Dưới hàng me cổ thụ
16:57', 11/6/ 2004 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Khuê Việt Trường

Thế là sau khi đã ăn ở với nhau có hai đứa con, ba mẹ tôi chia tay nhau. Khi đó tôi còn nhỏ quá, chẳng hiểu tại sao người ta có thể tìm cách để được về sống chung với nhau trong một mái nhà, sau đó lại không muốn nhìn mặt nhau, phải đi về hai phía khác nhau dù rằng đã có với nhau hai mặt con? Để rồi chỉ vài tháng sau khi ly hôn, ba tôi lấy vợ khác, người thay thế mẹ tôi không ai khác hơn là cô Hằng. Thuở ba mẹ tôi còn sống chung, cô Hằng thường ghé nhà tôi chơi. Bởi cô Hằng là bạn học của mẹ. Có phải sự rạn vỡ tình yêu giữa ba mẹ tôi có sự can dự của cô Hằng? Điều đó tôi không biết.

Rồi thời gian không bao lâu sau, tới phiên mẹ cũng đi lấy chồng. Người đàn ông mà mẹ chọn lựa gần như tôi chưa biết mặt bao giờ. Tôi và em Lý được hai người chia nhau trước phiên tòa như chia hai con tôm, con cá. Tôi được chia cho ba vì tôi là con trai, em Lý đi theo mẹ vì em là con gái. Khi đó em Lý mới hơn một tuổi, gần như em chẳng biết chuyện lìa tan. Vì khi mẹ ẵm em ra khỏi nhà, em vẫn hồn nhiên bập bẹ "ba, ba, anh, anh", khiến cho tôi có cảm giác đau lòng. Mặc dù có nhiệm vụ nuôi tôi, nhưng ba tôi không thể nào giữ tôi lại trong căn nhà mới của ông, vì người vợ sau của ba nói: "Nhìn gương mặt nó giống mẹ quá". Tôi không hiểu tình yêu trai gái và tình cha con bên nào nặng hơn? Tôi chỉ biết chắc chắn rằng tôi phải sống đơn độc dù tôi có cha mẹ và có cả một đứa em gái. Chính vì cô Hằng muốn ba cắt lìa quá khứ nên đã xui ba gởi tôi tới nhà cô Ba ở. Tôi lẽo đẽo theo ba trong cuộc từ ly mà lòng có cảm giác như mình vừa đánh rơi một điều gì đó chính tôi cũng không hiểu nổi. Mãi về sau này tôi mới hiểu rằng thứ tôi tưởng đánh rơi kia chính là mái ấm gia đình.

Cô Ba của tôi là một người tốt, cô rất thương yêu tôi. Cô Ba đón tôi từ ngõ nhà, gỡ bọc quần áo trên tay tôi: "Thôi, cha mẹ mày không nuôi mày thì về ở với cô. Thằng nhỏ này lớn lên thành tài, ai tới nhận lại con thì biết tay cô Ba này". Tôi níu tay cô Ba như thể tôi biết rằng đó là bàn tay duy nhất có thể dắt đưa tôi vào đời. Nhà cô đã có hai đứa con là chị Ánh và anh Hải; chồng cô chết sớm sau một cơn bệnh. Một mình cô bươn chải nuôi hai đứa con và giờ đây lại thêm một đứa cháu. Để làm tròn trách nhiệm của một người cha, hàng tháng ba tôi gởi tiền nuôi tôi cho cô Ba. Nhưng số tiền đó cũng không nhiều nhặn gì. Tôi lớn lên như cây cỏ đợi nước mưa. Tôi chẳng bao giờ được hưởng mái ấm gia đình trong suốt thời niên thiếu của mình. Hai người nhân danh tình yêu sinh ra tôi sau khi đi về hai phía khác nhau, đã chẳng bao giờ tìm đến xem thử tôi đang sống như thế nào. Sau khi lấy nhau, ba và cô Hằng đã lên Buôn Ma Thuột sinh sống, nghe nói hai người lo chuyện trồng cà phê - sau đó thì cô Hằng sinh cho ba hai đứa con khác. Tôi nhớ mỗi khi từ Buôn Ma Thuột có công chuyện ghé về, ba lấy xe chở tôi ra quán, gọi những món ngon cho tôi ăn một bữa, bỏ thêm trong túi áo tôi một ít tiền gọi là "tiền con muốn mua gì thì mua". Ba tôi đâu biết rằng, tôi đâu cần bữa ăn ngon, chẳng cần những đồng bạc bỏ thêm vào túi mình. Tôi cần một gia đình, cần có người để tôi gọi là ba mẹ. Có thể ba tôi không hiểu điều đó, hay là ông cố trốn chạy trách nhiệm làm cha? Duy ông không hiểu rằng khi ông đi rồi, nhìn theo chiếc xe chở ông trên con đường tung bụi, đôi mắt tôi lúc nào cũng nhòa lệ.

Tôi trơ trọi giữa dòng đời như cây cỏ tự lớn, bởi dù có yêu thương tôi cách mấy, cô Ba vẫn không thể dồn hết tình cảm của cô cho tôi. Vì cô còn phải lo cho hai đứa con của mình. Có những ngày cuối năm, cô mua quần áo mới cho chị Ánh và anh Hải, tôi được cô cho chiếc áo. Cầm chiếc áo trên tay, tôi thấm thía vô cùng về thân phận của đứa con bị bỏ rơi sau khi ba mẹ chia tay. Để rồi bởi sống trong buồn bực, tôi trở thành một đứa trẻ hung dữ. Tôi sẵn sàng đánh bất cứ đứa trẻ nào dám chửi tôi là "đồ không cha mẹ", hay đại loại là những câu nói đụng đến vết thương lòng của tôi. Nhiều lần tôi bị phạt quỳ trước lớp bởi đã đánh lộn với bạn bè. Thậm chí khi trường có giấy mời phụ huynh đi họp, tôi chẳng biết đưa tấm giấy ấy cho ai. Cô Ba nấu bếp cho một quán ăn, công việc của cô lúc nào cũng bận rộn, cô chẳng còn chút thời gian nào mà đi họp phụ huynh cho tôi. May mà có chị Hà hàng xóm, cảm thông cho hoàn cảnh của tôi, chị vẫn xưng là cô đi họp thế cha mẹ tôi. Từ ngày có chị Hà, tôi như có thêm một chỗ dựa tinh thần. Nhà chị đối diện với nhà cô Ba tôi, dưới tán một cây bàng rậm lá. Chị Hà là một thợ may khéo, hàng họ đưa đến cho chị may khá đông. Chị dạy cho tôi cách đơm nút áo, từ đó thay vì cứ để đôi chân trần đi lang thang trên mọi ngõ ngách, tôi dùng thì giờ đó qua tiệm may đơm nút áo giúp chị. Chị Hà trả tiền công cho tôi, tôi không nhận, chị nói: "Chị có cho tiền em đâu. Đó là công lao động của em". Số tiền chị Hà cho, tôi dùng để mua những món đồ lặt vặt tôi thích.

***

Nếu cô Ba không bỏ công lặn lội vào Sài Gòn, hỏi từ người quen này đến người quen nọ thì chẳng tìm ra được Lý, cô em gái của tôi đã không gặp nhau từ năm em mới hơn một tuổi. Cuộc sống của em không có gì nhắc nhớ đến tôi, bởi khi hai anh em lìa nhau em chưa đủ hiểu biết để nhớ rằng mình còn có một người anh trong cuộc đời này. Cô Ba già rồi, mái tóc của cô có nhiều sợi bạc. Cô nói: "Phải tìm cho ra con Lý. Nghe nói vào thành phố vài năm sau thì má con bị bệnh gì đó chết. Bà chết mà không ai biết. Con Lý được một gia đình hiếm con nhận nuôi. Nếu không kiếm nó nhận anh nhận em, lỡ tình cờ yêu nhau thì có trời mới gỡ ra được". Tôi chẳng hiểu có ai lâm vào cảnh của tôi không? Mẹ chết từ lâu mà mình không biết, còn em gái thì đang phiêu dạt ở chân trời nào. Rồi cuối cùng cô Ba cũng tìm ra địa chỉ nhà em Lý. Cô bệnh nặng, không đi cùng tôi được. Tôi đáp chuyến xe lửa một mình vào tận Sài Gòn.

Tôi tìm ra Lý tại một quán cà phê cóc ven đường. Em tôi không được học hành tới nơi tới chốn, phải bươn chải giữa dòng đời để kiếm sống. Em tôi, đứa con không cha mẹ phải vươn mình giữa thành phố xe cộ đi qua không ai nhìn lại phía sau. Em quá già so với tuổi 20 của mình. Đó là lần đầu tiên tôi nghe tiếng gọi: "Anh Hai".

Tôi đưa em gái tôi về lại quê nhà trong buổi chiều Sài Gòn nắng muộn. Nắng xiên thành hàng trên bước chân hai anh em tôi. Trước đó, tôi cùng em đi trên con đường dày đặc hai hàng me cổ thụ, vào trong ngôi chùa đang giữ lọ cốt của mẹ tôi, tôi thắp cho mẹ tôi một nén nhang, Lý cũng thắp một nén nhang. Đôi mắt mẹ tôi trong tấm hình nhìn hai anh em tôi như muốn nói lời xin lỗi. Lòng tôi chợt nhói đau, nỗi đau vì sự sai lầm của người lớn. May mà hai anh em tôi đã tìm được nhau. Khi ngồi trên xe lửa trên tóc Lý còn đậu lại một chiếc lá me vàng. Không hiểu tại sao tôi nhặt lấy nó, ép vào trong bóp. Chiếc lá me trên con đường nơi mẹ đã bỏ hai anh em tôi để vĩnh viễn ra đi.

. K.V.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dưới hàng me cổ thụ  (11/06/2004)
Cuộc đời… vẫn đẹp  (10/06/2004)
Thơ Hà Giao  (10/06/2004)
Nhà thơ Thanh Thảo: "Tôi viết thể thao như một sự tình cờ"   (09/06/2004)
Thời sự văn nghệ  (08/06/2004)
Hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ năm 2004: Nơi gặp gỡ những bạn nhỏ yêu ca hát   (07/06/2004)
Thơ Lê Văn Ngăn  (06/06/2004)
Nhạc sĩ Y Vân: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình"  (06/06/2004)
Bí ẩn của bức tranh giả  (04/06/2004)
Những kỷ lục về sách trên thế giới  (04/06/2004)
Thu Hà "tái xuất"   (03/06/2004)
Thời sự văn nghệ   (01/06/2004)
"Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo" (*)  (31/05/2004)
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ - Vun gốc hồn dân tộc  (30/05/2004)
Mùa chim chim   (28/05/2004)