. Truyện ngắn của Khuê Việt Trường
Mọi người gọi tôi là nhà báo trẻ. Ừ, mới 25 tuổi tôi vẫn còn trẻ thật. Bởi trong những phóng viên kỳ cựu, lão làng của tờ báo, tôi là người không ai biết, chẳng ai chú ý trong những lần họp báo lấy tin. Hôm anh Hoàng, thư ký tòa soạn phân công cho tôi phụ trách mảng văn hóa văn nghệ, tôi mím môi: "Hay là anh cho em về mảng pháp luật được không?". Tôi có lý do của tôi là bởi vì tôi học luật - học luật mà đi làm phóng viên văn hóa văn nghệ thì chẳng khác nào như là thợ mộc mà đi hàn xì? Anh Hoàng trả lời: "Mảng pháp luật có Lý nó làm lâu rồi, quen đường đi nước bước hết rồi. Còn mảng văn hóa đang trống vì cô Hà phụ trách đã xin chuyển công tác ra Hà Nội theo chồng. Em về báo như thế cũng kịp lúc." Thế là tôi trở thành phóng viên văn hóa văn nghệ.
Tôi yêu nghề báo. Đương nhiên không phải bởi vì hai từ nhà báo nghe có oai. Mà tôi cảm thấy thích thú thật sự với cái nghề nói theo kiểu mọi người: "Được ăn, được nói, được gói… mang về." Trên lý thuyết, tưởng làm nhà báo sướng lắm, nhưng khi đã vào nghề rồi mới biết rằng đó chỉ là câu nói cửa miệng cho vui. Thật ra thì muốn ăn, muốn nói cũng không được. Thậm chí gom tư liệu cả mấy ngày trời, nhưng khi ngồi trước bàn máy thì chữ nghĩa trốn đi đâu hết, đành chuyển sang chơi games. Tôi cũng rất lạ là khi đi dự một lễ hội nào đó, tôi phải ngược xuôi tìm tư liệu, vất vả chen trong đám đông tìm một vị có chức sắc để phỏng vấn - thì các anh chị nhà báo khác chỉ loay hoay một tí rồi lấy xe đi hết. Tôi không biết họ lấy gì để mà viết. Để rồi tôi đâm ra nghi ngờ khả năng làm báo của mình. Thậm chí khi đi tìm một nhà văn để thực hiện bài viết, gọi điện thoại hẹn tới hẹn lui mới được một cái hẹn. Vậy mà khi gặp, ông nhà văn giương kính ngước nhìn: "Nhà báo đó hả? Sao nhìn giống như sinh viên vậy? Viết xong nhớ đưa bài lại cho chú để chú xem viết có được không rồi mới được đăng". Rồi có lần đi họp báo, mọi người cứ nhìn tôi giống như tôi ở một hành tinh nào đó. Chẳng ai tin tôi tôi là nhà báo cả, bởi có thể nhà báo phải có chiếc áo khoác thật bụi, gương mặt cũng bụi và chiếc túi xách trên vai cũng bụi. Còn tôi vẫn có thói quen dùng chiếc túi xách từ thuở sinh viên để bỏ những thứ linh tinh trong đó khi đi làm việc.
Ngày tháng cứ trôi đều như những cơn mưa vội qua, những cơn nắng vội tới. Tôi theo nghề cũng ngót nghét cả năm trời. Chiếc máy ảnh thì gom góp tiền thưởng mà mua, chiếc máy ghi âm của anh Hoàng cho mượn, chiếc xe gắn máy thì bố mẹ cho - tài sản của tôi quanh đi quẩn lại được thêm chiếc máy vi tính thuộc thế hệ đồ cổ, nhưng dù sao thì nhờ nó tôi có thể tự viết bài ở nhà thay vì phải tranh thủ giờ nghỉ tới cơ quan ngồi viết. Hôm họp cơ quan, tôi bị phê bình như tát vào mặt khi bài viết về hiện tượng hát nhép trong một chương trình ca nhạc lớn do chính ngành văn hóa thông tin tổ chức. Tôi đã cẩn thận ghi rõ ý kiến của một số người có liên quan, nhưng lại không ghi âm. Cuối cùng thì tòa soạn bị gởi đơn đòi đính chính của chính vị lãnh đạo đầu ngành, trong đó có ý kiến của chính những người đã phát biểu trong bài viết của tôi - họ cho rằng họ chẳng hề phát biểu như tôi nói. Tôi đâm ra nghi ngờ là mình không có năng khiếu làm báo, dù cho tôi đã cố công cố sức đọc biết bao nhiêu tài liệu liên quan về nghề, hoặc mỗi khi thực hiện một bài viết về vấn đề gì đó tôi đều nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi quyết định làm đơn xin làm việc ở một văn phòng luật sư. Biết đâu sở trường của tôi là "thầy cãi" chứ không phải là nghề báo? Bởi tôi không hình dung rằng nghề tôi đã chọn không đơn giản như tôi đã từng tưởng. Tôi không thể chứng minh được mình đúng.
Mỗi khi buồn, tôi vẫn thường ra biển. Ở ngay ghềnh đá của vòng ôm biển tôi có thể nhìn những đợt sóng cứ hồn nhiên vỗ tung. Nhìn sóng cho lòng bằng an trở lại, đó là thói quen của tôi. Tôi cứ ngồi như thế cho đến khi anh Hoàng tới cạnh tôi tự bao giờ. Anh đưa cho tôi lá thư từ văn phòng luật sư gởi tới. Anh nói:
- Chắc họ đã nhận em làm việc rồi đó.
Tôi cười:
- Em đâu nói gì đâu mà anh biết?
Anh Hoàng cười theo tôi:
- Văn phòng luật sư đó là bạn anh. Họ có hỏi ý kiến của anh. Em có quyền chọn lựa công việc của mình. Nhưng theo anh như thế là bỏ cuộc.
Rồi anh đưa cho tôi một bì thư khác. Giọng anh đều đều:
- Trước khi bỏ cuộc, em làm giúp anh việc này nhé Xuân. Em đọc hết hồ sơ, đi điều tra và viết thử xem sao? Lý phụ trách mảng này đã xin phép nghỉ một tháng về quê thăm bố mẹ. Em cứ đọc và có gì thì trao đổi với anh.
***
Tôi đã đọc lá đơn kêu cứu của những người chưa hề biết mặt. Đó là ba đứa trẻ bị mất cha mẹ sớm, đang sống trong căn nhà của mình. Nhưng không có người che chở, trong khi giá đất lên vùn vụt, các em có nguy cơ bị ném ra khỏi căn nhà của chính mình. Mà người sẽ ném các em ra khỏi nhà không ai khác hơn chính là tay địa chính xã. Làm địa chính, cho nên hắn ta đã biết lợi dụng sự sơ hở của giấy tờ, luật pháp. Lá đơn gởi tới tòa soạn được viết bởi một người hàng xóm tốt bụng. Người viết có lẽ ít học, ngoại trừ tấm lòng nhân hậu - đã viết những lời thống thiết kêu gọi công lý, mặc dù trong đơn sai lỗi chính tả rất nhiều. Thế là tôi lên đường.
Vẫn là ánh mắt nhìn tôi như thể là cô học trò mới ra trường. Hinh, tay địa chính nói: "Ngay khi cô vừa bước chân vào sân trường đại học thì tôi đã phụ trách địa chính." Anh ta quên rằng chính nhờ vốn liếng 4 năm ngồi trong trường luật đã cho tôi phát hiện ra được những giấy tờ giả mạo hắn đã khôn khéo tạo ra đẩy vào trong hồ sơ. Hinh lại nói: "Cô nhà báo về lấy chồng, ở nhà nấu cơm có lẽ hay hơn là đi điều tra mấy vụ nhà đất. Ba đứa trẻ mồ côi chúng tôi sẽ đưa vào mái ấm của huyện. Cô chắc nghe lời xúi giục của người khác phải không? Vô ích thôi."
Có thể ánh mắt của ba đứa trẻ nhìn tôi khi tôi tới thăm chúng đã khiến tôi bắt đầu vào cuộc kiếm tìm không mệt mỏi cho ra chứng cứ gian dối. Rồi cũng trong quá trình đi tìm tài liệu, suýt tí nữa thì tôi bị tai nạn xe khi tôi đang lái xe băng qua con đường đê cao dọc theo các đìa cá. May mà không sao. Gặp tôi với bộ dạng bơ phờ, anh Hoàng nói: "Hay là anh chuyển việc này cho thằng Hải làm nghe Xuân. Dù sao em cũng là con gái." Tôi mím môi: "Bộ con gái không làm điều tra được sao anh Hoàng?".
Tôi chẳng hiểu tại sao khi viết những bài về văn hóa văn nghệ tôi phải đi tìm chữ cực kỳ khó khăn - nhưng khi viết về phận người, tôi có cảm giác như ngón tay tôi không kịp nhảy theo bàn phím cho những con chữ hiện ra. Tôi viết trong đêm xong bài phóng sự điều tra dài ba kỳ.
Hôm nhận giải báo chí, anh Hoàng nhắc lại chuyện tôi định đi làm luật sư. Tôi cười: "Em cũng sẽ làm luật sư, nhưng không phải luật sư tại văn phòng, mà là luật sư cho người nghèo." Anh Hoàng cũng cười theo tôi: "Và em cũng được phân công về mảng xã hội."
Tôi rủ anh theo tôi đến thăm ngôi nhà vừa mới cất của ba cháu bé trên mảnh đất đã dành lại được, do nhiều vị mạnh thường quân đóng góp dựng lên. Anh Hoàng đứng nhìn ngôi nhà, xuýt xoa: "Đúng là ngôi nhà trong giấc mơ. Giấc mơ của một cô nhà báo định bỏ nghề."
. Khuê Việt Trường |