Chú tản mạn nhân ngày Báo chí Việt Nam 21-6:
Sôi động và tĩnh lặng
10:20', 18/6/ 2004 (GMT+7)

Rời ghế giảng đường, tôi đi làm báo, đến giờ đã chẵn mười năm. Đây là khoảng thời gian không nhiều trong một đời nhưng cũng tạm đủ để chiêm nghiệm điều gì đó về nghề nghiệp. Có lẽ tôi làm báo vì mưu sinh nặng hơn là một giấc mơ cháy bỏng, tuy nhiên, làm riết rồi thương, rồi yêu, rồi thành máu thịt lúc nào chẳng hay.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định đang tác nghiệp

Có lẽ yếu tố cần trước tiên cho nghề này là sự nhanh nhạy. Vốn xuất thân từ trường đại học của xứ sở sương mù, lãng đãng với văn chương thi phú, tôi biết mình có đôi chút nhạy cảm với đời nhưng cái năng động sao cứ tìm hoài không ra. Vào nghề vài năm, tôi nhận ra rằng, phải biết chọn một góc nào đó hợp với tạng mình mà cày cuốc. Chứ đã bước chân vào nghề báo là chấp nhận mình thành con người của xã hội, đứng giữa dòng dư luận mà tác nghiệp, nếu không biết nghề cần mình ở đâu thì sẽ buồn khổ nhiều lắm.

Làm báo ở tỉnh lẻ, ban đầu tôi cũng theo nếp viết báo… cáo nhưng rồi chợt nhận ra, báo chí không phải như vậy. Cuộc sống sôi động và thú vị nhường kia, sao mình không lăn xả vào mà cất tiếng? Một cây bút nhỏ nhoi như mình nhưng cũng phải tìm cho được quyền lực của con chữ chứ? Ai không tìm được sức nặng cho ngòi bút mình thì suốt đời chỉ là một người viết báo nghiệp dư. Và trộm nghĩ, với thị trường báo chí rộng thoáng của nước ta hiện nay, không có tờ báo nào là nhỏ mọn, chỉ có người làm báo nhỏ hay lớn mà thôi.

Cái sôi động bắt buộc của nghề nhiều khi đã làm tôi quá tải nhưng "đã mang lấy nghiệp" thì phải vui vẻ chấp nhận, gắng tìm sự tĩnh lặng để thăng hoa ngòi bút, để chung thủy với nghề. Sôi động và tĩnh lặng, có lẽ đó là hai mặt "triệt buộc" của một người dấn thân nhưng trong nghề báo, cường độ của sự "triệt buộc" này đôi khi thật quá quắt. Mấy lúc ngồi tâm tình với đồng nghiệp, tôi bỗng ngộ ra, ấy là chuyện tất nhiên của nghề vậy, ai không gánh nổi thì "đi chỗ khác chơi" (lời của nhà văn Trang Thế Hy). Ngẫm về đời làm báo của mấy đàn anh, tự nhiên thấy muốn ứa nước mắt; thuở ban đầu, họ cũng khát khao với nghề lắm chứ nhưng rồi cơm áo sự thường đã rửa trôi dần cái tình đam mê muốn làm một điều gì đó thật tốt đẹp cho nghiệp này. Về hưu rồi, cái đeo đẳng của nghiệp cầm bút nào có chịu buông tha các anh tôi…

Lại mỗi sáng, rời quán cà phê cóc là tôi phải bắt nhịp với công việc thường nhật; gặp gỡ lấy tư liệu, biên tập dàn dựng, thu in phát sóng, lắng nghe hồi âm, rồi tiếp tục lên đường… Nhịp điệu nghề báo cứ thế cuốn đi như nhịp đời vốn vậy; những bài báo rồi cũng sẽ bị lãng quên ngay sau khi đã hoặc chưa hoàn thành trọng trách của mình. Dẫu biết vậy nhưng một chữ tung ra là một niềm gởi gắm, không thể khác được. Phải tìm cho được cảm giác tĩnh lặng ở ngay trong sự sôi động của nghiệp này…

Mười năm với nghề va chạm, thêm khôn bớt dại được bao nhiêu và đã làm gì được cho tình yêu con chữ của công luận, ai mà biết tỏ. Chỉ kịp nhận ra, với việc làm báo, cái dồn dập của thông tin cho mình chỉ có dày lên theo năm tháng. Mình tự nhủ mình phải trui rèn từng ngày để vững chân giữa dòng thế sự, để có những khoảng lặng thiết thân, để những bài báo kịp giờ lên khuôn nhưng vẫn không giấu được chút ấn tượng riêng tư của chính bản thân. Làm sao cho khỏi thẹn thùng khi nhìn gió cuốn bay đi từng - tác - phẩm - của - một - tấc - lòng - nhà - báo?

. Đào Đức Tuấn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Nước non Bình Định" trong một bài thơ đường luật của Quách Tấn   (17/06/2004)
Tình bóng   (15/06/2004)
Thơ về Huế của Trần Xuân Toàn  (14/06/2004)
Dưới hàng me cổ thụ  (11/06/2004)
Cuộc đời… vẫn đẹp  (10/06/2004)
Thơ Hà Giao  (10/06/2004)
Nhà thơ Thanh Thảo: "Tôi viết thể thao như một sự tình cờ"   (09/06/2004)
Thời sự văn nghệ  (08/06/2004)
Hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ năm 2004: Nơi gặp gỡ những bạn nhỏ yêu ca hát   (07/06/2004)
Thơ Lê Văn Ngăn  (06/06/2004)
Nhạc sĩ Y Vân: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình"  (06/06/2004)
Bí ẩn của bức tranh giả  (04/06/2004)
Những kỷ lục về sách trên thế giới  (04/06/2004)
Thu Hà "tái xuất"   (03/06/2004)
Thời sự văn nghệ   (01/06/2004)