Tranh tĩnh vật của Hoàng Chương Hưng
11:5', 28/5/ 2004 (GMT+7)

Thật ra Hoàng Chương Hưng (hiện là giảng viên khoa Ngữ văn - Trường Đại học Quy Nhơn) chẳng bao giờ dám tự nhận mình là một họa sĩ, cũng chẳng bao giờ nghĩ mình đã là một họa sĩ. "Nghe nó cao xa quá, mà với mình thì vẽ chỉ như một cách để thư giãn. Giữa những khoảng thời gian bận rộn với những tiết dạy, sau những tất bật của giờ lên lớp, vậy là cầm bút và vẽ" - ông nói vậy.

Hoàng Chương Hưng và một tác phẩm của ông

Hãy nghe Hoàng Chương Hưng kể về căn nguyên đã đưa ông đến giá vẽ: "Hồi nhỏ đi học, mỗi tuần có 2 tiết học vẽ, được thầy hướng dẫn cho cách pha màu, bố cục, đã thấy thích lắm, về nhà cứ vẽ nguệch ngoạc luôn. Đấy là những bài học vỡ lòng về kỹ thuật vẽ. Cho đến hồi học trung học, cô giáo dành hẳn 2 giờ văn một tuần, cho chép lại những đoạn văn mình thấy yêu thích nhất và vẽ hình minh họa vào một bên vở… Bẵng đi một thời gian dài đi học đại học, không còn thời gian đâu mà vẽ. Chỉ sau khi ra trường, bắt đầu đi dạy, mới có những khoảng thời gian rảnh và cầm lại bút lông. Những nét vẽ, tôi biết là hãy còn thô vụng lắm, nhưng lại cứ nghĩ, mình vẽ cho mình. Đẹp hay xấu cũng là của mình. Thấy đẹp thì treo. Vậy thôi".

Vậy là Hoàng Chương Hưng cứ vẽ. Mỗi bức tranh là một lần có thêm kinh nghiệm. Có cái gì còn khúc mắc, còn chưa hiểu tận tường thì hỏi thêm bè bạn. Ngay cả cách sử dụng chất liệu, cách phối màu… cũng nhờ họa sĩ Tuấn Sơn tư vấn. Trước, vẽ rồi cuộn lại, để đấy. Không biết bảo quản nên những bức tranh cứ hỏng dần theo thời gian. Chỉ 3, 4 năm trở lại đây, được bạn bè xem và khích lệ, ông mới vẽ nhiều và có ý thức bảo quản hơn. Những bức tranh được nhiều người ưa thích, rồi xin về treo. Những bức tranh, tưởng chỉ vẽ cho mình, nên chưa từng được đặt tên, nay đã có người thưởng ngoạn, đồng cảm và chia sẻ.

Hoàng Chương Hưng chỉ vẽ đúng mỗi một đề tài. Đó là thế giới của hoa, cỏ. Những nét vẽ nhẹ nhàng, những cách bố cục đơn giản, những nét màu đi có lúc mạnh mẽ, dứt khoát; khi tỉ mỉ, có hô, có ứng tạo vẻ rực rỡ; khi giảm bút, tạo vẻ đẹp sâu lắng. Và cứ thế, thế giới hoa, cỏ ấy hiện lên qua tranh ông với một vẻ đẹp riêng, tinh tế, nhẹ nhàng. Sắc hoa có lúc rực rỡ như đang trong một mùa xuân viên mãn, khi mảnh mai, mềm mại và sâu lắng như một hoài niệm.  

Nhìn những bức tranh của Hoàng Chương Hưng, tôi cũng thấy lạ. Những dáng hoa sắc cỏ này, mới nhìn qua, tưởng như ta đã bắt gặp ở đâu, thân thuộc lạ, vậy mà nhìn kỹ lại không phải. Nghe tôi thắc mắc, hỏi vậy, ông cười: "Thật ra, những loài hoa ấy là do tôi tự nghĩ ra, cứ hình dung ra rồi vẽ. Thường là một loài hoa tưởng tượng, không có thực trong cuộc sống nhưng lại mang được cái quan niệm của tôi về cái đẹp".

Những sắc màu hoa cỏ ấy lại được điểm thêm bằng những câu thơ chữ Hán. Những câu thơ, có khi có tên tác giả, nhưng thường là những câu thơ đã in vào trong tâm khảm, chẳng thể nhớ nổi là của ai. Đây là một bức tranh được ông vẽ với một sắc tím ngập tràn, dồn tụ. Trên nền trắng, sắc màu như cứ muốn vượt ra ngoài khung tranh, như muốn thể hiện một sắc xuân đang viên mãn. Tranh là vậy, lại được điểm thêm bằng câu thơ Xuân sắc mãn viên quan bất trú/ Nhất chi hồng hạnh xuất tường lai (sắc xuân viên mãn, không thể nhốt lại ở trong khu vườn/ Một cành hồng hạnh vượt ra khỏi tường). Thơ và họa, qua chiếc cầu nối là thi pháp, trở thành một chỉnh thể không thể tách rời. Bức tranh như mang thêm một chiều kích mới. Hiện nay, ông lại đang thử vẽ màu acrylic trên simili đen. Trên nền đen, sắc màu hiện lên thật lạ lẫm. Dẫu vậy, dường như tác giả vẫn chưa đạt tới độ sâu thẳm của sắc màu, những bức tranh vẫn còn mang tính thể nghiệm nhiều hơn là sự thành công, dẫu đã bắt đầu có một số bức tranh được nhiều người yêu thích.

Trên con đường dài của nghề vẽ, Hoàng Chương Hưng tự biết rằng ông mới đi được những bước đầu tiên. Những thành tựu nghệ thuật, nếu có, hẳn là còn ở phía trước. Dẫu vậy, điều quan trọng hơn là qua mỗi bức tranh, tác giả như bắc thêm được một nhịp cầu, để giao cảm với cuộc đời về những cảm nghiệm của mình về cái đẹp. Có điều gì quan trọng hơn thế?

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tuổi thơ các em trong thơ Phạm Hổ   (27/05/2004)
Nhà thơ Thanh Thảo "đánh vật" với máy vi tính  (27/05/2004)
Phim tài liệu mới về Tổng Bí thư Lê Duẩn   (26/05/2004)
Sự cẩn trọng chữ nghĩa của các nhà thơ   (24/05/2004)
Viên ngọc bích   (21/05/2004)
Nàng công chúa Đảo Vàng   (21/05/2004)
Hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật phong phú hơn   (21/05/2004)
Thời sự văn nghệ  (20/05/2004)
Có còn làm thơ không?  (19/05/2004)
Hình tượng Bác Hồ trong hội họa Việt Nam   (18/05/2004)
Văn học Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng Mỹ   (18/05/2004)
Thuận Yến - nhạc sĩ có nhiều bài hát hay về Bác Hồ  (17/05/2004)
Tản Đà với Bình Định  (16/05/2004)
Trầu cánh phượng   (14/05/2004)
Đặng Minh Ngọc trên "con đường lao tâm khổ tứ"   (13/05/2004)