Thanh Thảo là cộng tác viên quen thuộc của Báo Bình Định từ nhiều năm nay. Ông là nhà thơ nổi tiếng thuộc thế hệ thơ chống Mỹ và là nhà báo cũng rất nổi tiếng, thuộc thế hệ… báo chống tiêu cực. Ông còn là cây bút bình luận thể thao, nhất là bình luận bóng đá rất "lạ" so với các cây bút bình luận khác. Có lẽ ông nhìn đôi chân của cầu thủ trước trái bóng như nhìn những con chữ của một nhà thơ trước trang giấy chăng?
|
Nhà thơ Thanh Thảo tại một quán cóc |
Trước khi EURO khai cuộc 5 ngày, ngày 7-6, nhà thơ Thanh Thảo đã khăn gói lên đường sang châu Âu. Nhà báo Trần Đăng, một cộng tác viên thân thuộc của Báo Bình Định, đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Thanh Thảo chung quanh chuyện viết báo thể thao cũng như chuyến đi của ông sang châu Âu lần này.
- Trần Đăng (T.Đ): Anh đi xem đá banh bên Bồ Đào Nha?
+ Nhà thơ Thanh Thảo (Th.Th): Đi dự Festival thơ tại Hà Lan chứ làm gì có tiền mà đi xem EURO. Nghe nói giá của Công ty Vietravel dành cho khách xem đá banh tại Bồ Đào Nha là 3.350 USD/người, nhưng chỉ xem một trận khai mạc rồi… về. Đi như thế, chỉ nhà giàu mới đi được còn nhà thơ như tôi thì chịu không thấu.
- T.Đ: Vậy, anh mang theo, ngoài thơ, tiền tiêu vặt, còn gì nữa?
+ Th.Th: Thơ thì có sẵn trong đầu, chỉ mang một ít quyển sách "Những người đi tới biển" do Công ty Phương Nam và Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tái bản một số trường ca của tôi đã in tại nhà xuất bản này mấy chục năm trước để tặng bạn bè bên ấy. Tiền cũng mang một ít thôi vì bên mời, họ bao hết cho mình như chuyến đi Pháp của tôi hồi cuối năm ngoái. Khác với lần trước, lần này tôi mang theo chiếc máy vi tính xách tay mới tậu.
- T.Đ: Làm thơ thì cần gì máy vi tính xách tay, thưa anh? Có phải mang máy xách tay là để… giải quyết khâu oai không?
+ Th.Th: Người "oai", chẳng mang gì cũng… oai. Còn người không thể… oai được, có mang tên lửa cũng chả ai sợ. Tôi mang chiếc máy ấy theo người là để viết… bóng đá đấy! Bên đó mình xem ban ngày, dù là xem trên tivi nhưng "không khí" tại Hà Lan, chắc là sôi động hơn ở Việt Nam mình. Xem xong là mình "meo" về ngay cho các báo, vừa có "không khí châu Âu", lại vừa không phải mất ngủ như bên nhà. Nhân đây tôi cũng xin nói thêm rằng, năm 2002, tôi được các bạn Hàn Quốc mời tham dự một Festival thơ tại Seoul trúng vào mùa World Cup nên tôi đành ở nhà để "cày" bài cho các báo. Năm nay, nhờ có cái xách tay ấy, tôi mạnh dạn lên đường, vừa được thơ, lại vừa được báo!
+ T.Đ: Nhân chuyện anh nói đến viết thể thao, xin được tò mò hỏi anh: Anh bắt đầu viết bình luận bóng đá từ khi nào vậy?
- Th.Th: Trong tác phẩm KHỐI VUÔNG RU-BICH viết đầu những năm 80, tôi có thật thà khai báo một ước mơ hồi nhỏ của mình: "Hình mẫu mơ ước thời trẻ của tôi là một cầu thủ bóng đá nổi tiếng. Một hình mẫu chẳng bao giờ tôi đạt được. Đôi khi tôi cũng mơ thành nhà văn, nhưng hình ảnh này hơi kém sức thu hút". Ra thế, không phải ta luôn thành cái gì hồi nhỏ ta mơ. Trở lại với câu anh vừa hỏi, tôi đến với các bài báo viết về thể thao như một sự tình cờ. Còn nhớ mùa hè năm 1994, ở Việt Nam có đến 5 tờ Tin nhanh World Cup. Tôi mua đủ cả 5 tờ để đọc cho sướng chứ chẳng có "âm mưu" viết thể thao. Thế rồi, ông Chánh Trinh và ông Bích Tuyền - hai cây bút thể thao gạo cội của Báo Lao Động lúc đó - có mời tôi viết một bài tùy thích, dưới dạng gì cũng được, về các đội bóng hoặc các cầu thủ. Ông Chánh Trinh mở mục: "Văn nghệ sĩ và bóng đá". Ban đầu tôi viết mấy mẩu ngăn ngắn về chân dung các cầu thủ. Không phải kể lý lịch của họ mà là viết theo cách của tôi. Không ngờ những bài ngăn ngắn ấy lại lọt vào "mắt xanh" của ông Chánh Trinh. Ông ấy khích lệ tôi và tôi… làm tới tới luôn cho đến bây giờ.
+ T.Đ: Anh viết những… 3 bài sau mỗi trận đấu, làm sao nhanh dữ vậy? Hay là anh viết trước?
- Th.Th: Viết trước thế nào được! Ai mà biết trận đấu sẽ có kết quả thế nào mà "đoán mò"? Tất cả tôi đều "bình loạn" sau trận đấu. Có điều, sở dĩ tôi viết nhanh là mình cũng đã "nghĩ" về trận đấu ấy, đặt ra các tình huống. Trận đấu diễn ra "như thế này" thì mình "bình" theo hướng này, còn diễn ra theo chiều hướng khác thì mình cũng có cách khác. Chuyện khen chê trong bóng đá là chuyện bình thường. Có thể các nhà bình luận chê một cầu thủ nào đó rất "thậm tệ" trong trận đấu hôm nay nhưng ngày mai, ở một trận đấu khác, cũng chính cầu thủ ấy sẽ được đưa lên mây xanh nếu anh ta ghi những bàn thắng quyết định cho đội bóng của mình. Sở dĩ tôi phải dông dài ra một chút vì rằng, mới đây, tôi có nghe nói (chứ không đọc - không bao giờ đọc) trên báo Công an Nhân dân, có một ông nào đó phê rất nặng rằng tại sao có ông nhà báo bình luận thể thao nổi tiếng nọ (tất nhiên không phải tôi), nay thì chê Văn Sĩ Hùng như một tay đi du lịch trên sân (Sea Games 1997), mai lại khen rối rít vì anh ta ghi hai bàn vào lưới Indonesia! Phán những điều như thế là cái anh không có "nghề" viết thể thao rồi!
- T.Đ: Nghe nói anh sợ vi tính lâu nay, giờ có máy rồi, hết sợ chưa? Có chuyện gì vui vui với chiếc máy này, anh kể nghe chơi?
+ Th.Th: Tôi "tập" với nó cả tháng nay rồi nhưng vẫn cứ "sợ". Nó không cắn không mổ gì mình mà mình vẫn sợ nó. Lý do à? Nhiều thứ để sợ, nhưng tôi xin kể một chuyện đáng sợ nhất. Một hôm, có một anh biên tập viên ở một tòa báo nọ gọi nhờ tôi viết một bài bình luận thể thao cho trận chung kết Cúp C1. Lúc đó đã hơn 19 giờ nhưng phải có bài ngay trước 21 giờ. Tôi nghĩ, hai tiếng cho một bài báo thì có gì khó nên cứ tà tà với mấy người bạn ở quán bia. Tôi "mổ cò" cũng không đến nỗi tồi nên bài viết xong trước 21 giờ. Đến công đoạn "meo" thì mới sợ. Tôi vào mạng liên tù tì nhưng không được. Nếu như đánh máy chữ trên giấy thì tôi Fax cái rẹt, đàng này đánh trên vi tính, thấy chữ sờ sờ trước mặt nhưng chẳng có cách nào lấy ra được. Máy quá xịn nên không có cửa nào cho ổ đĩa mềm nhét vào. Thế là mất toi một bài (300 ngàn). Hôm sau, hiện tượng "sập mạng" ấy lại tái diễn sau khi tôi đã vào mạng được 10 phút. "Meo" chẳng được, cứ chập chờn rồi… sập hoàn toàn. Tôi đành phải mở máy vi tính ra, đặt máy đánh chữ một bên. Vừa nhìn vào máy vi tính để… đánh máy lại nội dung trên máy chữ rồi fax! Tôi phải la thật to câu này khi fax xong bài báo: "Hoan hô Internet Việt Nam!". Cái "đểu" là ở chỗ: Mình có "meo" được hay không thì mặc mình, ông bưu điện cứ lấy tiền thẳng cẳng!
- T.Đ: Tò mò một lần nữa với anh. Cày như anh, một tháng được bao nhiêu?
+ Th.Th: (Im lặng một lúc lâu) Tôi rất a-ma-tơ trong cái khoản tính toán này. Đại để là ngày kiếm cũng được… ba trăm ngàn!
- T.Đ: Cũng chức chủ tịch nhưng chủ tịch Hội văn nghệ, tiền thu nhập cao hơn chủ tịch…khác.
+ Th.Th: (lè lưỡi) May ra hơn chủ tịch…xã!
- T.Đ: Xin cảm ơn cuộc "làm phiền" này. Sang bên Hà Lan, chắc Internet không như Quảng Ngãi đâu mà anh lo. Chúc anh thành công. |