Trong nhiều họa sĩ thành danh của nền hội họa Việt Nam đương đại, có người đã dành cả cuộc đời để thể hiện hình tượng Bác Hồ. Các tác phẩm của họ biểu lộ sự tôn kính, trân trọng và mến yêu vô bờ đối với người anh hùng vĩ đại của dân tộc.
Ai sáng tác về Bác Hồ đều thấy đây là đề tài khó, vì Bác là biểu tượng cao nhất của nhân cách và tâm hồn Việt Nam, tích tụ mọi tinh hoa của dân tộc và thời đại.
Chân dung Bác Hồ được đưa vào tem thư (con tem đầu tiên do họa sĩ Nguyễn Sáng sáng tác năm 1945 đã là niềm tự hào của ngành Bưu chính) như một thông điệp của nhân dân Việt Nam công bố cả thế giới chân dung vị lãnh tụ dân tộc mình, đánh dấu một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Năm 1946, họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung được Hội Văn hóa cứu quốc cử vào Bắc Bộ Phủ xin vẽ Bác. Trong bức sơn dầu nổi tiếng Hồ Chủ tịch làm việc ở Bắc Bộ Phủ (1946) họa sĩ Tô Ngọc Vân đã thể hiện sinh động chân dung của Người mang dấu ấn của nhiều năm bôn ba gian khổ hoạt động cách mạng. Đó là hình ảnh Bác với dáng người gầy, trong bộ kaki, gương mặt trầm tư đang dồn tâm trí đến vận mệnh đất nước. Với bút pháp khỏe, họa sĩ đã tạo được một bức tranh có sức truyền cảm mạnh.
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung ở khu V, trong hoàn cảnh khó khăn của kháng chiến cũng đã dùng thể loại khắc gỗ để sáng tác bức tranh nổi tiếng Bác Hồ năm 1946. Ở bức khắc gỗ này chân dung Bác được thể hiện chiều nhìn nghiêng. Đây là một phác hình rất đẹp có sức khái quát sâu.
Chiến khu Việt Bắc với căn cứ địa Pắc Bó là nguồn cảm hứng cho các họa sĩ khai thác tạo hình. Họa sĩ Trần Văn Cẩn với tranh Bác Hồ bên suối Lê Nin thể hiện Bác với phong thái thật ung dung. Họa sĩ Trịnh Phòng với bức sơn dầu Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng, tái hiện một khung cảnh thiên nhiên ở Pắc Bó, bên phiến đá làm bàn viết, thể hiện phong cách giản dị của Bác. Cũng ở tại Pắc Bó họa sĩ Nguyễn Văn Chiến đã thực hiện bức sơn dầu Đầu nguồn cách mạng. Tranh thể hiện Bác với bộ quân phục bạc màu, đang làm việc bên suối Lê Nin. Nền tranh là hang Pắc Bó có tượng Các Mác do chính tay Bác tạc lên và ý thơ gợi cảm qua nhành phong lan bên khe đá, một loại hoa mà sinh thời Bác rất ưa chuộng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, với Bác, "miền Nam luôn trong trái tim tôi" nên khi các dũng sĩ miền Nam được ra gặp Bác thì Bác rất vui. Tranh Bác Hồ với dũng sĩ miền Nam của Quang Thọ đã thể hiện Bác với các dũng sĩ miền Nam trên cầu, trong khu ao vườn Bác. Họa sĩ Vương Trình thể hiện Bác trong một bức tranh đẹp: Bác Hồ với anh hùng chiến sĩ thi đua, Bác Hồ với nông dân, Bác Hồ với bộ đội pháo. Huy Toàn và Dương Bích Liên cùng gặp nhau ở ý tưởng khi cùng chọn đề tài Bác đi chiến dịch. Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện thể hiện Bác đang cùng bộ đội hành quân; Văn Đa thể hiện Bác với bộ đội trong rừng; Trọng Kiệm thể hiện Bác đi chiến dịch với chiến sĩ; Phạm Văn Đôn với tranh Đêm nay Bác không ngủ; Trần Đình Thọ thể hiện Bác cùng các đồng chí Trung ương đang trên bàn chỉ huy trong tranh Điện Biên Phủ; Đỗ Hiển với tranh Bác Hồ với trận địa phòng không… Họa sĩ Văn Giáo có một loạt tranh về Bác. Các tranh Trở về biên giới 1941, Bác đọc bia ở Côn Sơn, Bác soạn tuyên ngôn ở Hàng Ngang, Bác với nông dân là những tranh bột màu đẹp của ông.
Trong hoàn cảnh kháng chiến, ở miền Nam xa Bác, ít hình ảnh của Bác, trong khi đồng bào rất mong đợi Bác, họa sĩ Diệp Minh Châu đã vẽ rất nhiều chân dung Người để tặng họ. Tháng 9-1947, từ Nam bộ, họa sĩ trân trọng gửi ra Bắc bức tranh lụa Bác Hồ với thiếu nhi Trung - Nam - Bắc được vẽ bằng máu của mình trên nền tấm lụa - một chiến lợi phẩm ở Giồng Dừa (4-1947).
Hình tượng Bác còn được nhiều họa sĩ sáng tạo qua thể loại tranh cổ động. Họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oánh với bức Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân; Họa sĩ Quang Phòng thể hiện Đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Họa sĩ Lê Huy Trấp đã dùng lối vẽ nét trắng hình Bác lên nền sẫm, khắc họa đậm nét hình Bác qua tiếng nói của đồ họa. Với thể loại tranh ghép mảnh phác thảo, Lê Hải Anh và tập thể trường Đại học Nghệ thuật Huế thể hiện hình tượng Bác đang chỉ huy dàn nhạc và dàn hợp xướng...
Một sự kiện gây ngạc nhiên cho công chúng yêu hội họa là phòng tranh của họa sĩ Phạm Lung gồm 28 bức tranh chân dung Bác Hồ (khổ lớn 1,6m x 1,6m, chất liệu sơn dầu). Triển lãm kéo dài một tháng do Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Người.
Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta đã đi xa, nhưng sự nghiệp của Người và cả những tác phẩm nghệ thuật sáng tác về hình tượng Người luôn được lưu giữ trong bảo tàng, lưu giữ trong lòng các họa sĩ, trong mỗi trái tim của nhân dân Việt Nam.
. Nguyễn Chơn Hiền
|