bác, làm nổi bật hình tượng Bác gắn bó với quê hương. Những kỷ niệm về những lần ở quê hương của Bác đã thức dậy trong tâm thức của Thuận Yến, nhạc sĩ đã nhanh chóng hoàn thành bài hát Người về thăm quê với giai điệu thật cảm động:
Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương
Người về đây thăm làng Chùa quê mẹ, làng Sen quê cha…
Bài hát gợi lại những kỷ niệm về Bác khiến cho người nghe rất dễ trào nước mắt:
Đi suốt cuộc đời mới được thăm quê hương
Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt cửi
Gặp lại giọng trầm đêm trăng cha làm thơ…
Như vậy, với 4 bài hát đặc sắc được công chúng rất tán thưởng, có thể nói nhạc sĩ Thuận Yến là nhạc sĩ viết được nhiều bài hát hay về Bác Hồ. Tất cả những bài hát trên đều sử dụng chất liệu dân ca các miền rất thành công. Đó là điều không dễ có đối với cùng một nhạc sĩ.
. Thùy Dung |