Hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ năm 2004: Nơi gặp gỡ những bạn nhỏ yêu ca hát
16:15', 7/6/ 2004 (GMT+7)

Trong hai ngày 31-5 và 1-6, tại thành phố Quy Nhơn, diễn ra Hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ năm 2004. Tham dự Hội thi năm nay có 10 đội với 60 thí sinh đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh. 59 tiết mục trình bày tại Hội thi gồm đơn ca, song ca, tốp ca và biểu diễn nhạc cụ xoay quanh các chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, mái trường, tình thầy cô và bè bạn… phần nào mang đến sự sôi động cho sinh hoạt văn nghệ thiếu nhi vốn khá ít ỏi ở Bình Định.

Một tiết mục tham gia Hội thi

Trước Hội thi này, các huyện trong tỉnh đều đã tổ chức Hội thi ở cấp cơ sở. Do vậy, các bạn nhỏ tham dự Hội thi chính là những bông hoa xuất sắc ở độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi, được tuyển chọn từ phong trào văn nghệ ở các trường học, địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, có những bạn nhỏ từ những địa phương miền núi xa xôi cũng về dự thi bằng những tiết mục sôi nổi, có chất lượng cao. Náo nức ngay từ ngày đầu tiên, hồn nhiên trong những động tác múa, từng lời ca có thể hãy còn non nớt nhưng đều rất nhiệt tình khi biểu diễn… đó là điều người xem cảm nhận rõ từ Hội thi này.

Khá nhiều tiết mục được chuẩn bị công phu, từ phối khí đến phục trang, rồi những tiết mục tốp ca có hát bè và nhất là việc chọn được những bài hát phù hợp với chất giọng từng thí sinh, nên đã khá thành công. Nổi bật nhất trong Hội thi là các đoàn: Tây Sơn (giải Nhất toàn đoàn), Vân Canh (giải Nhì toàn đoàn) và Quy Nhơn (giải Ba toàn đoàn). Điều khá đặc biệt là các huyện miền núi ở Hội thi này lại nhỉnh hơn về chất lượng so với mọi năm.

Ở Hội thi năm nay, Ban tổ chức đã bổ sung thêm phần biểu diễn nhạc cụ và tăng thêm số lượng thí sinh tham gia ở các đoàn. Đây là cơ hội mới cho các bạn nhỏ trong phong trào biểu diễn nhạc cụ ở tỉnh nhà. Và đã có 7/10 đoàn có tiết mục biểu diễn nhạc cụ tham gia. Trong đó, những tiết mục khá độc đáo, như độc tấu trống Trống trận Tây Sơn của Lê Hoài Nam (Quy Nhơn). Đồng thời, do được tăng thêm về số lượng thí sinh nên một số tiết mục múa minh họa được thể hiện khá sinh động, có sự đầu tư dàn dựng khá công phu. Hội thi này cũng đã phát hiện những giọng ca mới, nhỏ tuổi, có chất giọng hay như Trà My (Vân Canh), Nguyễn Thị Thúy Nhi (An Lão), Hồng Thắm (Tây Sơn)...

Tuy nhiên, Hội thi này cũng bộc lộ những hạn chế. Đáng buồn nhất là mảng bài hát dành cho thiếu nhi của các tác giả địa phương vẫn còn quá ít về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2001, có 10 trong tổng số 60 tiết mục tham gia Hội thi là của các tác giả địa phương, với nhiều thể loại, đề tài khá đa dạng; thì đến năm 2003, chỉ còn… 3 tiết mục của 2 tác giả địa phương; và đến Hội thi năm nay cũng chỉ có 3 tiết mục. Đây là một hiện tượng đáng báo động trong phong trào sáng tác cho thiếu nhi ở Bình Định hiện nay.

Hội thi năm nay vắng huyện An Nhơn, một trong những địa phương có nhiều giọng hát hay, từng đạt nhiều giải cao trong các Hội thi vừa qua, là điều đáng tiếc. Ngoài ra, do việc chọn bài hát chưa phù hợp với chất giọng, lứa tuổi, nên một số tiết mục không mấy thành công. Một số đoàn dàn dựng tiết mục lại quá căng cứng theo khuôn mẫu nên đã làm mất đi sự trong sáng đáng yêu của tuổi thiếu nhi. Lại có những tiết mục phần nhạc đệm quá sơ sài, xử lý chưa kỹ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của chương trình.

Qua Hội thi này, các cơ quan chức năng có thể đánh giá được đúng thực trạng của phong trào văn nghệ thiếu nhi ở Bình Định với cả những mặt ưu, mặt khuyết. Và những hạn chế của Hội thi, xét cho cùng, cũng chính là những hạn chế chung trong phong trào văn nghệ thiếu nhi ở Bình Định hiện nay, rất đáng được quan tâm.

. Khải Nhân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ Lê Văn Ngăn  (06/06/2004)
Nhạc sĩ Y Vân: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình"  (06/06/2004)
Bí ẩn của bức tranh giả  (04/06/2004)
Những kỷ lục về sách trên thế giới  (04/06/2004)
Thu Hà "tái xuất"   (03/06/2004)
Thời sự văn nghệ   (01/06/2004)
"Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo" (*)  (31/05/2004)
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ - Vun gốc hồn dân tộc  (30/05/2004)
Mùa chim chim   (28/05/2004)
Tranh tĩnh vật của Hoàng Chương Hưng  (28/05/2004)
Tuổi thơ các em trong thơ Phạm Hổ   (27/05/2004)
Nhà thơ Thanh Thảo "đánh vật" với máy vi tính  (27/05/2004)
Phim tài liệu mới về Tổng Bí thư Lê Duẩn   (26/05/2004)
Sự cẩn trọng chữ nghĩa của các nhà thơ   (24/05/2004)
Viên ngọc bích   (21/05/2004)