Sau 5 năm thực hiện Chính sách phát triển văn học - nghệ thuật (1999 - 2004):
Hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật phong phú hơn
12:20', 21/5/ 2004 (GMT+7)

Năm 2004 này, tròn 5 năm Bình Định thực hiện Chính sách phát triển Văn học - nghệ thuật (CSPTVHNT). Để đánh giá lại kết quả 5 năm  thực hiện CS, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh.

* Xin ông có thể đánh giá kết quả 5 năm thực hiện CSPT VHNT ở Bình Định?

- CSPTVHNT ở Bình Định bao gồm sự khuyến khích toàn bộ các hoạt động VHNT: về đào tạo văn nghệ sĩ và cán bộ dự nguồn, về hỗ trợ thâm nhập thực tế, dự trại sáng tác, về Tạp chí Văn nghệ Bình Định, về các loại hình giải thưởng, về bảo hộ quyền tác giả và phổ biến tác phẩm theo đặc trưng thể loại… Ngoài kinh phí được cấp cho bộ máy, còn lại là kinh phí cấp cho CSPTVHNT. Trên thực tế, Bình Định là một trong những tỉnh tiên phong trên lĩnh vực này, điều đó được minh chứng bằng việc Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam đã sao chụp toàn bộ các văn bản của Bình Định làm tài liệu cho các Hội VHNT các tỉnh, thành phố tham khảo. Hội VHNT Bình Định đã được chọn báo cáo điển hình trong Hội nghị cán bộ chủ chốt các Hội VHNT.

Một cảnh trong vở Trời Nam của Nhà hát Tuồng Đào Tấn

Sau 5 năm thực hiện CSPTVHNT, hoạt động sáng tạo VHNT đã đạt được nhiều kết quả rất đáng phấn khởi. Được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng, phong phú hơn về nội dung và đa dạng hơn về đề tài. Văn nghệ sĩ không ngừng được phát triển từ đội ngũ đến trình độ năng lực. Hàng nghìn đơn vị tác phẩm trên các loại hình được chọn lọc sử dụng và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân. 39 tập tác phẩm đã được trao giải thưởng VHNT Xuân Diệu - Đào Tấn với tổng giá trị lên đến 300 triệu đồng. Đặc biệt, lần đầu tiên Bình Định có giải A về sáng tác do Hội Trung ương trao tặng. Gần 30 tác phẩm của các văn nghệ sĩ đạt giải và huy chương của các hội chuyên ngành Trung ương đã được tặng thưởng theo CSPTVHNT. Ngoài ra, khoảng 30 tác phẩm và các cuộc triển lãm được hỗ trợ theo CSPTVHNT. Hội VHNT tỉnh cũng đã tổ chức cuộc thi ca khúc Bình Định, thi ảnh nghệ thuật, tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tổ chức hoặc tạo điều kiện cho hàng trăm lượt văn nghệ sĩ dự các trại sáng tác Đà Lạt, Vũng Tàu, Tam Đảo và các trại viết Quy Nhơn, Phú Yên... Ngoài ra, còn có các chương trình thâm nhập thực tế sáng tác trong tỉnh. 34 số Tạp chí Văn nghệ Bình Định cũng đã chuyển tải hàng nghìn tác phẩm của anh chị em. Tập Thơ Bình Định thế kỷ XX với 700 trang in của hàng trăm tác giả cũng nằm trong diện "phủ sóng" của CSPTVHNT.

* CSPTVHN đã ưu tiên cho một số mảng đề tài, một số tác giả, nhưng lại chưa đặt chất lượng tác phẩm như một tiêu chí ưu tiên. Tuy nhiên, đích đến cuối cùng của mọi hoạt động sáng tạo VHNT là vươn tới tác phẩm đỉnh cao. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, chính sách sẽ có gì thay đổi? Liệu chúng ta có thể đặt hàng cho các tác giả cụ thể để có được những tác phẩm hay như một số Hội chuyên ngành Trung ương đã làm?

- Thời gian qua, CSPTVHNT cũng đã tiến hành tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm đạt chất lượng, đã đạt giải của các hội chuyên ngành Trung ương. Đây cũng là một trong những tiêu chí xét giải VHNT Xuân Diệu - Đào Tấn. Tuy nhiên sắp tới, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh nhằm khuyến khích những tác phẩm về công cuộc đổi mới, thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại.

Ở các hội chuyên ngành Trung ương, việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT theo cơ chế Nhà nước đặt hàng chủ yếu tập trung ở các mảng đề tài lịch sử dân tộc, cách mạng kháng chiến, công cuộc đổi mới, những nhân tố tích cực trong xã hội, thiếu niên, nhi đồng, dân tộc thiểu số… Việc hỗ trợ này được làm dưới hình thức xét duyệt đề cương, thẩm định, đánh giá nghiệm thu. Chúng tôi đã có nghĩ tới phương thức này ở địa phương, nhưng theo tinh thần công văn của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là không hỗ trợ cho các tác giả đã được các Hội chuyên ngành Trung ương hỗ trợ và ưu tiên cho việc tập huấn, mở trại, bồi dưỡng tác giả trẻ, dân tộc ít người. Do vậy, chúng ta có thể gói nội dung đặt hàng vào một cơ chế linh hoạt và thích ứng, ở mức độ thí điểm và tránh sự chồng chéo với các tác giả đã được các hội chuyên ngành Trung ương đầu tư.

* Ngoài các mảng đề tài, các tác giả được khuyến khích, với các thể loại "nặng ký", hướng đầu tư sẽ như thế nào, thưa ông? 

- Các hội chuyên ngành Trung ương hiện có chú ý đầu tư vào các thể loại mà thành tựu còn mỏng. Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận, ở một mức độ nào đó, đến phạm vi thể loại (phần lý luận phê bình, tiểu thuyết, trường ca…) để sắp tới có hướng đầu tư, tặng thưởng thích hợp. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu mở rộng các quy định trong Giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn lần thứ III (2001-2005). Kế hoạch ưu tiên cho thể loại và cơ chế đặt hàng hoặc tặng thưởng có thể sẽ lồng vào nhau và trong thời gian tới, sẽ được thể hiện cụ thể trên diễn đàn của văn nghệ sĩ tỉnh nhà là Tạp chí Văn nghệ Bình Định.

* Xin cảm ơn ông.

. Khải Nhân - thực hiện

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thời sự văn nghệ  (20/05/2004)
Có còn làm thơ không?  (19/05/2004)
Hình tượng Bác Hồ trong hội họa Việt Nam   (18/05/2004)
Văn học Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng Mỹ   (18/05/2004)
Thuận Yến - nhạc sĩ có nhiều bài hát hay về Bác Hồ  (17/05/2004)
Tản Đà với Bình Định  (16/05/2004)
Trầu cánh phượng   (14/05/2004)
Đặng Minh Ngọc trên "con đường lao tâm khổ tứ"   (13/05/2004)
Thời sự văn nghệ   (13/05/2004)
Xem phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông"  (13/05/2004)
Bài hát "Viếng lăng Bác"   (12/05/2004)
Thời sự văn nghệ   (11/05/2004)
Nhiếp ảnh Bình Định trên đường hội nhập   (11/05/2004)
"Việt Nam mến yêu"   (10/05/2004)
Hai chị em   (07/05/2004)