Tạp bút:
Cuộc đời… vẫn đẹp
17:18', 10/6/ 2004 (GMT+7)

* Tặng anh PHẠM ÁNH và bạn bè VĂN K11 Đà Lạt

Vẫn vậy, thư viết trên đôi giấy nhỏ, bứt ra từ vở học trò. Lần này, thì không có bài thơ nào gởi kèm, chỉ mấy dòng ngắn gọn: "H nhớ! Ngày 11-6 tức ngày 24-4 (AL), anh cưới vợ (thiệp mời sẽ gởi sau). Mời chú sắp xếp thời gian công việc về nhà anh dự cho vui. Anh có tổ chức ở Quy Nhơn, chiều ngày 24-4. Nhưng mời chú về nhà anh trước. Mong chú cố gắng."

Tôi thật sự bàng hoàng. Cái bàng hoàng thật lạ... trước một tin vui quá lớn, quá bất ngờ.

Bạn bè tôi giờ người Nam kẻ Bắc, đứa dưới biển, đứa trên rừng… không ai không nhớ đến anh - "nhà thơ Phạm Ánh". Một người khó nhọc đi qua quãng đời sinh viên đói nghèo mười mấy năm về trước, chỉ bằng một chân với một chiếc nạng gỗ. Anh cứ ở đâu đó trong ký ức của chúng tôi, nhỏ nhoi và liêu xiêu, trên những dốc vắng, trong những chiều đông Đà Lạt.

Bạn bè nhớ anh thường bỏ học, ra đồi Cù ngồi dưới gốc thông nhả khói thuốc rê lên trời để… làm thơ. Cái nghiệp làm thơ "ám" vào anh từ thời sinh viên, đến mức khi khai sơ yếu lý lịch anh cũng "thơ hóa" làm mấy đứa cán bộ lớp bọn tôi một lần phát hoảng: "Tôi sinh ra ở một ngôi làng miền Trung, nhà tôi bị cháy đi cháy lại nhiều lần do giặc càn quét…". Sau này, chúng tôi biết anh mất một chân vì bom trong một trận càn như vậy.

Hồi đó, sinh viên đói nhưng mà… nhàn. Cảnh trường đại học thì quá đẹp, nên có nhiều người làm thơ. Anh là một giọng điệu để lại nhiều ấn tượng trong lực lượng sinh viên sáng tác của khoa Ngữ văn, với sự mộc mạc chân tình về một hình ảnh quê hương miền Trung nắng mưa khắc nghiệt - ở đó, luôn có bóng một người mẹ tảo tần.

Thế nhưng, thầy cô và bạn bè không phải ai cũng biết: 4 năm đại học anh chàng hiền lành ít nói, hay cười buồn buồn, hay làm thơ ấy, chỉ có 1 cuốn tập duy nhất với 4 chữ ngoài bìa kẻ rất ấn tượng "Phạm Ánh toàn tập". Lời đề từ cho "toàn tập" ấy còn ấn tượng hơn: "Sương gió cuộc đời không làm bạc được một cọng râu của tao". Chao ôi! Người ta thường nói kẻ yếu ra vẻ mạnh. Có phải thường quá lo lắng trước những thách thức cay nghiệt trước cuộc đời mà anh phải khí khái, khinh bạc đến mức đó chăng?

Hồi ấy, lớp Ngữ văn khóa 11 của chúng tôi có 38 người chia đều ra 19 nam - 19 nữ. Cả lớp như một gia đình, bọn con trai gắn bó nhau đến mức theo kiểu nói vui: "Ăn chung một mâm, ngủ chung một giường, yêu chung… một cô". Đến kỳ nhận học bổng, chúng tôi kéo ra đồi Cù (hồi đó chưa có sân gol) để đá bóng. Ai đỗ đại học ngay năm đầu xếp vào đội trẻ, anh nào qua dự bị hoặc thi 2, 3 lần mới đỗ xếp vào đội già. Đội thua đương nhiên phải khao đội thắng. 19 người chia 2, thừa ra một người khá hợp lý là "nhà thơ Phạm Ánh" chỉ có một chân. Hợp lý là bởi cũng phải có người vừa làm trọng tài, vừa làm khán giả hò hét, vừa ôm quần áo hộ cho cầu thủ.

Mãi đến khi ra trường, cái sự thừa ra hợp lý ấy, chúng tôi mới nhận thấy đó là khiếm khuyết lớn nhất trong đội hình của chúng tôi. Phạm Ánh không thể cùng chúng tôi đi tiếp cuộc đời này vì không thể xin việc.

Rồi chúng tôi vào đời, đa phần là con nhà nghèo, nên vào đời cũng khá vất vả. Nhưng rồi lần lượt đứa nào cũng có việc làm. Năm tháng đi qua nhiều hơn, mới thấy mình không còn trẻ. Cuộc rượu hội ngộ nào cũng rưng rưng mừng tủi hỏi chuyện đứa này làm gì, đứa kia lấy vợ ra sao? Ai cũng chạnh lòng khi nhắc đến anh. Chúng tôi thống nhất với nhau sẽ in cho anh tập thơ để anh vui và tiếp tục sáng tác. Chúng tôi còn bàn: Đứa nào sau này làm trưởng một cơ quan dù cấp nào, cũng phải tìm cách nhận anh vào làm một chân văn thư hay thường trực gì đấy. Mẹ anh đã già yếu, còn anh sau này sẽ sống ra sao? Chuyện anh lập gia đình, quả thực, chưa đứa nào dám nghĩ.

Thế rồi, chúng tôi chưa kịp in thơ cho anh. Cũng chưa có đứa nào thành thủ trưởng để nhận anh vào cơ quan "phụng dưỡng". Thì hay, anh đã rời quê ngoài Phù Cát vào làm ở Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga ở Quy Nhơn. Mừng anh có việc làm chưa hết, chúng tôi nhận tin anh cưới vợ. Bạn tôi ngoài Quy Nhơn cho hay, vợ anh là người cùng cảnh ngộ khuyết tật như anh và có một gương mặt rất đẹp - đẹp như một thiên thần.

Thiên thần! Tại sao là không nhỉ? Bạn tôi nói rằng: Chúng ta học văn chương, chúng ta làm công việc gần với văn chương, có người theo đuổi nghiệp văn, vậy mà có hổ thẹn không, khi quá chai sạn với cay nghiệt cuộc đời để đôi lúc chúng ta không dám tin vào cái đẹp? Cuộc đời vẫn đẹp hơn chúng ta tưởng nhiều lắm chứ! Có phải thế không "nhà thơ Phạm Ánh" của chúng tôi?

. Huỳnh Hiếu

(Báo Phú Yên)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ Hà Giao  (09/06/2004)
Nhà thơ Thanh Thảo: "Tôi viết thể thao như một sự tình cờ"   (09/06/2004)
Thời sự văn nghệ  (08/06/2004)
Hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ năm 2004: Nơi gặp gỡ những bạn nhỏ yêu ca hát   (07/06/2004)
Thơ Lê Văn Ngăn  (06/06/2004)
Nhạc sĩ Y Vân: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình"  (06/06/2004)
Bí ẩn của bức tranh giả  (04/06/2004)
Những kỷ lục về sách trên thế giới  (04/06/2004)
Thu Hà "tái xuất"   (03/06/2004)
Thời sự văn nghệ   (01/06/2004)
"Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo" (*)  (31/05/2004)
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ - Vun gốc hồn dân tộc  (30/05/2004)
Mùa chim chim   (28/05/2004)
Tranh tĩnh vật của Hoàng Chương Hưng  (28/05/2004)
Tuổi thơ các em trong thơ Phạm Hổ   (27/05/2004)