Nhiều người biết đến Quách Tấn với tập biên khảo "Nước non Bình Định" như là một tác phẩm có giá trị trong các sách địa phương chí, vì tập sách có tư liệu dồi dào mà văn chương lại càng hay.
Và Quách Tấn cũng là nhà thơ cổ điển, viết thơ Đường luật. Đọc thơ Đường luật của ông, chất Đường thi man mác đưa ta vào buổi thịnh Đường xa xưa bên Trung Quốc.
Thế mà, ít ai hiểu rằng những câu thơ đầy chất Đường thi đó, lại được bắt nguồn, được cấu tứ từ những sự kiện ở một vùng đất mà ông đã dày công tìm hiểu và biên soạn bộ sách "Nước non Bình Định": ấy là Bình Định.
Tập thơ "Mùa cổ điển" của Quách Tấn là tập thơ Đường luật. Trong đó có nhiều bài nổi tiếng mà tiêu biểu là bài "Đêm thu nghe quạ kêu" như sau:
Từ Ô Y Hạng rủ rê sang
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng…
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi
Tình hoang mang gợi trí hoang mang.
Bài thơ có nhiều điển tích như: Ô Y Hạng, bến Phong Kiều, sông Xích Bích… nghe ra rất Tàu, rồi hơi thơ nữa như đưa người đọc sang tận bên Tàu.
Trong thơ xưa, việc sử dụng điển tích, điển cố là khó tránh khỏi, hơn nữa, đó lại là một quy luật. Quách Tấn nói rằng: "Sử dụng điển của tôi ai cũng tưởng tôi moi đầu óc ra để tìm điển. Trên thực tế không phải như thế. Chính điển đã tìm tôi để phò tá…" (thư Quách Tấn gởi Nguyễn Hiến Lê, ngày 18-8-1980).
Điển tích, điển cố trong bài thơ trên, sự thực ra sao? Trong bài viết Chung quanh bài "Đêm thu nghe quạ kêu" viết ngày 4-8-1963 (mà sau này Bàng Bá Lân cho in vào tập kỷ niệm Văn thi sĩ hiện đại, tập 2), Quách Tấn đã cho biết ông thai nghén bài thơ này như thế nào.
Đó là vào một buổi tối cuối thu Đinh Mão (1927) trăng mờ mờ, từ bến đò An Thái, ven bờ sông Côn trở về nhà, qua một khúc đường vắng, ông nghe thấy một bầy quạ thình lình cất tiếng kêu, vừa rùng rợn vừa lạnh lùng. Từ đó tiếng quạ ám ảnh ông. Ba tháng sau, bà thân sinh ông mất, tiếng quạ đó lại thành não nùng, héo hắt. Rồi bẵng đi 12 năm, năm 1939, vào một đêm trăng, nhân nghe một tiếng dội ở xa ngân dài ra, tiếng quạ năm xưa vụt thức dậy rộn ràng nhưng dịu dàng chứ không rùng rợn như trước ở Quách Tấn. Đêm đó, Quách Tấn thao thức, nhớ lại rất nhiều ký ức…
Do chữ quạ kêu mà tác giả liên tưởng đến màu đen, đến chữ ô và ông nhớ bài "Y hạng" của Lưu Vũ Tích. Ô Y Hạng là một trong những con phố dẫn đến quảng trường rộng lớn trước miếu Khổng Tử. Các con đường ở khu vực này đều gọi là hạng (ngõ) vì nó đều bé nhỏ. Ta vào Ô Y Hạng, tức là vào một phố buôn bán như tất cả các ngõ khác, nhưng ở đây chủ yếu bán các hàng mỹ nghệ. Cái tên Ô Y Hạng có từ thời Đông Tần (thế kỷ thứ IV) khi đó Nam Kinh là kinh đô của triều vua này và có tên là Kiến Nghiệp. Tại một ngõ ở đây, có hai gia tộc lớn cư trú đó là dòng họ Vương Đạo và Tạ An, đều là những quan to trong triều. Người trong hai gia tộc này thường mặc áo đen, do đó người ta gọi cái ngõ này là Ô Y Hạng (ngõ áo đen). Ô Y Hạng chỉ nổi tiếng về sau, khi thi nhân đời Đường là Lưu Vũ Tích (772- 842) làm bài thơ cùng tên nói lên nỗi cảm hoài trước cảnh biến đổi mau chóng qua thời gian, nơi lầu son gác tía trước kia chỉ còn là những phế tích hoang tàn…
Rồi ông nhớ đến bến đò An Thái năm 1927, mà ông liên tưởng đến bến Phong Kiều của Trương Kế trong bài "Phong Kiều dạ bạc", lại nhớ đến dòng sông Xích Bích với con thuyền Tô Đông Pha, nhớ lại bài "Tiền Xích Bích phú" trong đó có câu "Minh nguyệt tinh hi, Ô thước nam phi" của Tào Tháo; và cứ hết điểm này đến điểm khác cứ nối đuôi nhau đưa ông vào cõi mộng, và sáng hôm sau nữa ông làm xong bài thơ "Đêm thu nghe quạ kêu" ở trên.
Với câu 6 là "Thắc thỏm chăng ai quả ấn vàng" (lúc này quân Nhật chiếm đóng ở Việt Nam, nhiều người đi lính để lập công danh, nhiều bà vợ bị lẻ bóng) và câu 8 là "Tình lan man gợi tứ lan man"; năm 1941 khi đưa in vào tập "Mùa cổ điển", tác giả không vừa ý với hai câu này bèn sửa lại "Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng" và "Tình hoang mang gợi tứ hoang mang".
Như vậy, bài thơ "Đêm thu nghe quạ kêu" được làm từ năm 1927 và hoàn thành năm 1941, cả thảy là 14 năm. Bài thơ có nhiều điển tích như thường thấy trong văn học cổ, làm bài thơ mang âm hưởng Đường thi xa xôi, thực ra đó là âm hưởng của "nước non Bình Định" mà thôi.
Cách cấu tứ, tạo ý kiểu như Quách Tấn ở bài này, không phải là hiếm. Một bến My Lăng thực hư của Yến Lan chắc chắn gợi ý từ bến Trường Thi của quê hương An Nhơn của nhà thơ. Rồi một chiếc lá diêu bông không có thực trong thơ Hoàng Cầm thực ra là từ những kỷ niệm tuổi thơ của ông khi ông sống những ngày tươi đẹp như thế ở vùng Kinh Bắc thơ mộng. Thơ tưởng như xa mà gần, tưởng hư mà thực… Người đọc thơ dễ mấy ai tri kỷ, tri âm với từng dòng thơ của người thơ?
. Khả Xuân
(Theo "Hồi ký Nguyễn Hiến Lê"- NXB. Văn học, 1993) |